Báo chí Quảng Ngãi qua những chặng đường 

07:05, 20/06/2023
.

* Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh TRẦN CAO TÁNH

(Báo Quảng Ngãi)- Báo chí Quảng Ngãi ra đời từ rất sớm và có bước phát triển mạnh mẽ qua các thời kỳ. Báo chí Quảng Ngãi đã có những đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc, cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương sau ngày hòa bình.

Ra đời từ rất sớm

Vào đầu thế kỷ XX, một số thanh niên yêu nước của Quảng Ngãi ra Huế, Hà Nội học, có dịp tiếp xúc với sách, báo tiến bộ nước ngoài, hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga và đã bí mật tuyên truyền, phổ biến học thuyết cách mạng trong các giới yêu nước ở quê nhà. Để tập trung lực lượng, mùa hè năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Quảng Ngãi được thành lập do đồng chí Trương Quang Trọng làm Bí thư. Hội quyết định xuất bản tờ báo Dân Cày (cơ quan ngôn luận của Hội).

Báo, tạp chí ở Quảng Ngãi những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: TL
Báo, tạp chí ở Quảng Ngãi những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: TL

Khi mới ra đời, báo Dân Cày chỉ là bản viết tay trên giấy học sinh, số lượng xuất bản rất ít, chủ yếu chuyền tay nhau xem rồi đốt, hủy để tránh sự truy lùng ráo riết của mật thám Pháp và bọn tay sai. Báo Dân Cày đã có đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, kêu gọi, thức tỉnh tinh thần yêu nước trong giới thanh niên, học sinh và quần chúng tiến bộ.

Tháng 7/1929, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Quảng Ngãi tuyên bố giải tán để thành lập tổ chức dự bị cộng sản. Đến tháng 3/1930, chi bộ cộng sản đầu tiên của Quảng Ngãi ra đời, sau đó Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, báo Dân Cày tiếp tục được xuất bản và trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh. Báo Dân Cày là một trong số ít tờ báo cách mạng ra đời sớm ở khu vực miền Trung và cả nước.

Đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng

Sau báo Dân Cày, nhiều tờ báo, tạp chí ở Quảng Ngãi cũng ra đời nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu của cách mạng. Từ 1930 - 1935, Tỉnh ủy Quảng Ngãi có chủ trương xuất bản các báo Bạn Gái, Tiến Lên để tuyên truyền, vận động các giới thanh niên, phụ nữ; báo Dân Nghèo, Lao Động chủ yếu vận động nông dân, thợ thuyền đi theo tiếng gọi của Đảng. Thời kỳ 1936 - 1939, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chủ trương xuất bản tạp chí Đỏ, có sự tham gia viết bài của đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc bấy giờ đồng chí bị thực dân Pháp đưa từ nhà tù Côn Đảo về quản thúc tại quê nhà.

Hiện Quảng Ngãi có 2 cơ quan báo là Báo Quảng Ngãi và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; có 3 tạp chí, gồm tạp chí Sông Trà và 2 tạp chí khoa học của Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Trường Đại học Tài chính - Kế toán. Trên địa bàn tỉnh có cơ quan đại diện, Văn phòng của Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân và hơn 20 phóng viên các báo đăng ký thường trú. Lực lượng làm báo ở Quảng Ngãi khá đông, với 100 phóng viên có thẻ nhà báo, gần 150 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Những năm từ 1939 - 1943, phong trào cách mạng  ở Quảng Ngãi bị tổn thất nặng nề, Đảng chủ trương chuyển hướng hoạt động nên không phát triển báo chí. Để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, tháng 6/1945, Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh ra báo Chơn Độc lập. Sau Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi, Đội Du kích Ba Tơ chuyển về đồng bằng hoạt động và đã xuất bản tạp chí Xung Phong, nhằm góp phần giáo dục và động viên tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, kêu gọi đoàn kết quân dân, ủng hộ cách mạng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng Ngãi xuất bản thêm tờ Giữ Vững với mong muốn, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc mới giành được, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Liên đoàn Văn hóa cứu quốc tỉnh xuất bản tạp chí Đời Sống Mới, sau đó là tạp chí Tiến Hóa, nhằm cổ súy, vận động xây dựng nền văn hóa, văn nghệ mới theo phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng.

Thời kỳ chống Pháp (1946 - 1954), Quảng Ngãi là vùng tự do của Liên khu 5 nên báo chí cách mạng được phổ biến khá rộng rãi trong tỉnh. Cùng với Đài Tiếng nói Nam bộ đặt trụ sở và phát sóng ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), còn có nhiều báo trung ương như Sự Thật, Cứu Quốc, báo của Khu 5 như Nhân Dân Liên khu 5, Tiếng Vang của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ; Cứu Quốc Liên khu 5... Tờ báo Giữ Vững, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh được đầu tư nhiều hơn, xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, với số lượng 2.000 tờ/kỳ. 

Năm 1949, sau khi báo Giữ Vững ngừng xuất bản, Ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh được Tỉnh ủy cho phép  xuất bản báo Tiền Phong khổ 30x40cm, 4 trang, ra  mỗi tuần 1 số. Báo phản ánh khá toàn diện công cuộc kháng chiến kiến quốc thời bấy giờ. Những năm sau đó, Quảng Ngãi có thêm tờ Tin Tức của Ban lãnh đạo miền Tây Quảng Ngãi, tờ Thông tin Đức Phổ và Thông tin Mộ Đức.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), báo chí cách mạng Quảng Ngãi không bị gián đoạn. Năm 1955, Tỉnh ủy bí mật chủ trương thành lập 2 tờ báo Hòa Bình phát hành ở đồng bằng và Đoàn Kết phát hành ở miền núi nhằm tuyên truyền, cổ vũ nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện dân sinh và dân chủ, cứu đói đồng bào. Năm 1959, sau khi trung ương có Nghị quyết 15 về chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, Tỉnh ủy ra báo Thống Nhất thay cho báo Hòa Bình. Năm 1961, báo Thống Nhất đổi tên thành Cờ Giải Phóng, sau đó là Giải Phóng. Báo Giải Phóng được tăng cường nhân lực từ ngoài Bắc vào là những cán bộ, sinh viên tốt nghiệp đại học, nên việc tổ chức in ấn và nội dung khá bài bản. Cùng với tờ Giải Phóng, năm 1974, Tỉnh ủy thành lập Đài Phát thanh giải phóng ở Suối Chình, Hành Tín (Nghĩa Hành).

Không ngừng lớn mạnh

Sau giải phóng năm 1975, báo Giải Phóng ra số đầu tiên, sau đó đổi tên thành Quảng Ngãi Xây Dựng, xuất bản mỗi tháng 2 số, 4 trang, khổ 21x41cm. Đến tháng 10/1975, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về sáp nhập 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình, báo Quảng Ngãi Xây Dựng nhập với báo Quyết Thắng của tỉnh Bình Định và đổi tên thành báo Nghĩa Bình. Đài Phát thanh Quảng Ngãi nhập với Đài Phát thanh Bình Định lấy tên là Đài Phát thanh Nghĩa Bình.

Tháng 7/1989, 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định tách ra trở về với tên gọi cũ. Báo Quảng Ngãi và Đài Phát thanh, Đài Truyền hình Quảng Ngãi được thành lập trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn từ con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật đến nơi ăn chốn ở, điều kiện làm việc. Báo Quảng Ngãi ra số đầu tiên vào ngày 8/7/1989, 4 trang, khổ 42x58cm, số lượng in 10 nghìn tờ. Những số sau duy trì xuất bản 10 ngày 1 kỳ, số lượng in từ 3.500 - 5.000 tờ mỗi kỳ. Đài Phát thanh, Đài Truyền hình Quảng Ngãi sau một thời gian ngắn hoạt động, đến tháng 7/1990 nhập thành Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi.

Sau nhiều năm tập trung đầu tư, diện mạo báo chí Quảng Ngãi đã có thay đổi vượt bậc. Đội ngũ làm báo trong tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu nghề, ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều phóng viên, nhà báo tham gia Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa Liềm Vàng, Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giải báo chí tỉnh, giải do các ban, bộ, ngành trung ương tổ chức, liên hoan phát thanh, truyền hình và nhiều lần đạt giải cao.
Không chỉ phục vụ đắc lực, kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương, báo chí Quảng Ngãi qua các thời kỳ còn có những đóng góp quan trọng trong việc đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, truyền bá kiến thức, góp phần nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Báo chí cách mạng Quảng Ngãi góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch, các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Quảng Ngãi đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Có thể khẳng định, báo chí cách mạng Quảng Ngãi qua các thời kỳ là “con đẻ” của phong trào cách mạng do Đảng bộ lãnh đạo, là một bộ phận không thể tách rời của báo chí cách mạng Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng vào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ tổ quốc ngày nay./.

 

 

   

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

 


Ý kiến bạn đọc


.