(Báo Quảng Ngãi)- Chợ quê ngày Tết mang một hương vị rất riêng của vùng nông thôn. Trong mưa xuân lất phất, chợ quê ngày Tết còn là dịp mọi người gặp gỡ, thăm hỏi nhau sau một năm bôn ba làm ăn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những ngày cuối năm, giá rau nhỉnh hơn một chút, thịt heo cũng kịp tăng giá. Thỉnh thoảng, vài người chậc lưỡi than đắt, nhận lại là tiếng cười vui của cô bán hàng: “Tết mà!”. Chợ quê ngày Tết thường bày biện từ rất sớm. Vì thế, những sản vật đồng quê còn rất tươi ngon. Chợ cũng không thiếu gì cả, từ mớ rau cải, rau thơm, lá ngò, xà lách, cho đến bánh kẹo, nhang đèn, mớ giấy cúng, trái cây, trầu cau để người mua trưng bàn thờ dịp cuối năm. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, chợ quê ngày Tết là những mảng màu lấp lánh của sắc vàng hoa cúc, xanh ngát rau quê, hoa lay ơn đỏ thắm...
Gian hàng chợ quê ngày Tết còn thú vị ở những hàng quà quê. Mẻ bánh xèo đúc trên bếp than hồng, mỏng thôi cũng không có thịt thà, tôm trứng gì nhưng ăn giòn tan. Hay dĩa bánh gói, bánh nậm, bát cháo lòng ấm bụng trong tiết trời lành lạnh ngày cuối năm. Đi chợ quê ngày Tết không chỉ là dịp để mọi người sắm sửa, gặp gỡ, thăm hỏi nhau. Đó còn là dịp để nhiều người tìm về món quà quê gắn bó với kỷ niệm tuổi thơ.
Chợ quê ngày Tết còn thể hiện phần nào một năm làm ăn ở làng quê. Năm nào chợ đông vui, tấp nập là năm ấy được mùa. Người ở làng đi chợ. Người đi làm ăn xa trở về, cũng vội đi chợ quê để mua đồ sắm sửa tỏ lòng thành kính. Có bà cụ quê tranh thủ mang nhánh chuối cau ra chợ bán. Hay có chị mang vài con gà trống nuôi để dành bán kiếm tiền sắm Tết. Tiếng nói, tiếng cười vang lên í ới. Thỉnh thoảng, vài người tay bắt mặt mừng khi nhận ra nhau giữa dòng người hối hả.
Đi chợ quê ngày Tết có lẽ là thú vui đáng nhớ trong ký ức của những người đã từng sinh ra từ làng. Bởi đó là dịp được chen chân theo người lớn hòa vào dòng người đông đúc đi chợ. Vui nhất là bọn trẻ con được níu theo tay mẹ thích thú ngắm nhìn món ngon lạ. Chợ quê ngày Tết đông đúc tấp nập đến tận ngày 30, rồi vắng tanh cho đến hết mùng như hẹn một mùa Tết năm sau.