(Báo Quảng Ngãi)- Đã 70 năm trôi qua, nhưng khí thế và tinh thần của “chiến sĩ Điện Biên” năm xưa vẫn như ngọn cờ hồng truyền cảm hứng để thế hệ hôm nay học tập, phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng quê hương, đất nước.
Sống mãi ký ức Điện Biên
Hòa mình trong không khí hào hùng, phấn chấn của những ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi tìm về ngôi nhà của ông Ngô Văn Thành (92 tuổi) ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi)- người trực tiếp tham gia tiếp lương, tải đạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân đến thăm và tặng quà cho ông Ngô Văn Thành, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi). |
Ở tuổi xưa nay hiếm, tai đã lãng, đôi chân đã chậm và trí nhớ đã phai nhạt những ký ức về những ngày tham gia làm dân công hỏa tuyến cho chiến dịch Điện Biên Phủ gian khổ 70 năm trước vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của ông. Kể cho chúng tôi nghe về một thời tham gia chiến dịch, đôi mắt người lính già sáng lên đầy hào hứng. Ngày ấy, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Tất cả cho tiền tuyến”, cũng như những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi trên khắp mọi miền đất nước, ông Ngô Văn Thành đã hăng hái tình nguyện xung phong tham gia kháng chiến và làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí lên chiến trường Điện Biên.
“Khi ấy, địa hình hiểm trở, phải vận chuyển pháo, đạn dược, lương thực qua dốc núi cheo leo, vừa đi vừa đối mặt với những trận ném bom của địch, những trận phục kích của lính Pháp, nhưng tôi và đồng đội không hề nao núng. Dù gian khổ, nguy hiểm, nhưng ai cũng quyết tâm ngày đêm tải lương, tải đạn... vượt hàng trăm ki lô mét đường núi cao, đèo sâu để chi viện cho tiền tuyến”, ông Thành kể.
Khi biết tin thắng trận, tướng Đờ Cát-xtơ-ri bị bắt, quân ta làm chủ đồi Him Lam, Độc Lập, ông và tất cả mọi người nhảy lên trong niềm vui sướng. Mọi người ôm chầm lấy nhau, ai cũng rơm rớm nước mắt vì hạnh phúc. Giờ đây khi dấu vết thời gian đã in hằn lên làn da, mái tóc, dù ở cái tuổi nhớ nhớ, quên quên nhưng những kỷ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 mãi luôn là những ký ức đẹp trong cuộc đời ông.
Những ngày này xem thông tin trên báo, đài có các chương trình nói về Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cảm thấy thật xúc động và tự hào. "Đã 70 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ về những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi vẫn luôn rất tự hào và vui sướng khi là một trong những người con của quê hương Quảng Ngãi góp một phần công sức làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử", ông Thành tự hào kể.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông về Hà Nội công tác trong ngành đường sắt và tham gia học tập. Năm 1973, ông nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam (thời ấy gọi là “đi B”) để cùng đồng bào và quân dân miền Nam chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Hòa bình lập lại, ông có một thời gian công tác tại Công ty Đường sắt tỉnh Nghĩa Bình, sau đó chuyển về công tác tại Ban Kiến thiết công trình Thạch Nham Nam sông Vệ đến khi về hưu năm 1980.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy (bên phải) thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình chiến sĩ Điện Biên Huỳnh Kim Sơn, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức). |
Dù ở cương vị nào hay trở về cuộc sống đời thường, ông luôn giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", tinh thần “Chiến sĩ Điện Biên” trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào tại địa phương, đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước. Nay tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo và luôn dạy bảo con cháu nỗ lực học tập, lao động, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
Cô Ngô Thị Thu Thủy (con gái của ông Thành) rất tự hào khi nói về người cha của mình. Cô Thủy cho biết, những ngày này, ông rất vui, đặc biệt khi được lãnh đạo tỉnh đến thăm, tặng quà và động viên nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. “Ông nói rằng, trong chiến dịch, bao nhiêu đồng đội đã hy sinh, mình còn được sống là may mắn lắm rồi nên phải sống cho xứng đáng. Trong cuộc sống hằng ngày, ông vẫn luôn mang tinh thần chiến sĩ cách mạng, là tấm gương sáng, là động lực để chúng tôi trau dồi đạo đức, nỗ lực học tập và rèn luyện để xứng với truyền thống cách mạng của gia đình”, cô Thủy nói.
Phát huy truyền thống cha, ông
Những ngày này, trong không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, anh Phùng Bá Vương (41 tuổi) ở xã Bình Châu (Bình Sơn) rất đỗi tự hào và xúc động khi nhắc về người cha của mình, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An thăm hỏi, tặng quà gia đình thân nhân liệt sĩ Võ Nghinh, ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng ngãi). |
“Cha đã từ biệt chúng tôi về miền thương nhớ cách nay 4 năm khi ở tuổi 92, với 33 năm tham gia cách mạng. Với anh em tôi, cha là niềm tự hào. Sinh thời, trong cuộc sống hằng ngày và trong công việc, ông luôn phát huy tính tiên phong gương mẫu của người chiến sĩ Điện Biên được rèn luyện trong quân ngũ, thực sự là tấm gương sáng để con cháu trong gia đình học tập, noi theo”, anh Vương chia sẻ.
Không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, anh Vương luôn ra sức phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt trong học tập cũng như trong công tác và cuộc sống hằng ngày. “Hiện tại với vai trò là Chủ tịch UBND xã Bình Châu, bản thân tôi luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đồng thời, luôn nhắc nhở, động viên các thành viên trong gia đình chấp hành tốt các quy định, chủ trương của Nhà nước và địa phương đề ra; đi đầu trong các hoạt động của địa phương, góp phần xây dựng quê hương phát triển, giàu đẹp”, anh Vương bày tỏ.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Ngãi có 18 đồng chí từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có 6 liệt sĩ, 10 đồng chí là bộ đội, thanh niên xung phong đã từ trần. Hiện nay, còn 2 đồng chí còn sống là đồng chí Trịnh Độ ở xã Bình Trung (Bình Sơn) và đồng chí Ngô Văn Thành, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi).
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), tỉnh Quảng Ngãi tổ chức 7 đoàn trực tiếp tới thăm, tặng quà các gia đình thân nhân liệt sĩ, thương binh, chiến sĩ Điện Biên, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh. Đây là tình cảm, là nghĩa cử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhằm tôn vinh, tri ân các chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
Ðã 7 thập kỷ trôi qua, nhưng dư âm của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vang mãi, không chỉ trong tâm khảm của mỗi chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã từng góp mặt vào chiến dịch, mà là niềm tự hào của thế hệ người dân Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi hôm nay nói riêng về thế hệ cha ông.
Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Bài, ảnh: N.ĐỨC
TIN, BÀI LIÊN QUAN: