(Baoquangngai.vn)- Sáng 30/5, Thành ủy Quảng Ngãi tổ chức lễ trao Quyết định công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 cho đồng chí Trần Quang Ngọc, đảng viên làng Tư Cung Nam, nay là xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).
Dự và trao Quyết định có Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Ngô Văn Trọng; ông Trần Mai con trai của đồng chí Trần Quang Ngọc, ông Trần Cao Minh – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (cháu ruột của đồng chí Trần Quang Ngọc).
Đồng chí Trần Quang Ngọc (sinh năm 1893), quê quán xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh), nay là xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Quá trình tham gia hoạt động cách mạng: Năm 1913, tham gia Phân bộ Hội Việt Nam Quang phục miền Nam Trung Bộ. Năm 1925, đồng chí Trần Quang Ngọc lãnh đạo cuộc binh biến ở Đà Lạt, nhưng bất thành, bị bắt và kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo, đến năm 1929, đồng chí về quê, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Quang cảnh buổi lễ |
Ngày 1/1/1929, đồng chí Trần Quang Ngọc được kết nạp vào chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng làng Tư Cung Nam thuộc xã Tịnh Khê. Tháng 8/1929, là thành viên chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên làng Tư Cung Nam được chuyển thành thành viên của chi bộ “Dự bị Cộng sản”. Ngày 15/4/1930 là Đảng viên chi bộ cộng sản Tư Cung Nam, phụ trách Đội Tự vệ đỏ.
Là một trong những người chỉ huy cuộc biểu tình của nhân dân các làng Tư Cung Nam, Mỹ Khê Tây, Mỹ Khê Đông, Cổ Lũy thuộc xã Tịnh Khê kéo đến quận lỵ Sơn Tịnh, đồng chí là người trực tiếp nói chuyện với viên chỉ huy người Pháp chuyển yêu sách của nhân dân đến với nhà cầm quyền. Sau cuộc biểu tình này, đồng chí Trần Quang Ngọc cùng các đồng chí lãnh đạo khác gồm: Võ Ban, Mai Thị Thục, Cao Cái, Cao Kế… bị địch bắt, đồng chí Trần Quang Ngọc bị kết án 7 năm tù giam, đưa đi đày ở nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị).
Sau khi ra tù, từ năm 1936, đồng chí Trần Quang Ngọc tham gia hoạt động cách mạng ở xã Tịnh Khê, tham gia phong trào Bình dân vận động Đông Dương đại hội. Đến tháng 11/1945, do yêu cầu của tổ chức, đồng chí Trần Quang Ngọc được phân công giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và hoạt động tại địa phương này đến năm 1952.
Do sức khỏe suy giảm, đồng chí Trần Quang Ngọc trở về quê hương Tịnh Khê vào đầu năm 1952, do bệnh nặng, đồng chí từ trần vào ngày 13/8/1952.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Ngô Văn Trọng bày tỏ lòng tri ân đối với những đóng góp của đồng chí Trần Quang Ngọc cho sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, gửi lời chúc mừng tới thân nhân đồng chí được nhận quyết định. Bí thư Thành ủy mong muốn con cháu đồng chí cần phát huy truyền thống gia đình, truyền thống quê hương Tịnh Khê anh hùng góp thêm những thành tích để viết tiếp trang sử vàng của lịch sử Đảng bộ xã Tịnh Khê.
Tin, ảnh: VĂN ĐẠO