(Baoquangngai.vn)- Lo ngại về tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, nhiều người đã có xu hướng tự “hùn” tiền làm bánh mứt hay về các vùng quê để “săn” thực phẩm sạch… dùng trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
TIN LIÊN QUAN
Lò mứt tại nhà
Trước thực trạng nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo, mứt Tết bị “vạch trần” do sử dụng những nguyên liệu gây hại sức khỏe, nhiều bà nội trợ đã chọn cách tự làm bánh, mứt cho gia đình thưởng thức.
Mỗi dịp Tết, bà Nguyễn Thị Thận, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) luôn tất bật để làm cho gia đình chục ký mứt, trước là để cúng ông bà, còn dư ít nhiều biếu bà con nội, ngoại lấy thảo.
Tiếng lành đồn xa, thương hiệu mứt gừng của bà mỗi ngày được các “thực khách” là chòm xóm xung quanh ưa thích. Trước sự năn nỉ của nhiều người, năm nay, bà Thận đã nhận làm hơn 50kg gừng tươi. Hàng xóm người nhiều 5kg, ít thì 2- 3kg.
Bà Thận sên gừng để chế biến mứt gừng thành phẩm giúp bà con hàng xóm trong dịp Tết này. |
Thế là trước Tết khoảng một tuần, cả khu xóm rôm rả hẳn lên. Ai có thời gian rảnh thì sắp xếp công việc, tụ họp tại nhà bà để cùng theo dõi, học cách chế biến, rồi năm sau tự làm cho gia đình.
Bà Thận cho hay, bây giờ ra chợ trung bình cũng 120 nghìn đồng/kg mứt gừng thành phẩm, còn làm tại nhà cũng dừng lại 70 nghìn đồng/kg, lợi hơn nhiều.
Mứt gừng tự làm ngon hơn vì được sên theo ý, với những bí quyết riêng của gia đình. Hơn thế nữa, từ việc chọn gừng cho đến chế biến, công tác bảo quản đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Đó là điều dĩ nhiên rồi! Mình gửi gừng cho bà Thận rồi cùng làm thì mình ăn thấy ngon, tự tin hơn. Bánh kẹo mua ở ngoài chợ bây giờ, tôi lo ngại họ sử dụng chất tẩy, đường hóa học, chất phụ gia không an toàn”, chị Nguyễn Thị Thùy Sang- hàng xóm bà Thận chia sẻ.
Hầu hết các sản phẩm tự làm tuy hình thức không bắt mắt nhưng lại chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Cùng với bánh, mứt truyền thống thì phong trào tự làm các loại thịt khô tại nhà cũng được nhiều người hưởng ứng. Không chỉ các bà nội trợ mà các sản phẩm “hanmade” sạch này được nhiều chị em công chức, nhân viên văn phòng tập tành làm theo.
“Các sản phẩm “cây nhà lá vườn” vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn, lại thể hiện sự khéo léo, đảm đang của chị em phụ nữ; mang đến niềm vui, hạnh phúc từ những món ăn ngọt ngào cho người thân yêu của mình trong dịp Tết cổ truyền”, chị Nguyễn Thị Thanh, 35 tuổi, một nhân viên văn phòng bộc bạch.
Tự trồng rau để ăn
Ngoài việc tự làm bánh mứt, các loại thịt khô, nhiều gia đình còn chuẩn bị cả nguồn rau sạch để phục vụ cho bữa ăn ngày Tết.
Lo ngại về nhiều loại rau củ, quả tươi không đảm bảo vệ sinh và liên tục tăng giá “chóng mặt”, người dân ở thành phố đã tận dụng các ban công, sân thượng, còn người dân ở các vùng nông thì chăm bẵm khoảng đất trống trong vườn để trồng rau, tự phục vụ gia đình, dư thì bán cho hàng xóm.
Theo chân một người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng rau sạch ngày Tết, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Hữu Cảnh, 64 tuổi, thôn Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa).
Vườn rau sạch được bà Nguyễn Thị Vấn, xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) trồng dọc các vườn mía để phục vụ trong dịp Tết. |
Trong khoảng không gian chừng 50m2, ông Cảnh trồng đủ các loại rau xà lách, cải thìa và dưa leo. Từng có thời gian làm ở các vườn rau trên Đà Lạt nên ông có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm bón, vườn rau vì thế mà xanh mượt.
Ông Cảnh cho hay: “Trước tình trạng rau xanh kém vệ sinh, có hàm lượng hóa chất cao xuất hiện ngày càng nhiều nên vợ chồng tôi đã tận dụng khoảng đất trống trong vườn để trồng một số loại rau, quả. Vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe, lại có thể tạo ra nhiều món ngon cho các con ăn trong ngày Tết”.
Rau sạch hiện nay rất được ưa chuộng trên thị trường. Rau chủ yếu được trồng tại vườn nhà, sử dụng phân chuồng và không có bất kì loại thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật nào. Do vậy, về hình thức, rau sạch không bắt mắt bằng các loại khác, có thể bị sâu, lá nhỏ nhưng luôn được người tiêu dùng tìm mua.
Gia đình bà Nguyễn Thị Vấn, 60 tuổi, thôn Xuân Phổ Đông, xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa), trồng chủ yếu là xà lách, cải, tần ô, rau muống. Bà cho hay: “Tui trồng gần một sào rau, làm được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Mấy ngày này, rau được tiêu thụ rất nhanh, không kể rau bị sâu lá. Người dưới phố lên “săn” liên tục, hai mẹ con bán không kịp tay”.
Những ngày cuối năm, dạo quanh Thành phố ở các khu dân cư, chúng ta cũng không khó để bắt gặp những chậu rau xanh nằm trước ban công, bên hàng rào, thậm chí nằm ngay sát mép đường. Mọi khoảng trống đều được người dân tận dụng để tự “sản xuất” rau sạch.
Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề thực phẩm sạch, an toàn lại là mối quan tâm hàng đầu đối với mỗi gia đình như hiện nay, nhất là dịp Tết cổ truyền.
Thực phẩm sạch, đặc sản sạch không thiếu nhưng không phải ai cũng biết cách mua, biết cách phân biệt. Chính điều này đã dấy lên phong trào nhà nhà, người người “săn” thực phẩm sạch cho một cái Tết an toàn.
Bài, ảnh: Thiên Hậu- Lê Phúc