(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi lần đi trên Quốc lộ 1, cứ ngang qua Trạm xá Đặng Thuỳ Trâm là tôi lại nói với mọi người trên xe: Quê vợ tôi ở đây đấy.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ khi có Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm, tôi tìm về nhà vợ rất dễ dàng, vì từ đây quẹo vào nhà băng qua đường sắt hơn cây số là đến. Từ ngoài đường nhìn vào hay từ trong nhà nhìn ra đều thấy đường tàu chạy qua một cánh đồng mênh mông xanh mướt rất đẹp.
Nói một cách không mang tính chất nịnh vợ chút nào, thì hình như quãng đường từ Đức Phổ về Sa Huỳnh là đẹp nhất Quảng Ngãi. Đó là vùng quê thật hùng vĩ, thơ mộng, có biển xanh ngắt một bên, có núi trải dài một bên và con đường nhựa uốn lượn quanh co với những rặng hoa hai bên đường khiến tôi lần nào đi qua cũng thả hồn cùng trời đất miền Trung.
Chuẩn bị hoa mang ra chợ Tết. ẢNH: BẢO ANH |
Quê vợ tôi ở Nga Mân, Phổ Cường (Đức Phổ). Một địa danh có nhiều cái tên đẹp, có truyền thống lẫy lừng trong kháng chiến chống Mỹ và sau này được cả nước biết đến nhiều hơn nhờ gắn với cuộc đời chiến đấu và hy sinh anh dũng của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.
Tôi nhớ có lần tôi về quê vợ ăn Tết, bà con họ hàng đến chơi khá đông. Anh Bùi Ngọc Thạch, anh vợ tôi làm ở UBND xã Phổ Cường, nói: “Chắc dượng Nhân đọc cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm rồi, mấy cô bác đây toàn là nhân vật được bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm nhắc đến đấy”. Lúc đó tôi mới biết những tấm gương người thật việc thật trong cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm nổi tiếng này. Cái Tết lần ấy, mọi người đã nhắc lại những mẩu chuyện và kỷ niệm về chị Trâm như một người thân trong nhà. Quả thật tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của chị Đặng Thuỳ Trâm từ đó đã để lại biết bao dấu ấn và những công trình cho quê hương Quảng Ngãi như bệnh viện, bệnh xá, thư viện, tour du lịch... đều mang tên Đặng Thuỳ Trâm.
Tết năm ấy, sau khi về lại TP.Hồ Chí Minh tôi đã viết bài “Về quê chị Trâm ăn Tết”. Sinh thời, chị Trâm quê ở Hà Nội vào Quảng Ngãi chiến đấu và đã coi Phổ Cường là quê hương thứ hai của mình. Và tôi mong rằng cứ mỗi khi Tết đến, tỉnh Quảng Ngãi sẽ có đại diện đến chúc Tết gia đình chị Đặng Thuỳ Trâm ở Hà Nội.
Về quê vợ ăn Tết, tôi còn được gia đình dẫn đi dự lễ gia tộc họ Bùi, đi thăm các bà con cô bác trong họ hàng. Tại đây, qua sự giới thiệu của anh Bùi Chuyên cán bộ xã, tôi được gặp nhiều cán bộ xã rất trẻ, một tín hiệu vui trong sự đổi mới của quê nhà.
Phong cảnh quê vợ tôi đẹp, khí hậu Tết mát mẻ, nhiều gia đình có con cái làm ăn xa đã khấm khá hơn, Tết về đậu xe hơi chật ngõ, nhưng người dân vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả và tàn tích của chiến tranh vẫn còn đâu đó. Trên các bàn thờ vẫn nghi ngút khói hương trước những tấm bằng Tổ quốc ghi công. Bức tường nhà nào cũng treo kín bằng khen lớn nhỏ với những tấm ảnh ố vàng. Những gương mặt sạm nắng khắc khổ và những thân thể mất mát trong chiến tranh.
Những chậu hoa ngày Tết được kê trên thùng đạn Mỹ. Vỏ đạn cối ngày đạn bom vứt lăn lóc góc sân. Cửa sổ che nắng bằng vải dù. Mỗi bao lì xì cho trẻ nhỏ ít khi nào vượt quá 50 nghìn đồng. Và những hồi ức bằng giọng Quảng đặc trưng không lẫn vào đâu được khiến tôi cứ ngồi lặng nghe và ghi nhớ trong mỗi lần gặp gỡ, hàn huyên ngày Tết xứ Quảng miền Trung.
Cả những bữa cơm ngày Tết ở Quảng Ngãi cũng hấp dẫn tôi với những chiếc bánh tét nhỏ, với món gỏi mì, với cách bày mâm đĩa xếp tầng. Tết vùng quê hiếm đá lạnh, phải mua một thùng bia thì mới được mua kèm một bịch đá. Quê nghèo, đến trái cây cũng hiếm hơn mọi nơi. Sẵn một lần đi chợ là phải nhẩm tính mua những gì cho hết một chuyến xe.
Tết quê mọi thứ không được sẵn như nhiều nơi khác, nhưng lại đầy ắp tình người, lúc nào cũng rổn rảng tiếng cười, cũng có những câu chuyện thân thương cảm động. Tôi nhớ có năm về ăn Tết, dì Chín tôi lưng còng như trái me còn kéo vợ chồng tôi ra góc nhà, dúi cho cặp bánh tét, dặn đi dặn lại về chia cho mấy đứa ở Sài Gòn mỗi đứa... nửa cái. Tôi nhận chiếc bánh tét tình nghĩa quê nghèo ấy mà chỉ biết cúi đầu rưng rưng nước mắt...
Và trong mấy ngày Tết rong ruổi quê vợ, tôi còn nhận ra một điều, ở vùng quê miền Trung cát nắng đầy di tích lịch sử này, đến bây giờ người ta vẫn dùng những tấm bia tưởng niệm hoặc tấm bảng ghi công để làm mốc chỉ đường đi cho khách lạ, y như tôi tìm đường về quê vợ bằng địa chỉ Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm vậy.
HUỲNH DŨNG NHÂN