Vất vả kiếm thêm dịp Tết nơi bến cá

02:01, 24/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Họ vốn là những người phụ nữ ở xứ thuần nông, quanh năm gắn với ruộng đồng. Nhưng để có thêm thu nhập trang trải dịp Tết, họ đã rủ rau tìm về các cảng biển để làm thuê.
6 giờ sáng, cảng cá Sa Kỳ sau một đêm trầm lặng, bỗng ồn ào, náo nhiệt khi có 4 chiếc tàu đồng thời cập bến. Đây cũng là lúc các chị em phụ nữ làm hậu cần ùa về các tàu để hỗ trợ việc đưa cá từ tàu lên bờ.
 
Chị Nguyễn Thị Xí ngụ ở thôn Châu Thuận Nông, xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng hòa vào dòng người ấy để phụ bốc dỡ cá. Chuẩn bị sẵn cho mình đôi ủng dài, găng tay cao su và cả bộ quần áo mưa rộng tuềnh toàng, chị Xí chia sẻ đây là những vật dụng quen thuộc của chị em phụ nữ làm công tại bến cá.

 

Chị Xí bê từng chồng rổ nhựa đến nơi tập kết cá để cân và chuyển lên xe lạnh
Chị Xí bê từng chồng rổ nhựa đến nơi tập kết cá để cân và chuyển lên xe lạnh
 
“Phải mặc như vậy thì tiếp xúc với cá mới đỡ tanh, và tay chân không bị buốt lạnh. Vì cá được dỡ từ thùng lạnh của tàu ra, sau khi cân, kiểm thì chúng tôi liền ướp đá cho lên xe lạnh chở đi liền”- chị Xí chia sẻ công việc của mình nghe qua tưởng chừng thật đơn giản, nhưng thực ra vô cùng nặng nhọc đối với sức của một người phụ nữ.
 
Bởi, từ những tàu đi cá nhỏ như cá chuồn, cá phèn, cá đỏ củ hay tàu về từ Hoàng Sa với những con cá nặng vài ký, đều phải nhờ chị em phụ nữ làm dịch vụ hậu cần, chuyển cá lên bờ bằng những rổ nhựa chứa 40-50kg mỗi lần. Mỗi tàu về bến thông thường có 8-10 tấn cá với khoảng 30 chị em tham gia bốc dỡ, cân đếm và ướp đá, chuyển lên xe. Theo giá chung thì chủ tàu sẽ trả 250 nghìn đồng/1 tấn cá được vận chuyển lên bờ.
 
“Cứ tính vậy, bọn tui bốc dỡ hết thì chủ tàu sẽ trả công và 30 người tự chia nhau tiền công. Mỗi tàu về thì mình cũng kiếm được 40-50 nghìn đồng”- chị Xí tiết lộ. Công việc vất vả và tiền công cũng không mấy cao, nhưng đối với những người phụ nữ quanh năm chỉ gắn với nghề nông như chị Xí, thu nhập từ nghề này có thể trang trải được nhiều thứ.

 

Với vật dụng quen thuộc là găng tay cao su và quần áo mưa cùng đôi ủng dài, nhiều chị em đã trải qua nhiều năm kiếm tiền từ nghề này
Với vật dụng quen thuộc là găng tay cao su và quần áo mưa cùng đôi ủng dài, nhiều chị em đã trải qua nhiều năm kiếm tiền từ nghề này
 
Cũng tham gia vào đội làm dịch vụ hậu cần bốc dỡ cá nơi cảng biển từ nhiều năm nay, chị Lê Thị Hòa ngụ ở thôn Minh Quang, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) mặc dù ở xứ thuần nông nhưng cũng đã quen thuộc với vị tanh nồng của biển. Vừa tham gia bốc dỡ tàu cá chuồn cùng hơn 20 người khác và nhận tiền công, chị Hòa lại vội vã tìm đến những tàu khác vừa cập bến để xin tiếp tục làm công.
 
Những ngày cận Tết, cảng cá luôn tấp nập những tàu thuyền cập bến với đầy ắp hải sản. Do đó, chị luôn túc trực cả ngày lẫn đêm tại cảng với mong muốn có thể kiếm thêm vài đồng mua sắm quần áo mới cho 3 đứa con thơ đang tuổi lớn của mình.
 
“Cái nghề này thì nhọc lắm, phải thức khuya, dậy sớm vô chừng vì mình phụ thuộc vào giờ tàu về bến. Nhưng được cái dịp cuối năm thì tàu về nhiều, nên mình có cơ hội kiếm được nhiều tiền. Mỗi ngày tôi cũng được trả khoảng 150-200 nghìn đồng tiền công. Vậy là quá được so với trồng lúa, nuôi bò rồi!”- chị Hòa thật thà chia sẻ.

 

Công việc bốc dỡ, cân đếm cá mỗi khi tàu cập bến đều do chị em phụ nữ thực hiện
Công việc bốc dỡ, cân đếm cá mỗi khi tàu cập bến đều do chị em phụ nữ thực hiện
 
Hiện có khoảng hơn 100 chị em phụ nữ đang tham gia làm thời vụ tại cảng Sa Kỳ để phục vụ cho các tàu cá về bến dịp Tết. Là hậu cần nơi bến cá khác hẳn với những nghề lao động thời vụ dịp Tết khác. Với nghề làm bánh, mứt, lao động thời vụ sẽ được trả công theo ngày. Còn chị em phụ nữ hỗ trợ bốc dỡ cá tại bến được tính công theo khối lượng cá được chuyển về bờ. Do đó, không khí lao động tại cảng cá lúc nào cũng nhộn nhịp và có phần chóng vánh. 
 
Không ai bảo ai, nhưng các chị, các mẹ luôn cố gắng nhanh tay hoàn thành việc bốc dỡ ở tàu cá này để có thêm thời gian qua những tàu khác tiếp tục kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, những ngày cuối năm, tàu cá nối đuôi nhau cập bến để nghỉ Tết. Đây là cơ hội để những lao động nông thôn tăng cường làm việc thời vụ ở bến cá để lo cho gia đình mình có một cái Tết đầy đủ hơn.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.