(Baoquangngai.vn)- Với người phương Tây, đúng ngày sinh một người thân nào đó, bạn bè thân hữu chỉ gửi một câu “chúc mừng sinh nhật”, cùng lắm là dẫn nhau đi ăn một bữa tiệc là đủ. Họ không có thói quen đúng ngày mùng một năm mới thì đi “mừng tuổi” như người Á Đông. Ở Việt Nam, tục mừng tuổi ngày Tết được xem như một mỹ tục được duy trì hết đời này sang đời khác.
Bây giờ, văn minh phương Tây đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của người Việt, làm thay đổi nhiều thứ thuộc về thói quen, thậm chí về văn hóa, song tập quán mừng tuổi ông bà, cha mẹ đúng ngày mùng một tết Nguyên Đán thì vẫn duy trì. Không chỉ mừng tuổi người còn sống mà trong suy nghĩ của nhiều người, việc “mừng tuổi” ấy còn bao hàm cả những người đã khuất. Ở đây, người đi mừng tuổi không phải là chúc cho người đã khuất “có thêm một tuổi” mà đó như là một sự tưởng vọng đến tổ tiên mình. Người đi “mừng tuổi” thầm gửi một lời nhắn với tổ tiên rằng con cháu luôn nhớ đến công đức của ông bà- những người đã có công khai phá mảnh vườn, thửa ruộng thuở đi mở cõi tự ngàn xưa và đã dãi nắng dầm mưa để làm nên hạt lúa, củ khoai nuôi dưỡng bao tâm hồn, duy trì nòi giống trường tồn với non sông đất nước.
Khác với cách coi ngày, chọn giờ, xem hướng của một số người để khởi hành trong năm với mong muốn hanh thông mọi việc, việc con cháu đi mừng tuổi ông bà, tổ tiên thì không có khái niệm ngày giờ và hướng đi trước khi xuất phát. Cứ sáng mùng một Tết, chủ gia đình- thường là đàn ông, được vợ sắp xếp vô một cái quả màu đỏ các loại bánh như bánh thuẫn, bánh nổ, bánh in- những loại bánh phổ biến ở vùng nông thôn trước đây, rồi khởi hành, đi về nhà thờ họ, hoặc nhà thờ của gia đình nhỏ- nơi có cha mẹ, ông bà đang sống ở đó. Xong phần bên nội, là đến phần bên ngoại, nếu như bên ngoại không ở quá xa.
Ngoài việc soạn số bánh lên bàn thờ gia tiên, đốt nhang khấn nguyện mong tiên linh ông bà phù hộ cho con cháu được mạnh giỏi, làm ăn phát đạt trong năm, anh em họ hàng thuận hòa, trên dưới đồng lòng…, người đi mừng tuổi còn lì xì, gọi là tiền mừng tuổi cho cha mẹ, ông bà nếu như họ còn sống, kèm theo lời chúc cha mẹ, ông bà sang năm mới được mạnh khỏe, vui vầy cùng con cháu.
Mệnh giá của tiền mừng tuổi không lớn nhưng phải mới. Tiền mừng tuổi ấy mang ý nghĩa tượng trưng hơn là giá trị thực. Thực ra, ông bà, cha mẹ cũng chẳng tiêu những đồng tiền ấy mà có khi còn lì xì lại cho những đứa cháu trong gia đình. Mừng qua rồi mừng lại, đồng tiền ấy có khi không bao giờ ra khỏi gia tộc.
Trên đây là nói về những hoàn cảnh con cái có gia đình đã ra ở riêng nên ngày mùng 1 Tết phải về nhà thờ họ để mừng tuổi, còn nếu trong một gia đình mà có đến 3-4 thế hệ chung sống thì sáng mùng 1 Tết sẽ có một cuộc họp nho nhỏ sau bữa ăn sáng. Mỗi thành viên trong nhà đều mặc bộ đồ mới nhất, trẻ con được ăn diện bảnh bao nhất, tất cả đều quây quần bên ông bà- những người cao tuổi nhất trong gia đình. Sau những lời chúc của con cháu, ông bà sẽ được nhận tiền mừng tuổi của các con, các cháu nếu là những đứa cháu ấy đã kiếm được tiền bằng sức lực của mình. Sau đó, ông bà sẽ mừng tuổi lại những đứa cháu, đứa chắt trong nhà, bằng một bao lì xì khác. Vẫn là mừng qua, chúc lại, nhưng không gian của ngày đầu năm mới trở nên ấm áp một cách khác thường, nhất là ai cũng phải gác lại mọi lo toan để cùng vui tươi chào đón năm mới.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại với những xô bồ của nó, những chuyến khởi hành đầu năm để về nhà thờ mừng tuổi ông bà đã không còn giữ nếp xưa. Những đứa con ở phố, ngày đầu năm cũng đèo bòng vợ con về thăm ông bà nội- ngoại, song chiếc quả đỏ tươi, bên trong chứa những chiếc bánh còn thơm mùi bột sắn, mùi trứng gà được những người đàn bà ở quê làm ra từ những đôi bàn tay thô ráp còn hăng mùi bùn đã không còn nữa. Thay vào đó là những bao lì xì có in rồng, in phượng hoặc in tên công ty, xí nghiệp lên đó, mệnh giá bên trong cũng không còn là những đồng tiền mang ý nghĩa tượng trưng như trước nữa.
Tục mừng tuổi ngày đầu năm mới có từ ngàn xưa, được người Việt duy trì cho đến ngày nay. Không phải ngày sinh nhưng người lớn vẫn được cháu con mừng tuổi mới đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán. Đó là sự khác biệt với phương Tây nhưng nó là một mỹ tục không bao giờ phai nhạt trong mỗi người Việt.
Hình thức mừng tuổi và tiền lì xì đầu năm mới có thể đã có nhiều biến đổi theo thời gian, song lời chúc của con cháu dành cho đấng sinh thành là không thay đổi. Năm mới, mong tất cả các bậc ông bà, cha mẹ có thêm tuổi mới với những niềm vui mới cùng con cháu.
TRẦN ĐĂNG