Những người ăn Tết giữa sông Trà

02:02, 22/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu năm qua gặp nhiều khó khăn bởi thời tiết bất lợi, hoa màu mất giá, nhưng không vì thế những người dân đón Tết giữa sông Trà Khúc giảm đi không khí hân hoan. Với họ, năm mới bắt đầu với những kỳ vọng và ước mơ mới.

Ra đồng đầu năm

Những ngày Tết, con đường dẫn vào “ốc đảo” Ân Phú, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) tấp nập người ra vào. Ở Ân Phú có khoảng 350 hộ dân, hầu hết sống bằng nghề trồng rau.

Ngay từ những ngày đầu năm, những người trồng dưa ở bãi bồi sông Trà Khúc đã tất bật ra đồng chăm sóc dưa.
Ngay từ những ngày đầu năm, những người trồng dưa ở bãi bồi sông Trà Khúc đã tất bật ra đồng chăm sóc dưa.


Ông Bùi Tỏi, người dân thôn Ân Phú cho hay, những tháng cuối năm 2017 mưa lũ, giá lạnh khiến toàn bộ rau bị hư hỏng. Sau đó, người dân đã mau chóng xuống giống đậu cô ve, các loại cải, dưa leo... phủ xanh trên các thửa đất. Vụ rau Tết bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng Chạp. So với các năm trước, năm nay giá rau giảm mạnh. “Thu nhập chính của người dân nơi đây phụ thuộc vào nghề trồng rau. Trang trải những ngày Tết chủ yếu dựa vào vụ rau, nhưng năm nay đậu cô ve bán cho thương lái có lúc chỉ còn 1.000 đồng/kg. Tuy có khó khăn, nhưng người dân vẫn sắm sửa vui Xuân đón Tết”, ông Tỏi chia sẻ.

Trước, trong và sau Tết, rau “dội chợ” nên giá cả các loại rau do người dân cung ứng đến chợ đầu mối đều giảm mạnh, có loại chỉ còn vài trăm đồng/kg.

Theo người trồng rau thì rau chỉ được giá vài phiên chợ cận kề Tết. Những ngày đầu năm, các loại rau như đậu cô ve, dưa leo, khổ qua giá xuống thấp. Dù giá rau giảm, nhưng theo thói quen của nghề nông, người trồng rau chỉ nghỉ ngày mùng một Tết, từ ngày mùng hai Tết, nhiều người đã tất bật ra đồng thu hoạch.

Đầu năm, thấp thoáng trên các vườn rau, luống đậu là bóng dáng của người nông dân. Giữa vườn đậu trên cánh đồng hoa màu, bà Võ Thị Hường cho biết, từ mùng hai Tết, bà đã thu hoạch đậu cô ve để kịp phiên chợ đầu năm. Mọi năm, đậu cô ve bán được giá, nhưng năm nay giá rau giảm mạnh, bà vẫn tiếp tục ra đồng hái đậu chở đến chợ đầu mối hoặc chợ rau ở Tịnh Châu bán, bù lại một phần chi phí đã bỏ ra.

Ăn Tết cùng dưa

Mùa này ở Ân Phú, ngoài diện tích rau màu phục vụ đời sống hằng ngày thì cùng đón Tết giữa sông còn có những người chuyên trồng dưa.

Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, những tấm lều bạt đã dựng lên giữa sông. Cùng với không khí hối hả thu hoạch các loại rau màu, người trồng dưa đã ra đồng từ những ngày đầu năm mới để kịp chăm sóc dưa.

Vụ dưa năm nay, ông Phạm Văn Hùng xuống giống khoảng 1ha. Từ chiều mùng ba Tết, hai vợ chồng ông Hùng cùng nhân công đã tranh thủ “dứt chèo” để dưa vào luống. “Năm nay trồng sớm hơn mọi năm, nên hai vợ chồng không về Phú Yên ăn Tết mà ở lại để chăm sóc dưa. Dự kiến, vụ dưa này đến tháng 2 âm lịch thu hoạch”, ông Hùng cho hay.

Phía trước căn lều dựng tạm, ông Phạm Văn Định quê ở xã Bình Chương (Bình Sơn) còn trưng chậu hoa cúc vàng ươm. Không khí Tết như len lỏi, phảng phất giữa bãi bồi khi ông Định đã chuẩn bị bánh kẹo, nước ngọt để mời khách trong những ngày đầu năm mới.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Định chia sẻ, hơn 10 năm trồng dưa, mỗi lần đến mùa ông lại di chuyển khắp nơi. Có năm trồng ở Quảng Ngãi, có năm lên tận Đắk Lắk thuê đất trồng. Đây là năm thứ hai, ông Định trồng dưa ở bãi bồi giữa sông Trà, nên hầu như ông đã thân quen với mọi người ở đây.

“Trong những ngày Tết, hầu như thời gian chính tôi ở tại lều dưa. Chiều 30, tôi về đón giao thừa cùng gia đình, rồi sáng hôm sau chạy vào chăm sóc dưa, chiều lại về nhà. Trại dưa cũng giống như căn nhà của mình vậy nên tôi cũng sửa soạn bày biện chậu hoa cúc, bánh kẹo. Đến ngày Mùng bốn, tôi ở hẳn trong trại chăm dưa cho đến ngày thu hoạch. Tính ra chi phí trồng 12 sào dưa đến lúc bán gần 70 triệu đồng nên năm mới, cầu mong cho nông sản được mùa được giá, để không phụ công người trồng”, ông Định bộc bạch.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.