(Baoquangngai.vn)- Ngày Bác Hồ còn phải ở tù bên Trung Quốc, một sớm tỉnh dậy Bác thấy người bạn tù nằm bên cạnh mình đã chết từ bao giờ.
[links()]
Bài thơ “Một người tù cờ bạc chết thảm” Bác Hồ viết khi chứng kiến cái chết đau lòng ấy đã khiến người đọc thơ nhiều thế hệ xót xa. Dẫu biết đó là “người tù cờ bạc”, nhưng đó cũng là một con người, lâm hoàn cảnh đau khổ tù tội, và chết thảm, làm sao tác giả “Ngục trung nhật ký” chẳng đau lòng. Tình yêu thương con người ở Bác Hồ là tình yêu thương mênh mông không phân biệt. Nó phát xuất từ trái tim, từ tâm hồn, không phải từ lý trí hay lý thuyết. Đó là tình người, như bây giờ chúng ta hay gọi.
MỘT NGƯỜI TÙ CỜ BẠC CHẾT THẢM
Thân anh da bọc lấy xương,
Khổ đau, đói rét hết phương sống rồi;
Đêm qua còn ngủ bên tôi,
Sáng nay anh đã về nơi suối vàng!
Nam Trân
dịch
Khi báo “Nhân đạo” đặt tôi viết một bài về Bác Hồ và tinh thần nhân đạo, tôi muốn dùng một từ khác hơn khi viết về Bác Hồ, đó là từ “Yêu thương”. Khi Bác Hồ qua đời, trong nỗi đau vô hạn, nhà thơ Việt Phương vẫn viết một bài thơ khóc Bác với đầu để thật thuyết phục: “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương”:
“Trời đổ mưa, đi viếng Bác, đồng bào chờ, bị ướt
Bác thương đồng bào, con biết Bác không vui”
Thương như thế là đã tới tận cùng tình yêu thương rồi: thương đồng bào còn sống đi viếng Bác, trong khi Bác đã mất. Người chết thương người sống được sao? Bây giờ, chúng ta đều có thể trả lời câu hỏi này: được, chứ sao không?
Nếu nhìn người bạn tù cơ cực đã chết, Bác viết câu thơ “Thân anh da bọc lấy xương/Khổ đau, đói rét hết phương sống rồi/”, thì vào đầu năm 1946, khi nước nhà mới giành được Độc lập, Bác Hồ đã trả lời các nhà báo phương Tây phỏng vấn Bác: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Khi nói câu không thể giản dị hơn ấy, Bác Hồ vừa mới trở thành Chủ tịch chính thức của Việt Nam sau một cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước. Bây giờ, nghe lại câu nói ấy của Bác, có người sẽ hào hứng hô lên: “Chúng cháu đã thực hiện được “ham muốn tột bậc” của Bác rồi đấy ạ !”
Chưa chắc đâu! Trong cuộc “đại hành hương đau khổ” tìm về quê nhà để tránh dịch covid-19 và tránh... đói vào cuối năm 2021, hơn 2 triệu đồng bào ta chỉ với xe máy cũ kỹ, nhiều khi không có cả tiền độ nhật, đã liều mạng vượt hàng nghìn cây số quốc lộ để “đánh đường về quê”. Trợ giúp cho đồng bào thương yêu của mình đang gặp nạn, hàng nghìn “chốt” lưu động đã được tự động dựng lên. Nhân dân hai bên những con đường đồng bào tản cư tránh dịch tránh đói quyết trợ giúp bằng được bà con mình đang khốn khổ, cung ứng từng bữa ăn, từng món tiền ít ỏi cho đồng bào mình.
Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc. Ảnh: tuyengiao.vn |
Với Bác Hồ, tình yêu thương với nhân dân bao giờ cũng cụ thể, rõ ràng, giản dị như vậy. Nhưng Bác đã tiên đoán biết, đó là những “ước ao tột bậc” mà thực hiện được hoàn hảo hoàn toàn không dễ, nhất là với Việt Nam ta. Đơn giản, vì trong mấy chục năm, dân tộc ta đã phải trường kỳ kháng chiến vì một ước ao tột bậc của Bác Hồ là “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do!” Không có Độc lập, thì đất nước làm sao Phú cường, không có Tự do, thì nhân dân làm sao Hạnh phúc?
Bây giờ, chúng ta học tập Đạo đức Hồ Chí Minh, chính là học Bác ở những ước ao giản dị ấy cho đất nước mình, cho đồng bào mình. Ngày nào vẫn còn những em nhỏ chưa được đến trường, những em nhỏ phải bỏ học giữa chừng vì gia đình quá nghèo đói hay bất hạnh, thì làm sao chúng ta dám báo cáo với Bác Hồ là đã thực hiện được điều ao ước thiêng liêng của Bác về nền giáo dục mở, giáo dục bình đẳng cho toàn dân?
Tình yêu thương của Bác Hồ giành cho một người đau khổ, một người yếu thế, một người cần được giúp đỡ cũng là tình yêu thương giành cho cả một dân tộc đã phải nghiến răng vượt qua bom đạn đói nghèo để đấu tranh và xây dựng cho đất nước này, từng bước vật vã để phát triển, để vươn tới một đời sống đúng hơn với con người, gồm cả vật chất và tinh thần, tâm hồn và thể xác.
Chính vì hiểu sâu sắc tâm nguyện của Bác Hồ, mà khi Bác mất vào lúc nước nhà chưa hòa bình thống nhất, người Việt đã đau đớn đúng như những câu thơ đầy giằng xé của nhà thơ Việt Phương khóc Bác:
“Đêm nay nghìn vạn chúng con xếp thành hàng đi viếng Bác
Ôi làm sao nguôi được nhớ thương này
Chúng con đi cho cả người vắng mặt
Người chưa sinh người đã khuất cũng về đây
Việt Nam đau cả lòng người dạ đất
Sao mùa thu như nước mắt trời mây
Chúng con đi theo tiếng người phía trước
Đường Hùng Vương dân tộc đi từ dựng nước đến ngày nay”
Bác Hồ đã yêu thương nhân dân mình đến thế nào, thì nhân dân mới yêu kính Bác suốt những dặm dài gian khó nhằm vươn tới một cuộc sống an lành, tốt đẹp hơn.
Thanh Thảo