Ngư dân rộn ràng đón Tết

08:01, 26/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, nhiều làng biển trở nên nhộn nhịp hơn khi ngư dân cho tàu trở về bến nghỉ "xả hơi" ăn Tết.

TIN LIÊN QUAN

Lý Sơn rộn ràng đón Tết

Những ngày cận Tết Đinh Dậu, mưa gió bủa vây quanh đảo, nhưng vẫn không ngăn được không khí nô nức đón xuân về trên quê hương Hải đội hùng binh Hoàng Sa.

Những chiếc tàu cá nhộn nhịp tiến về cảng Lý Sơn. Mẻ cá cuối năm dường như đã bán hết ở các cảng. Trên tàu chỉ còn mấy món cá, mực, tôm đặc sản dành cho ngày Tết. Ngư dân Dương Minh Thanh, thôn Tây, xã An Hải cho biết: "Một năm đánh bắt xa bờ, giờ là thời điểm được sum vầy bên gia đình đón Tết. Phiên biển cuối năm được khoảng chục tấn đã bán gần như hết sạch, tôi chỉ mang về ít cá, mực ngon biếu bà con và để dùng ba ngày Tết".

Vận chuyển quất cảnh ra đảo Lý Sơn phục vụ Tết.                                                                                                                                         Ảnh: T.NHỊ
Vận chuyển quất cảnh ra đảo Lý Sơn phục vụ Tết. Ảnh: T.NHỊ


 Những tàu đánh bắt gần bờ, những ngày cận Tết cũng tích cực ra khơi đánh bắt hải sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày Tết. Năm nay, thời tiết không quá bất thường, nên chiều chiều tàu cá tấp nập ra khơi, sáng sớm vào bờ. Sản lượng đánh bắt tuy thấp, nhưng giá bán khá cao, nên tính ra ngư dân cũng có nguồn thu đáng kể. Ở đảo, hiện tại giá cá nục, ngừ, nháy xanh, kình... giá từ 80.000 - 130.000 đồng/kg. Sau một đêm đi biển, nhiều tàu cá thu được hàng chục triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Với Lý Sơn, bây giờ đang là cao điểm của các cơ sở chế biến chả cá. Món chả cá độc đáo được chế biến từ các loại cá tươi mới từ biển về, cộng với gia vị đặc trưng tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đặt hàng tấp nập. Nhiều cơ sở sản xuất cả ngày lẫn đêm vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khách.

Chị Dung, chủ cơ sở chế biến chả cá ở thôn Tây, xã An Vĩnh cho biết: "Cả chục ngày nay, mỗi ngày cơ sở chế biến khoảng một tấn chả cá nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường". Giá chả cá hiện tại dao động từ 130.000 - 140.000 đồng/kg  do giá nguyên liệu tăng, nhưng vì chất lượng thơm ngon nên vẫn được người tiêu dùng ồ ạt đặt hàng.

Những chuyến tàu hàng cuối năm đầy ắp hàng hóa, đặc biệt là các loại hoa xuân. Từ cuối tuần trước, một lượng hoa lớn đã cập cảng Lý Sơn. Tình hình mua sắm hoa trang hoàng cho ngày Tết ở đảo đã bắt đầu sôi động.

 Hoa xuân năm nay đưa về đảo chủ yếu là hoa cúc trong chậu và quất cảnh. Giá hoa cúc bán tại đảo hiện tại thấp nhất 300.000 đồng/chậu; cao nhất lên đến 800.000 đồng. Tuy nhiên, với người dân đảo, nhất là các chủ tàu cá, họ không ngần ngại bỏ tiền mua vài chậu cúc. Người dân quan niệm, sau một năm làm ăn, cuối năm dù khó khăn cũng phải mua vài chậu hoa để trang hoàng cho nhà cửa và tàu cá, tạo động lực vui tươi, phấn khởi để bước vào năm mới gặp nhiều may mắn.

Với quất cảnh, giá thấp nhất khoảng 700.000 đồng/chậu, cao nhất có thể vài triệu đồng. Sở dĩ giá bán hoa xuân ở đảo cao hơn đất liền là do chi phí vận chuyển cao. Đến thời điểm này có khoảng 6.000 chậu cúc và 400 chậu quất đã chuyển ra đảo phục vụ nhu cầu của người dân.
 

Lý Sơn sẵn sàng đón khách du xuân

Hiện tại, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ở Lý Sơn đang trang hoàng lại cơ sở; chuẩn bị tích trữ thực phẩm để sẵn sàng đón khách thập phương về đảo du xuân. Trong đó, các nhà hàng chủ yếu săn lùng mua dự trữ những mặt hàng cá, mực, tôm biển tươi ngon để phục vụ nhu cầu của khách. Các chủ bè cá bớp, cá mú, tôm hùm trên đảo cũng tập trung thu hoạch, bán cho các nhà hàng. Hiện tại, giá tôm hùm khoảng 1,5 triệu đồng/kg; cá bớp 100.000 đồng/kg; cá mú 250.000 đồng/kg, cá dìa và cá hồng khoảng 160.000 đồng/kg... Đến thời điểm này, nhiều khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ đã có khách đặt phòng, đặt ăn uống với số lượng từ 10 - 40 người bắt đầu từ mùng 2 Tết Đinh Dậu.

Đón Tết ở “làng Hoàng Sa”

Sau một năm mưu sinh trên biển, những ngư dân làng chài Gành Cả (Bình Châu, Bình Sơn) lại tất bật trở về sau phiên biển cuối năm để sum họp cùng gia đình. Từ đầu con dốc đá xuống xóm chài Gành Cả, tiếng nhạc xuân đã rộn rã khắp xóm. Ở làng chài này, trai tráng lớn lên lại ra Hoàng Sa - Trường Sa, khuôn mặt ai nấy rám nắng bộn bề trăm nỗi lo toan, hiếm khi nào thấy họ quần áo tươm tất thư thả ngồi uống trà, cà phê trong những ngày giáp Tết.

Ngư dân Nguyễn Thanh Biên, 38 tuổi, khuôn mặt rám nắng ngồi uống cà phê cùng bạn bè trong xóm bảo anh em cùng xóm, cùng làng nhưng hiếm khi ngồi cà phê cùng nhau, bởi khoảnh khắc gặp được nhau chỉ vào dịp cuối năm, còn lại là ở trên biển.

“Ngày thường người lênh đênh trên biển kẻ lại vào đất liền nên Tết mới có dịp ngồi bên nhau tâm sự, chia sẻ những phiên biển buồn vui của đời ngư phủ và bàn phương án chuẩn bị cho phiên biển mới”, anh Biên tâm sự. Ở xóm biển này, điều thú vị nhất là Tết đến dù làm gì thì cũng phải chia thời gian để đi chúc Tết quanh xóm, nhà này sang nhà kia uống với nhau chén trà, ly bia, kể cho nhau nghe những phiên biển trúng đậm, hoặc chia sẻ những kinh nghiệm vượt sóng dữ giữa trùng khơi.

Ở xóm biển được mệnh danh “làng Hoàng Sa” này, các sản phẩm biển như mực khô, chả cá, lẩu tôm... được bày biện bên cạnh bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết. Người dân mang ra đãi khách các loại hải sản có nhiều ở khu vực biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trong suy nghĩ của họ, những sản vật đánh bắt từ ngư trường truyền thống của cha ông mang một giá trị thiêng liêng.

Đi dọc xóm nhỏ sát mé biển nhà cửa san sát như thành phố này, những ngày cuối năm những chậu hoa cúc, quất kiểng, cành mai được người dân trưng bày đã tô thêm cho xóm biển một sắc xuân thật đẹp.

T.NHỊ - M.HOA
 


.