(Baoquangngai.vn)- Ngày Tết đang đến gần, cùng với những người nghề làm bánh mứt truyền thống, những người giữ lửa nghề bánh chưng, bánh tét đang vội vã từng phút, từng giây thổi hồn vào những chiếc bánh để kịp đưa ra thị trường phục vụ khách hàng, góp thêm hương vị trong ngày Tết cổ truyền.
Tất bật chuẩn bị hàng Tết
Lò bánh của gia đình bà Mai Thị Phương (58 tuổi) tại xóm Phú Quý, thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu đỏ lửa nấu bánh Tết từ những ngày giữa tháng Chạp. Vợ chồng bà Phương đã gắn bó hơn 20 năm với nghề bánh chưng để nối tiếp truyền thống của gia đình. Vào những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, đến lò bánh chưng, bánh tét của gia đình bà Phương, mới thấy không khí chuẩn bị bánh Tết tất bật, hối hả hơn ngày thường.
Nhanh tay trải lớp nếp, nhân đậu xanh để gói bánh, bà Phương cho biết: “Ngày thường, gia đình bà làm khoảng 200 đòn bánh tét, bánh chưng để bỏ mối và bán lẻ ở chợ; nhưng vào dịp Tết phải lên đến trên 1.000 cây loại bánh cỡ lớn. Vì thế, ngoài những người trong gia đình, bà phải thuê thêm 5-7 người hàng xóm mới làm xuể”.
Cuối năm là dịp khách đặt hàng đông nên nhiều lò bánh tét, bánh chưng truyền thống đã nhộn nhịp từ 22 tháng Chạp |
Đến lò bánh tét, bánh chưng của chị Nguyễn Thị Thư, thôn Tú Xuân, xã Đức Lân (Mộ Đức) điều ấn tượng đầu tiên là lá chuối được chất đống trước sân nhà. Trong nhà, chị My cùng 5 người nữa tay thoăn thoắt gói bánh tét; những đứa con của chị thì lau lá chuối, tướt dây buột, xếp bánh vào nồi để chồng chị chuyển ra khu vực luộc bánh ở phía trước. Ở khu vực nấu bánh, 5 nồi luộc bánh cỡ lớn đang đỏ lửa.
Vừa châm thêm nước cho một nồi bánh tét, anh Lê Văn Long, chồng chị Thư chia sẻ: “Ngày thường, gia đình chỉ gói bánh chưng, bánh tét với khoảng 60kg nếp, tương đương khoảng trên 200 cây bánh. Dịp Tết, lượng nếp tăng lên từ 1-1.5 tạ nên phải huy động toàn bộ thành viên trong gia đình làm bánh. Ngoài ra, còn phải thuê thêm 3 người để lo khâu luộc bánh trong suốt thời gian từ ngày 24 đến 29 tháng Chạp”.
Ngồi bên bếp lửa bập bùng cùng 2 đứa con nhỏ canh nồi bánh chưng chuẩn bị phục vụ cho khách hàng cúng Ông Táo, anh Long tâm sự: Ngoài yêu cầu hàng đầu là đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết phải đặc biệt hơn bánh ngày thương. Vì thế, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, thịt heo cũng phải chọn loại ngon. Năm nay, thị trường lá chuối ở Quảng Ngãi khan hiếm nên vợ chồng anh phải đặt mua từ các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ…
Công đoạn gói bánh cũng cần chăm chút hơn để có sản phẩm vuông vức, đều nhau vì bánh tết trước hết là để làm lễ vật thờ cúng. Do vậy, dù lượng bánh có thể lên đến gần 2.00 cây, nhưng riêng khâu gói bánh chỉ những người có tay nghề mới làm được nên không thể thuê người tùy tiện. Riêng khâu luộc bánh, nếu không đủ và đều lửa hay châm nước không đúng thời điểm cũng có thể làm bánh bị sống. Vì thế, dù có người luộc bánh thay chị, nhưng anh cũng phải thức canh cùng họ.
Các thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Thư làm việc luôn tay để kịp cho khách hàng |
Nghề truyền thống của nhiều gia đình
Ở xóm Phú Mỹ, thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, ngoài gia đình bà Mai Thị Phương đã gắn bó với nghề bánh chưng, bánh tét gần 20 năm, còn có một hộ gia đình khác cũng giữ lửa nghề này hàng chục năm qua.
Bà Phùng Thị Liên (70 tuổi) cho biết: “Gia đình làm nghề gói bánh chưng, bánh tét đã 2 đời, đến nay cũng tròn 90 năm. Nghề này tuy không giàu nhưng ổn định và đủ nuôi sống gia đình. Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, vợ chồng tôi cùng các cháu trong nhà và những người làm tất bật chuẩn bị cho mẻ bánh tét, bánh chưng phục vụ khách hàng cúng Ông Táo.
“Đây là mẻ bánh Tết đầu tiên trong dịp Tết của những người làm nghề này. Còn cao điểm là từ ngày 25-29 tháng Chạp. Ngoài những người trong gia đình, tôi phải thuê thêm 10 người làm mới kịp giao hàng. Các con của tôi đều đã lập gia đình, rồi ra ở riêng, nhưng không ai theo nghề này. Nhà này trở thành “lò” bánh chưng của hai vợ chồng trong nhiều năm qua”, bà Liên chia sẻ.
Các lò bánh chưng truyền thống vẫn giữ thói quen nấu bánh bằng bếp củi. Trong hình là vợ chồng ông Huỳnh Nhân Tạo bên bếp lửa luộc bánh chưng |
Bà Phùng Thị Hoa, chị bà Liên, một người làm bánh đã lâu năm, tuổi đã cao nhưng bà vẫn thường phụ giúp bà Liên trong việc làm bánh của gia đình. Bà tâm sự: "Nếu sau này các con bà muốn theo nghiệp thì bà vẫn đồng ý cho các con làm nghề để giữ gìn nghề truyền thống gia đình.Trời ban cho anh chị em tôi cái nghề thì phải giữ lấy nghề mà làm ăn, mà phát triển chứ. Bản thân chị em tôi, ngay từ bé đã được xem các mẹ các bà làm bánh, được tham gia làm bánh như rửa lá, ngâm gạo rồi châm nước luột bánh. Những việc nhỏ nhặt như vậy rèn cho chị em tôi cái tính yêu nghề, giữ nghề truyền thống của gia đình ”.
Theo những gia đình có truyền thống làm nghề gói bánh chưng, bánh tét, nghề này tương đối dễ làm, đơn giản, tận dụng được mọi nguồn lao động sẵn có trong gia đình, từ cụ giá tới cháu nhỏ để có thể làm được, cứ theo kiểu cả nhà xúm tay vào làm. Lâu dần, mọi thành viên trong gia đình đều có thể tự tay làm tấc cả các khâu.
Không chỉ vậy, nghề này cũng cho thu nhập khá, vào ngày thường, trừ toàn bộ chi phí, mỗi thành viên làm bánh có thu nhập từ 280.000-300.000 đồng/ngày. “Nghề này đã nuôi sống vợ chồng và các con tôi suốt ba mươi mấy năm nay. Làm suốt cả năm coi như chỉ đủ sống, nhưng vào dịp Tết, lượng bánh làm ra gấp hơn chục lần ngày thường nên chúng tôi cũng có được một khoản kha khá”, bà Liên phấn khởi.
Bà Phùng Thị Hoa làm nghề gói bánh chưng đã hơn 20 năm nay |
Có thể nói, bánh chưng, bánh tét là món ăn, là hương vị mà dù ai đi đâu về đâu cũng muốn thưởng thức, như một biểu tượng cho sự đoàn viên, sự đủ đầy. Trong không khí của những ngày Tết, trên mâm cơm của mỗi gia đình đều không thể thiểu đĩa bánh chưng xanh. Với ý nghĩa sâu xa đó, mà nghề làm bánh chưng, bánh tét truyền thống ngày càng phát triển, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình gắn bó với nghề này.
Bài, ảnh:
Thủy Tiên