(QNg)- Thư pháp, một bộ môn nghệ thuật mới nghe người ta thường mường tượng đến những ông đồ già như trong bài thơ "Ông đồ" của thi sĩ Vũ Đình Liên: "Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua…". Thế nhưng, những ngày Xuân Quý Tỵ ở các ngả đường chính của TP. Quảng Ngãi chúng ta lại bắt gặp những ông đồ trẻ ngồi viết thư pháp với những câu chữ, đường nét điêu luyện.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ở đó, những ông đồ trẻ không chỉ viết thư pháp để kiếm tiền, để trình diễn tài năng của mình mà còn một ước vọng cao cả. Đó là, mang nét đẹp truyền thống trong nghệ thuật đến với bạn bè, công chúng trên thế giới…
Người trẻ mê "nghệ thuật già"
Đường Phạm Văn Đồng, những ngày cuối năm Nhâm Thìn tấp nập người mua, kẻ bán, người đi xem hoa, đi dạo phố. Xen lẫn trong dòng người ấy có bóng dáng của những ông đồ trẻ trong trang phục áo dài, khăn đóng bày mực tàu, giấy đỏ, bút lông viết thư pháp cho người đi đường.
Mỗi bức thư pháp đều có một ý nghĩa riêng và ẩn chứa trong đó là niềm đam mê. |
Nằm lọt thỏm phía sau những hàng hoa rực rỡ sắc màu tô thắm cho mùa xuân mới là "gian hàng" thư pháp của nhóm bốn bạn trẻ tuổi mười tám, đôi mươi đang hí hoáy bút, mực "vẽ hoành vẽ tướng" lên những trang giấy tinh thơm. Đó là bốn ông đồ trẻ thuộc nhóm Thư pháp Thiên Bút đến từ xã Bình Phú (Bình Sơn), gồm Huỳnh Hữu Quyền (ĐH Giao thông vận tải TP HCM); Trần Hữu Đức (ĐH Phạm Văn Đồng); Trần Tấn Việt (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) và Trần Tấn Thảo (ĐH KHXH&NV TP HCM).
Vừa viết xong bức thư pháp về chữ Tín cho một người dân, "ông đồ" Huỳnh Hữu Quyền cho biết, nhóm ra đời từ một ý tưởng chung là muốn mang nghệ thuật, cái đẹp cống hiến cho xã hội. "Chúng em đều sinh ra ở vùng nông thôn. Từ nhỏ theo các thầy đồ ở làng xem viết thư pháp dần thì "nghiện" và mày mò học. Tuy mỗi người học một nơi và trái ngành, nhưng dịp cuối năm chúng em cũng đều liên lạc với nhau về quê sớm để đi… "cho chữ" - Quyền tâm sự.
Nằm kế bên là gian hàng thư pháp của chàng bác sĩ đến từ Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng là Ngô Đức Thọ. Gốc là người Quảng Nam, theo vợ về Quảng Ngãi lập nghiệp, và rồi duyên nợ với cây bút lông, hũ mực tàu và những đường nét uyển chuyển đã níu kéo chàng bác sĩ trẻ “đứng đường” mỗi khi Tết đến Xuân về.
Là một tay chơi chữ nghiệp dư, nhưng hơn 5 mùa Tết vừa qua cũng có người chơi chữ, tranh thư pháp đều ghé cửa hàng của Thọ để xin chữ. Với anh, niềm đam mê thư pháp cũng là một sự tình cờ. "Tuổi thơ mình có dịp theo cha mẹ đi xin chữ và từ đó mình thích những đường nét đến "xấu hoắc" ấy và mày mò tập tành viết. Cái tính thích trầm, bổng theo câu chữ, như tâm hồn con người lúc buồn, lúc vui trong cuộc sống vậy. Người ta bảo thư pháp cần nhiều lắm những cái gốc gác cha ông để lại, nhưng mình thì khác, từ ngày chiêm nghiệm những bức thư pháp do mấy ông đồ nho viết mình cảm thấy có cái gì đó cuốn hút lắm và từ đó lén cha mẹ đi học viết thư pháp" - anh Thọ chia sẻ.
Nét văn hoá đẹp cần phát huy
Theo anh Thọ muốn viết được một bức thư pháp đẹp thì người viết cần có một chút đam mê, kỹ năng, tính nghệ thuật và "nén" vào đó cảm xúc thật của mình. "Đây là một nét đặc trưng của văn hóa Việt. Mình sẽ cố gắng học hỏi để đôi tay, nét bút ngày càng thành thục hơn. Ước mơ của mình là làm sao "xuất khẩu" được thư pháp ra nước ngoài để thế giới biết đến nước Việt ta không chỉ có 1.000 năm đánh giặc Tàu và 100 năm chống lại hai đế quốc sừng sỏ mà còn biết đến nét văn hóa truyền thống ngàn đời nay của dân tộc mình" - ông đồ trẻ Ngô Đức Thọ tâm sự.
Với những ông đồ trẻ đam mê mới chỉ là một phần nhỏ, cái quan trọng hơn với họ là muốn gìn giữ những giá trị của nghệ thuật xưa mà cha ông đã mày mò tạo ra và "pha chế" vào đó một chút của thời hiện đại để tạo ra sự hài hòa và có tính kế tục. "Nếu nói viết thư pháp bán làm giàu thì chắc không một ai dám đi làm nghề này đâu. Tranh, chữ nó chỉ phù hợp với những ai có "con mắt", có tình yêu với nghệ thuật mà thôi. Dù có làm nghề gì, có ở đâu thì tôi vẫn tìm tòi học hỏi và sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho các thế hệ sau có niềm đam mê với thư pháp" - Trần Tấn Việt chia sẻ.
Còn Trần Hữu Đức thì bảo, muốn viết thật nhiều thư pháp, vẽ thật nhiều tranh ảnh về quê hương đất nước con người Việt Nam để bán, tặng cho bạn bè trên khắp năm châu, để họ mang về nước họ vừa là một món quà vừa tạo cho họ nhớ đến Việt Nam mỗi khi nhìn món quà ấy.
Nhìn những ông đồ trẻ mê mẩn với từng đường bút câu chữ bay bổng đầy cảm xúc khiến nhiều người khâm phục. "Họ là những người trẻ, năng động, thế nhưng có niềm đam mê với thư pháp, với nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt là một điều rất đáng tự hào. Họ không quên gốc tích dân tộc, giữ gìn những nét đẹp truyền thống xưa như một cách bảo tồn nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình vậy" - anh Lê Tuấn Minh, ngụ phường Lê Hồng Phong (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ.
Lê Đức