(Baoquangngai.vn)- Dù có giá cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với ngày thường, tuy nhiên, những ‘đặc sản’ rừng như cá niên, thịt heo rừng và các loại rau rừng… vẫn rất ‘hút’ hàng, vì có rất nhiều người tìm mua để thưởng thức trong dịp Tết này.
TIN LIÊN QUAN
Cá niên giá ‘trên trời’ vẫn nhiều người mua
Thời điểm cận Tết Nguyên đán cũng là lúc cá niên- một loại các sản ở vùng cao xứ Quảng trở nên hút khách. Hiện tại, giá cá niên giao động từ 450 nghìn đồng- 500 nghìn đồng/kg, so với ngày thường tăng gần gấp đôi. Dù giá cá niên khá ‘chát’ thế nhưng, không dễ tìm mua loại cá này trong dịp cuối năm.
Chị Trần Thị Lệ Thủy- chủ một điểm thu mua và bán cá niên ở huyện Trà Bồng cho biết: Nắm bắt nhu cầu tìm mua cá niên của nhiều người trong dịp Tết để thưởng thức và làm quà biếu, nên năm nay, tôi thu mua và gom dự trữ hơn 50kg cá niên để bán nhưng vẫn không đủ để phục vụ cho khách mua. Hiện, vẫn còn nhiều người điện thoại đặt mua, nhưng không có kịp nguồn cá niên để đáp ứng.
Sỡ dĩ, trong nhưng năm gần đây cá niên luôn ‘cháy hàng’ trong dịp Tết là do nhiều người quan niệm ăn cá niên trong dịp năm mới sẽ đem lại điều may mắn nên giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, số lượng người mua, đặt hàng khá đông, phần nhiều với mục đích biếu, tặng...
Cá niên được chế biến đơn giản nhưng rất ngon nên nhiều người tìm mua về thưởng thức trong dịp Tết |
Cá niên chỉ ăn rêu, rong tảo bám quanh gờ đá nên thịt cá rất thơm ngọt, tinh khiết, nhiều khoáng chất dinh dưỡng và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau như: Nướng, nấu rau răm… Cá càng nhỏ, ăn càng tuyệt. Song không phải lúc nào muốn thưởng thức cá đều có ngay bởi do khai thác quá mức, cá niên trên sông suối ngày càng hiếm dần, muốn mua phải đặt trước.
Chị Nguyễn Thị Hương, ở phường Nguyễn Nghiêm (TP. Quảng Ngãi)- là một khách hàng mua cá niên chia sẻ: Nhiều lần lên các huyện miền núi trong tỉnh công tác và thưởng thức món cá niên, tôi cảm thấy rất thích hương vị đặc biệt của nó, nên Tết năm nay tôi đặt mua về cho cả nhà thưởng thức.
‘Dù giá cá niên trong dịp này khá cao nhưng cũng phải cố mua bằng được dăm con cá niên để ăn trong dịp đầu năm mới. Những ngày Tết tụ họp gia đình, bạn bè, mâm cơm có thêm món đặc sản cá niên chắc chắn sẽ càng thêm vui vẻ và thú vị’- chị Hương cho biết thêm.
Thịt heo rừng- thật giả lẫn lộn
Không ít người quan niệm, đầu năm ăn thịt heo rừng sẽ đem lại nhiều may mắn, thuận lợi trong năm mới, bởi lông heo rừng có ‘ba chấu’ một lỗ và tượng trưng cho Phúc -Lộc-Thọ... Dù chưa ai kiểm định tính ‘hiệu nghiệm’ của quan niệm này tới đâu, song cứ dịp Tết, thịt heo rừng nhiều người săn lùng, tìm mua.
Nắm bắt nhu cầu này, thời điểm cận Tết, nhiều điểm bán thịt heo rừng được bày bán ở nhiều nơi, nhất là ở khu vực trung các huyện miền núi; thậm chí, nhiều người rao bán trên mạng với giá dao động từ 400 nghìn đồng- 450 nghìn đồng/kg.
Tại các điểm bán thịt heo rừng, thường người bán bày nguyên con được xẻ bán theo kiểu ‘tùng xẻo” để người mua được tận mắt thấy và yên tâm về chất lượng. Theo quan sát của chúng tôi, hầu như điểm nào cũng thu hút rất đông người đến mua. Người bán tay xẻ thịt, miệng luôn giải thích thắc mắc của khách hàng và khẳng định: Đây là bán thịt heo rừng thật, mới săn bắn trong rừng về.
Nhiều điểm bày bán thịt heo rừng công khai trên đường trong những ngày giáp Tết |
Tuy nhiên, chuyện thật hay giả thì nhiều người mua khó có thể biết được chính xác. Bởi, chất lượng heo rừng thật giả thế nào đến lúc mua về ăn mới biết. Chính vì vậy, với những người không rành lắm về thịt heo rừng, rất có thể họ sẽ mất tiền vì mua heo rừng giả. Nếu may mắn, người tiêu dùng có thể ăn được thịt heo rừng lai ở các trang trại phối giống giữa heo rừng và heo nhà. Tuy nhiên, số đông sẽ khó tránh khỏi việc phải nghiến răng ‘thưởng thức’ thịt heo nái giả heo rừng.
Theo nhiều người có kinh nghiệm chia sẻ, phần da của các miếng thịt heo rừng và thịt heo nái già đều gần giống nhau, nên không ít người bán lợi dụng dịp Tết, nhu cầu và giá cả thịt heo rừng tăng cao nên mua những con heo nái già về xẻ thịt rồi dùng máy bắn lông giả bằng sợi cước vào da heo để đánh lừa được người mua. Ngay cả các cơ quan chức năng cũng khó phân biệt. Chính vì vậy, người mua thịt heo rừng cần phải quan sát kỹ để tránh phải mua nhầm ‘hàng giả’ với số tiền cao.
Cùng với cá niên, heo rừng, những năm gần đây, khi đời sống, thu nhập khá hơn, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua các mặt hàng đặc sản sử dụng trong dịp lễ, Tết. Và việc ‘săn’ các loại đặc sản rừng như thịt rừng, rau rừng trở thành ‘mốt’ của nhiều người vào mỗi dịp Tết. Qua đó, góp phần mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân miền núi nhờ hành nghề ‘săn’ các loại đặc sản của núi rừng bán cho người tiêu dùng.
H.P