(QNĐT)- Lợi dụng nhu cầu vào TP. Hồ Chí Minh của người dân sau Tết tăng cao, các chủ xe tư nhân rủ nhau đồng loạt đẩy giá vé lên cao, khiến nhiều hành khách "chóng mặt" khi mua vé xe vào thời điểm này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mặc dù đã có quy định giá vé xe khách tuyến đường dài Quảng Ngãi- TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên ngoại trừ các đơn vị kinh doanh xe khách chất lượng cao bán đúng với giá quy định thì nhiều nhà xe tư nhân bất chấp quy định vẫn “vô tư” tăng giá. Hầu hết các hành khách khi mua vé đều phải chi trả thêm một khoản tiền khá cao.
Trong vai một hành khách cần mua vé xe tuyến Quảng Ngãi- TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đến điểm bán vé xe khách của hãng xe Tuấn Tú ở gần chợ Thi Phổ, xã Đức Thạnh (Mộ Đức), tại đây người bán vé xe "hét" giá xe lên đến 650 nghìn đồng/vé, cao hơn giá vé quy định 140 nghìn đồng/vé (giá quy định 510 nghìn đồng/vé).
Lý giải cho việc giá vé tăng cao, chị bán vé cho rằng: Phải bán với giá 650 nghìn đồng/vé, vì hãng xe Tuấn Tú đã đưa ra giá 600 nghìn/vé, bán như vậy chị mới có lời. "Những ngày này ở đâu giá vé cũng vậy thôi, em cứ đi hỏi những chỗ khác đi"- người bán vé trả lời chúng tôi, khi chúng tôi thắc mắc giá vé xe quá cao.
Chúng tôi tiếp tục đi khảo sát giá vé xe của nhiều nhà xe tư nhân khác, giá vé xe cũng cao không kém. Giá vé của nhà xe Việt Tài, Minh Phước ở thị trấn Mộ Đức... tuyến Quảng Ngãi- TP. Hồ Chí Minh đều ở mức giá 650 nghìn đồng/vé. Với giá vé này, nhưng nhiều người bán vé cho biết là đã giảm nhiều, những ngày trước giá vé 700- 800 nghìn/vé mà không có vé để bán.
Giá vé xe được nhiều nhà xe đẩy lên khá cao |
Theo lý giải của các nhà xe, việc tăng giá vé là điều tất yếu, mục đích để có thêm phí phụ thu bù lỗ cho một chiều chạy không có khách. Mặc dù giá vé cao, nhưng để có xe vào Nam cho kịp làm, học... nhiều người đành cắn răng chấp nhận, bởi chẳng còn cách nào khác.
Sau một vòng chạy đôn, chạy đáo các điểm bán vé xe để mua vé xe vào TP. Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Thúy ở Đức Phong (Mộ Đức), cũng mua được cho mình 1 chiếc vé xe của nhà xe Việt Tài với giá 650 nghìn đồng. "Mình đã đi nhiều điểm bán vé, nhưng các hãng xe chất lượng cao đều đã hết vé, đành chọn mua vé xe "chợ", biết là giá cao, chất lượng phục vụ cũng không bằng các hãng xe chất lượng cao, nhưng cũng đành chấp nhận để kịp vào công ty làm việc đầu năm"- chị Thúy cho hay.
"Tăng gì mà tăng khiếp thế, tăng ít còn chấp nhận được, chứ tăng như thế này thì cao quá”- ông Nguyễn Sinh ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) bức xúc.
Để mua được 4 chiếc vé xe cho vợ chồng ông cùng 2 con vào làm và học tại TP. Hồ Chí Minh, với giá vé 650 nghìn đồng/vé ông Sinh phải mất 2,6 triệu đồng. "Như thế này thì đi hết cả tháng lương làm công của tui ở TP. Hồ Chí Minh rồi. Cực chẳng đã, phải vào để các con kịp học, vợ chồng ông đi làm chứ giá vé này, lao động nghèo như chúng tôi thì khó quá"- ông Sinh bày tỏ.
Mặc dù giá vé cao, nhưng nhiều người đành chấp nhận để kịp vào làm việc, học tập đầu năm |
Thời điểm này, không riêng gì chị Thúy, ông Sinh mà nhiều hành khách khác cũng phải chịu cảnh mua vé xe với giá cao. Hiện tại, hầu hết các điểm bán vé của những nhà xe tư nhân này đều trong tình trạng "cháy vé". Nhiều nhà xe đã bán hết vé từ nay đến ngày 20/1 (âm lịch).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thậm chí để qua mắt các lực lượng chức năng, không ít nhà xe ghi lên vé số tiền đúng với giá quy định, nhưng thực tế số tiền thu của hành khách cao hơn rất nhiều so với giá ghi trên vé. Điều đáng nói, giá vé ở mỗi nhà xe lại được các chủ xe bán ra ở nhiều mức khá khác nhau, mặc dù tuyến đường như nhau và hậu quả là hành khách phải gồng mình chịu trận.
Điều khiến nhiều hành khách băn khoăn là tại sao đã quy định mức giá vé nhưng mỗi nhà xe lại đưa ra một giá khác nhau? Liệu cơ quan chức năng có kiểm soát được cách thức tăng giá vé của các đơn vị kinh doanh vận tải hay không?
PV