(Báo Quảng Ngãi)- Sông Trà Khúc hợp lưu với sông Vệ rồi đổ ra cửa Cổ Lũy - cửa biển lớn nhất của Quảng Ngãi. Bên đôi dòng sông đó, từ xa xưa đã có những cư dân người Việt sinh sống, biết làm nhủi để nhủi don, biết làm ống tre để bắt cá bống đem chế biến thành đặc sản của xứ Quảng. Không chỉ có vậy, trong cuộc “hợp hôn” với người Minh Hương, họ đã từng làm nên một thương cảng Thu Xà sầm uất của miền Trung...
[links()]
Mùa xuân sang, đứng trên núi Phú Thọ nhìn về phía bắc, sông Trà nhẹ nhàng trôi qua những cồn bãi rồi thẳng hướng về phía đông, hợp lưu với dòng sông Vệ uốn quanh qua những xóm nhà của xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) và Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) tạo nên khung cảnh vùng cuối sông thật yên bình.
Don, bống và thài bai - “đệ nhất ngon”
Cụ Đặng Đảnh (88 tuổi), ở thôn Hiền Lương, xã Nghĩa Hà, cười bảo tôi: “Ở miền Trung có rất nhiều sông, nhưng hai dòng sông lớn hòa nhau rồi cùng đổ ra một cửa biển thì chỉ có sông Trà Khúc và sông Vệ. Và một điều cũng khá thú vị là nơi hợp lưu của hai dòng sông đó là nơi duy nhất con don trú ngụ, sinh sôi...”.
Con don nếu sống dưới đáy sông đầy cát có màu vàng đem nấu nước vị khá thanh, còn nếu sống dưới bùn có màu đen, đem nấu nước có vị đậm hơn. Khác với con hến chỉ nằm ở mặt đáy sông, con don lẫn sâu trong đáy sông chừng một tấc.
Cửa Đại - sông Trà. ẢNH: TẤN PHÁT |
Nhủi hến thì đẩy nhủi về phía trước, còn cào don thì dùng bồ cào đi lùi lại phía sau. Chuyện nghề phân định rạch ròi là như thế, nhưng dưới đáy sông khi nhủi hến có don và cào don được cả hến, nên người quê thường bảo có don hến mới vui.
Ở vùng hạ lưu sông Trà, sông Vệ xóm làng nào cũng có người cào don, nhủi hến, nhưng nhiều nhất vẫn là người thôn Cổ Lũy, xã Nghĩa Hà và thôn Phú Nghĩa, xã Nghĩa Hòa.
Vùng hạ lưu sông Trà, sông Vệ vào xuân, cũng là lúc những bọng trứng cá bống bám trong rong rêu nơi vùng cửa biển nở thành con và đàn cá con bắt đầu cuộc hành trình ngược dòng. Những con bống găm, bống vồ, bống cát con kết thành bầy gọi là cá thài bai theo con nước sông Trà, sông Vệ ngược đường lên. Những dân chài ven sông lại bơi thuyền chở mành tre, cọc nhọn ra sông, chọn khúc sông dài mà đóng cọc, đặt mành rồi đặt chiếc đó để săn bắt cá.
Khác với cách đơm cá bình thường, con thài bai đơm ngược. Nghĩa là chiếc đó đặt ngược dòng nước sông. Khi bầy cá ngược dòng gặp tấm phên tre bèn bơi theo tấm phên rồi chui vào chiếc đó.
Cá thài bai đem hấp xúc bánh tráng là món “đệ nhất ngon” mà phải đâu người xứ Quảng ai cũng được nếm và nếm rồi ai cũng xuýt xoa. Nhưng có xếp mành, đặt đó, thì cá thài bai vẫn ngược dòng sông bơi về phía thượng nguồn rồi lớn lên thành nhiều loài cá bống để người người đánh bắt làm nên hai món ngon thành thương hiệu của một vùng đất là tô don xứ Quảng và cá bống sông Trà.
Hồn phố
Đã nhiều lần tôi về Thu Xà, vãng cảnh chùa Ông, lòng vòng qua vài con phố mà ngẫm nghiệm câu thơ của Bích Khê: “Nơi đây thành phố đời ngưng mạch/ Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ/ Đường lên Hội quán sương khuya xuống/ Đâu mấy chàng trai rõi nhớ hờ” (Làng em - Bích Khê). Những “nàng lai khách” ấy là kết quả của cuộc hợp hôn giữa cộng đồng Việt - Hoa, những người đã góp phần làm nên diện mạo phố xưa Thu Xà.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì Thu Xà xưa gọi là phố Thu Sa. “Nơi đây nhà cửa trù mật, người Việt, người Tàu tụ hội buôn bán đông đúc giàu có, so với các hạt ở miền Nam thì phố này kém thua phố Hội An ở Quảng Nam mà thạnh hơn phố Tân Quan ở Bình Định”.
Phố xưa có hình chữ Đinh. Hai bên phố là những ngôi nhà rường mái lợp ngói âm dương, phía trước nhà có trồng nhiều cây nhãn để “Là lúc đêm về trên mái ngói/ Những nhành nhãn muộn cánh dơi lay” (Làng em - Bích Khê). Còn phía sau nhà là con sông Đào, sông Vực Hồng.
Theo Địa chí Quảng Ngãi thì vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, các thương gia người Hoa, người Nhật mang vải vóc, vật dụng đến Quảng Ngãi để đổi lấy các thứ hàng hóa, nông sản như đường muỗng, quế, muối, mì, cau khô...
Làm ăn khấm khá, nên người Hoa xây dựng nhà cửa, Hội quán, xây chùa chiền, đặt tên chùa bằng tên bản quán vùng đất mình đã ly hương nên mới có chùa Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam... Cùng với thương mại, các nghề thủ công như kẹo gương, làm nhang, chiếu cói cũng phát triển mạnh làm nên sự đa dạng của đất Thu Xà. Cho đến nửa đầu thế kỷ XX, khi đường bộ phát triển, vai trò của đường thủy kém dần, nhưng Thu Xà vẫn là nơi có vai trò quan trọng trong việc phát triển thương mại, dịch vụ. Rồi chiến tranh, phố xưa đổ nát, nhà cửa cũng chẳng còn.
Ông Lê Văn Thường, nguyên giáo viên tiểu học, người ở thôn Hòa Bình giờ làm nhà ngay trong phố cho hay: Ở đây khi đào móng làm nhà gặp gạch thẻ, gạch vồ, mẻ muỗng đường nhiều lắm. Đó là dấu tích của một thời thương cảng. Rồi ông chỉ cho tôi nơi Cống Khệnh, nối con sông Vực Hồng với con sông Đào xưa, tạo nên cảnh “trên bến dưới thuyền”.
Cạnh Cống Khệnh là bến đò Ông Bưng - một thời tàu vào ra tấp nập. Còn phía bãi dừa xưa là bãi cát trắng trồng dừa mà xưa kia sau những buổi đội nắng, đội mưa đi học, ông cùng bạn bè ra bến sông bắt con còng gió nghịch chơi.
Thu Xà xưa là phố, là thương cảng, góp phần làm nên diện mạo của vùng cuối sông. Thu Xà nay là mảnh hồn quê dung dị để mùa xuân gợi ai đó tìm về.
Nhà lưu niệm thi sĩ Bích Khê nơi cuối sông Trà
Nhà lưu niệm nằm gần ngã ba Hòa Phú, xã Nghĩa Hòa, trong khuôn viên 2.000m2. Từ cổng chính đi vào, du khách sẽ gặp nhà thờ tộc họ Lê mà gian chính thờ tiền hiền. Ở phía nam nhà thờ có một gian thờ thi sĩ Bích Khê. Tại đây có bức chân dung và tượng của thi sĩ. Nối liền nhà thờ là vườn hoa, nhà thủy tạ. Nơi đây thi sĩ đã viết nên tập thơ Tinh Hoa, Tinh Huyết, tiêu biểu cho bút pháp thơ tượng trưng của dòng văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Ở góc phía đông bắc nhà lưu niệm có không gian tái hiện phố xưa Thu Xà bao gồm sơ đồ, sao lục địa danh và hình góc phố cổ.
|
CẨM THƯ