Lao động nghèo mưu sinh xuyên Tết

09:02, 01/02/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Những ngày Tết, hoà trong dòng người đang hối hả đi chúc Tết, chơi xuân, là hình ảnh những người lao động nghèo tranh thủ mưu sinh. Với họ Tết không phải để nghỉ ngơi, mà họ tìm thấy niềm vui của Tết trên hành trình mưu sinh để kiếm thêm thu nhập...
 
 
Chiều mùng 2 Tết, tiết trời khá đẹp, khách du xuân đổ ra đường rất đông. Lẫn trong dòng người đi chơi Tết là những người lao động nghèo vất vả mưu sinh.
 
Rảo bước trên đường với chùm bóng bay “khổng lồ”. Dáng người nhỏ thó, tưởng chừng những chùm bóng bay này sẽ nhấc bổng chị  Lê Thị Hương  quê ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) lên không trung. Gần ba năm nay, mỗi dịp Tết chị lại mang bóng bay lên TP.Quảng Ngãi  rong ruổi khắp phố thị Quảng Ngãi để bán Tết.
 
"Tết cũng muốn nghỉ lắm nhưng tranh thủ dịp này đi bán kiếm thêm chút tiền nuôi con. Ngày Tết, người ta đi dạo phố nhiều, mình dễ bán hàng hơn. So với ngày thường, giá tăng chút đỉnh. Nếu bán tốt cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày”, chị Hương cho biết.
 
Nhà làm nông, thất nghiệp, chị Hương thử làm đủ nghề mưu sinh, nhưng hợp nhất với cái nghề bán bóng bay này. Chị Hương  bảo: Tết nào chị cũng vui Tết trên đường. Theo chị Hương, mỗi mùa Tết, chị cũng kiếm được 2-3 triệu đồng.
 
Ngày Tết là dịp để nhiều lao động nghèo mưu sinh
Ngày Tết là dịp để nhiều lao động nghèo mưu sinh.
 
Ngày Tết, công viên, các khu vui chơi giải trí luôn là điểm đến khá đông đúc. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho những người buôn bán hàng rong, đồ chơi kiếm thêm thu nhập. 
 
Chạy chiếc xe máy chở đằng sau là chiếc thùng với đồ nghề hành nghề bán bắp rang bơ, anh  Nguyễn Sáu, quê ở xã  Hành Nhân (Nghĩa Hành) đang tìm cách lách vào dòng người đông đúc để mời chào. Anh Sáu cho biết, từ trưa mùng 1 Tết anh đã có mặt rong ruổi trên đường để bán bắp rang bơ cho khách đi chơi xuân. 
 
Trong bộ quần áo đã ngả màu cùng đôi dép xốp mòn đế trông anh Sáu thật nhỏ bé giữa dòng người qua lại. Anh Sáu cho biết, với những người lao động nghèo như anh, 365 ngày trong năm là khoảng thời gian miệt mài làm việc để kiếm tiền.
 
Chịu khó mấy ngày Tết, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn tiền lãi. Thế nên, dù biết là thiệt thòi khi bỏ lại cái Tết sau lưng, nhưng anh Sáu vẫn cố gắng mưu sinh."Ngày Tết buôn bán, số tiền lãi tôi nhận được còn hơn cả tháng buôn bán ngày thường nên tôi cố đi làm, nhìn gia đình người ta quây quần bên gia đình, đi chơi xuân tôi cũng chạnh lòng lắm"- anh Sáu tâm sự.
 
Anh Sáu cho hay: Đi làm miết nên lâu rồi mình cũng quên mất cái không khí sum họp gia đình trong những ngày Tết. Thuở nhỏ còn mong đến Tết, chứ giờ già rồi, Tết hay không cũng như nhau thôi. 
 
 
Dù vất vả, nhưng thu nhập những ngày Tết luôn cao hơn những ngày thường
Dù vất vả, nhưng thu nhập những ngày Tết luôn cao hơn ngày thường
 
 
Dẫu biết công việc bám đường mưu sinh không hề nhẹ nhàng, suốt ngày họ phải hít bụi, ngày Tết nhưng phải ăn những bữa cơm vội ngoài đường. Hỏi anh Sáu về ước muốn cho ngày đầu xuân, phải suy nghĩ một lúc lâu anh mới dám thổ lộ. Tuy nhiên, ước mơ đó không phải dành cho anh, mà là ước mơ chung cho những cảnh đời nghèo khó có cuộc sống sung túc hơn để Tết năm sau và những năm sau nữa chúng ta sẽ không còn nhìn thấy hình ảnh những con người mưu sinh trong ngày Tết.
 
Nói xong, anh Sáu vội chào chúng tôi để tiếp tục hòa mình vào đám đông những người “bán hàng di động” tiếp tục cuộc mưu sinh. Trong số đó, chúng tôi thấy có cả những người già, trẻ nhỏ, phụ nữ phải nhọc nhằn mưu sinh trong những ngày Tết. Bóng anh Sáu khuất dần trong dòng người đông đúc nhưng những khát khao của anh vẫn đọng lại trong chúng tôi về một hạnh phúc cho ngày đầu xuân mới.
 
Bám mặt ngày đường mưu sinh, những lao động nghèo đều mong ước một tương lai tương sáng hơn
Bám mặt ngày đường mưu sinh, những lao động nghèo đều mong ước một tương lai tương sáng hơn
 
 
Vì cuộc mưu sinh, những người lao động nghèo  đành gác lại niềm vui đón Tết. Dẫu sao, đó cũng là dịp để  những người nghèo có thêm khoản tiền lo lắng, trang trải cho cuộc sống. Tết với họ ấm áp theo một nghĩa khác và có cả những giọt mồ hôi.
 
 
Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 

.