Nhớ mùa thu năm ấy  

11:05, 03/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một mùa thu đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, trở thành mốc son chói lọi, đó là mùa thu tháng Tám năm 1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân đã vùng lên khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, mở ra kỷ nguyên mới: Độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. 

Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, người dân Quảng Ngãi nhớ về mùa thu năm 1945 với niềm tự hào về truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất của quê hương.  

Mùa thu quật khởi   

Trên hành trình từ huyện Nghĩa Hành lên huyện Ba Tơ, chúng tôi dừng chân ở phía dưới đèo Đá Chát để ngắm núi Lớn, dãy núi đã đi vào lịch sử của Đội Du kích Ba Tơ. Sau khi lập căn cứ trên núi Cao Muôn, Đội Du kích Ba Tơ tiến về trung châu, thành lập Đại đội Phan Đình Phùng và Đại đội Hoàng Hoa Thám. Vùng núi Lớn trở thành căn cứ của Đại đội Hoàng Hoa Thám do  đồng chí Nguyễn Đôn trực tiếp chỉ huy.

Đoàn viên, thanh niên các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hành trình về nguồn tại Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ. ẢNH: THÀNH DUY
Đoàn viên, thanh niên các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hành trình về nguồn tại Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ. ẢNH: THÀNH DUY

Mùa thu, rừng cây xanh thẳm. Những làng quê dưới chân núi lúa chín vàng ươm. Nông dân vào mùa gặt mới. Dòng suối Chí sau những ngày nắng nóng, nước cạn. Đã có lần tôi theo lối mòn ngược suối Chí lên tận thác Giê và dừng lại ở khu rừng keo bạt ngàn, nơi mà ngày xưa lực lượng cách mạng chọn để đặt xưởng công binh, thao trường của quân du kích. Đến bây giờ, người dân trong vùng vẫn gọi nơi đây là xưởng công binh. Cụ Huỳnh Tứ, ở thôn Nhơn Lộc, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) hồ hởi kể về những ngày mùa thu tháng Tám năm xưa. Khi đó, ở vùng Hành Tín đã thành lập hội nông dân cứu cuốc, phụ nữ cứu quốc...   

Ông Phạm Hương (đội viên Đội Du kích Ba Tơ) lúc còn sống đã kể lại rằng, thế hệ thanh niên thời đó lớn lên, hiểu nỗi nhục mất nước nên tham gia cách mạng để giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc. Địch cho rằng ở Căng an trí Ba Tơ, nơi rừng thiêng nước độc sẽ giết dần giết mòn những người cách mạng. Nhưng chúng đã lầm, từ nơi ấy, chúng tôi theo anh Kiệt (Trung tướng Phạm Kiệt), anh Đôn (Trung tướng Nguyễn Đôn) làm cách mạng, làm nên Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ vang dội. Rồi Đội Du kích Ba Tơ được thành lập, chọn núi Cao Muôn làm căn cứ, sau đó tiến về trung châu thành lập Đại đội Phan Đình Phùng và Đại đội Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa. Những sự kiện lịch sử như dòng thác cuốn mình đi với tinh thần mà đoàn quân du kích từng tuyên thệ bên dòng sông Liên: "Hy sinh vì tổ quốc".

Từ ngày 14/8/1945, khi Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát lệnh khởi nghĩa cho đến mãi về sau, cờ đỏ sao vàng tung bay trên mái đình làng, trên những ngọn cây cao... Những người dân quê sau những tháng năm dài trong đêm trường nô lệ, tràn đầy niềm vui. Họ chào đón Đại đội Hoàng Hoa Thám từ trên núi Lớn hành quân xuống, đó là đoàn quân của nhân dân, từ nhân dân mà ra, được sự giáo dục và rèn luyện của Đảng vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Rồi khi nghe thông tin từ các nơi trong tỉnh quân du kích và các lực lượng đã giành chính quyền trong toàn tỉnh, người dân ai cũng vui mừng khôn tả, trào dâng niềm xúc động và tự hào.  

Tưng bừng ngày hội lớn

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều địa điểm, di tích gắn liền với sự kiện lịch sử mùa thu năm 1945. Ở TP.Quảng Ngãi, sân vận động Diên Hồng (khu vực Trung tâm Thanh thiếu nhi Diên Hồng ngày nay), ngày 30/8/1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thắng lợi và ra mắt UBND cách mạng lâm thời tỉnh Lê Trung Đình.
 

Di tích chiến thắng Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Nơi đây, quân du kích thuộc Đại đội Phan Đình Phùng cùng với lực lượng tự vệ đã đánh bại một trung đội phát xít Nhật. ẢNH: CẨM THƯ
Di tích chiến thắng Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Nơi đây, quân du kích thuộc Đại đội Phan Đình Phùng cùng với lực lượng tự vệ đã đánh bại một trung đội phát xít Nhật. ẢNH: CẨM THƯ

Buổi mít tinh là ngày hội lớn của nhân dân Quảng Ngãi với khí thế ngất trời. Từ đồng bằng đến miền núi, hàng vạn quần chúng hàng ngũ chỉnh tề kéo về dự mít tinh mừng thắng lợi. Ở phía bắc, đoàn Sơn Tịnh đã vào đến phố mà cuối đoàn vẫn ở bên kia cầu Trà Khúc 4km. Đoàn Nghĩa Hành kéo dài từ sân vận động đến Gò Găng. Đoàn Tư Nghĩa xếp thành hàng dài 7km... Hơn 2.000 chiến sĩ với 400 khẩu súng của Đại đội Phan Đình Phùng và Đại đội Hoàng Hoa Thám đội ngũ chỉnh tề dẫn đầu đoàn người gồm nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh tham gia lễ diễu hành...

Tại buổi mít tinh, đồng chí Nguyễn Chánh tuyên bố Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thắng lợi, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lê Trung Đình ra mắt đồng bào. Đồng chí Trần Toại chủ tịch tỉnh cùng các đồng chí trong ủy ban tuyên thệ đem hết tinh thần và nghị lực phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân...

Cái ngày hội lớn vào mùa thu năm ấy tràn đầy niềm hân hoan, xúc động. Trung tướng Phạm Kiệt, người anh cả của Đội Du kích Ba Tơ trong hồi ký "Từ núi rừng Ba Tơ" có viết: “Đứng trước quang cảnh của ngày hội chiến thắng dựng lên chính quyền cách mạng, từng đợt sóng người ồ ạt kéo đi, lòng tôi tràn ngập niềm hân hoan. Quần chúng cách mạng đã đứng lên nắm lấy vận mệnh của mình. Không một kẻ thù nào có thể lay chuyển được sức mạnh vô bờ của nhân dân. Kể từ ngày phát động võ trang khởi nghĩa Ba Tơ đến nay thấm thoắt 170 ngày. Sự hy sinh anh dũng của bao thế hệ gan góc chống đế quốc phong kiến đúc lại mới có một ngày tháng Tám vẻ vang...”. 

 CẨM THƯ 



TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 11:05, 03/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.