(Baoquangngai.vn)-
Hương vị Tết bây giờ rất đa dạng, phong phú với nhiều loại bánh, mứt ngoại nhập, đắt tiền. Dù vậy, hương vị ngọt ngào của những chiếc bánh in, bánh nổ, bánh thuẫn vẫn là điều không thể thiếu trong mỗi gia đình xứ Quảng. Đó là vị Tết còn truyền giữ qua nhiều thế hệ.
[links()]
Trước đây, khi đời sống còn thiếu thốn, người dân quê thường tự cung, tự cấp mọi thứ để cúng tổ tiên và sử dụng trong ba ngày Tết. Bây giờ, cuộc sống đầy đủ hơn, các gia đình không còn phải vất vả chuẩn bị tết như trước vì mọi thứ đều có thể mua được ở chợ hay siêu thị. Nhưng rất nhiều gia đình, không vì thế, mà đánh mất đi thói quen tự tay làm bánh truyền thống.
Năm nào, bà Lê Thị Huyên ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cũng tổ chức làm bánh in, bánh thuẫn để chưng trên bàn thờ gia tiên và đãi khách dịp Tết. “Đây là dịp để con cháu quây quần bên bếp than hồng, tận hưởng được hết không khí Tết quê hương”, bà Huyên nói về lý do bà quyết tâm giữ thói quen tự làm bánh truyền thống mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Món bánh in truyền thống luôn xuất hiện trong các gia đình xứ Quảng mỗi dịp Tết đến, xuân về. |
Theo bà Huyên, làm bánh in, bánh thuẫn bây giờ không còn vất vả nhiều như ngày xưa. Bánh in làm từ bột nếp rang, được đóng gói sẵn có thể mua sử dụng bất cứ lúc nào nên rất tiện lợi. Bột sau khi chế biến thì cho vào khuôn hình tròn với họa tiết long, phượng hoặc hoa hồng, kèm nhân là đậu xanh ngọt.
Còn với bánh thuẫn, nguyên liệu chính chỉ đơn giản là bột, trứng và chiếc khuôn làm bằng gang hoặc đồng. Nhưng để có được những mẻ bánh vàng ươm, nở bung ra như cánh hoa mai thì không phải dễ. Công đoạn khó nhất là việc pha và đánh bột rồi đến công đoạn đổ bánh, canh lửa.
Tết thời công nghệ số, nhiều gia đình, nhất là ở thành thị, do bận mưu sinh nên không còn thời gian để tự tay chuẩn bị các món ăn truyền thống cho gia đình. Hương vị tết cũng vì thế mà vơi đi không ít. Nhưng dù có thay đổi thế nào đi nữa, có những thứ thuộc về quá khứ vẫn được trân trọng, gìn giữ và hiện hữu trong mỗi dịp Tết cổ truyền.
Chị Nguyễn Thị Trang ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) vì công việc bận rộn, không thể tự làm bánh truyền thống để cúng tổ tiên. Chị vẫn đặt mua từ những mối quen để có được hủ bánh thuẫn cúng ông bà dịp Tết. “Trẻ con bây giờ ít thích bánh xưa, nhưng người lớn thì không thể nào quên được những vị bánh ấy. Bởi ngày xưa, chỉ có Tết trẻ con mới được thưởng thức cái hương vị ngọt lịm, lưu luyến ấy. Tôi chọn mua bánh truyền thống để cúng gia tiên với mục đích hướng về nguồn cội, nhớ về những cái Tết thuở bé được ông bà, cha mẹ tự tay làm bánh cho ăn trong tâm trạng hồ hởi, đợi chờ của con trẻ”, chị Trang trải lòng.
Chỉ là từ những nguyên liệu quen thuộc nhưng bánh truyền thống lại góp phần tạo nên hương vị Tết của quê hương. |
Chỉ là từ những nguyên liệu quen thuộc gắn với ruộng đồng quê hương như bột, trứng, đậu và đường, ấy vậy mà người xưa lại sáng tạo ra nhiều loại bánh thơm ngon đặc trưng làm nên hương vị Tết truyền thống. Để rồi đến nay, bên cạnh những món ăn hiện đại đắt tiền, những lễ vật cao sang, nhiều gia đình xứ Quảng vẫn đặt lên bàn thờ tổ tiên túi bánh thuẫn vàng ươm, hay hủ bánh in, bánh đậu xanh, bánh nổ… Không khí Tết tuy giản dị nhưng lại ấm cúng, đủ đầy đến lạ.
Ngoài bánh, mứt truyền thống, từ trước tết gần nửa tháng, nhiều gia đình còn làm củ kiệu, dưa muối để ăn kèm với thịt muối. Rồi đến đêm 30 Tết, cả nhà lại quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét canh lửa, đón giao thừa. Đây cũng là những món ăn không thể thiếu trên mâm cơm cúng ông bà trong ngày đầu năm.
Tết thời hiện đại có đổi thay ít nhiều, nhưng vẫn còn quan niệm, có bánh tét, bánh in, bánh nổ, hay thịt muối, củ kiệu mới là có tết. Và ngày tết vui nhất chính là cả gia đình từ già đến trẻ đều tham gia chuẩn bị, làm cho không khí thật rộn ràng, náo nức. Có lẽ, đối với mọi gia đình Việt, ngày Tết cổ truyền vẫn có một vị trí rất quan trọng. Bởi, tết là dịp để cả gia đình quây quần, sum họp sau một năm lao động vất vả. Đây còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị truyền thống của dân tộc, về quê hương, cội nguồn.
Bài, ảnh:
THANH PHƯƠNG