TIN LIÊN QUAN |
---|
Chủ nhân của các thương hiệu ấy đang ở độ tuổi rất trẻ. Họ đã và đang khởi nghiệp ngay trên chính quê hương bằng phương thức hiện đại, gắn với kiến thức, tư duy mới, hành động mới. Qua đó, góp phần nâng hình ảnh đất đảo hùng binh lên một tầm cao mới.
Khi người trẻ làm du lịch
Tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Nha Trang, chàng trai 26 tuổi Đặng Văn Sâm trở về quê hương đảo Bé - Lý Sơn để làm nhà cho du khách thuê ở homestay. Đây là “hướng đi ngược”, bởi cứ 10 người trẻ từ đảo Bé ra đi thì cũng chừng ấy người muốn thoát ly và lập nghiệp ở phương xa. Riêng Sâm là trường hợp đặc biệt.
Đặng Văn Sâm (ngoài cùng bên phải) tạo ấn tượng mạnh với du khách vì mô hình nghỉ trọ gần gũi, bình dị. ảnh: TV |
Vài năm qua, Lý Sơn dần trở thành điểm đến hút khách du lịch và đến hơn 100 hộ gia đình ở huyện đảo làm nhà trọ homestay. Thế nhưng, chỉ có duy nhất Lý Sơn Bungalow hostel của Sâm để lại ấn tượng khác biệt trong lòng du khách.
Giữa không gian xanh hoang sơ của đảo Bé và rộng lớn bốn bề của đại dương, nổi bật lên ngôi nhà sàn homestay nhiều màu sắc, lạ lẫm của Đặng Văn Sâm. Lấy ý tưởng từ những ngôi nhà Bungalow kiểu Ấn Độ mà Sâm đã thấy khi đi du lịch Sa Pa, đảo Cát Bà, Sâm tự thiết kế, hoàn thành nhà sàn homestay mang tên Bungalow.
Ngôi nhà sàn của Sâm đã thu hút nhiều khách check-in và lưu trú. Sâm làm du lịch một cách thật gần gũi. Anh dẫn khách trọ đi trải nghiệm cuộc sống bình dị ở đảo như: Câu cá, đánh lưới hay trồng và thu hoạch hành, tỏi... Vì thế khách đến với Bungalow khi trở về đều hết lời khen ngợi anh chủ trọ Đặng Văn Sâm nhiệt tình, dễ mến.
Cũng góp phần tạo nên hình ảnh một Lý Sơn xanh, chàng trai đất đảo Lê Văn Thành thành lập Trung tâm lặn khám phá núi lửa Lý Sơn. Hiện Thành đang quản lý, điều hành nhóm lặn chuyên nghiệp gồm 5 thành viên tuổi đều ngoài 20. Nhiệt tình, chuyên nghiệp và am hiểu từng góc đá trong lòng biển quê hương đã giúp Thành cùng nhóm lặn phát triển không ngừng loại hình kinh doanh du lịch mới lạ.
“Lặn ngắm núi lửa trong lòng biển khá mới mẻ và tiềm năng thu hút khách rất lớn. Đây là cách em làm du lịch để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển. Mình giữ biển, giữ được hệ sinh thái biển thì mới có thể khai thác, đưa du khách tham quan, lặn ngắm lòng biển đẹp”, Lê Văn Thành chia sẻ.
Nâng tầm giá trị cho sản vật đất đảo
Khởi nghiệp từ những ý tưởng độc đáo, sự lựa chọn của người trẻ Lý Sơn còn hướng đến mục tiêu nâng giá trị sản vật của đất đảo. Đó chính là sự ra đời của các “thương hiệu trẻ” như VinaRongbien hay Vua tỏi.
Tour lặn biển ngắm san hô, núi lửa rất hút khách của nhóm lặn Lê Văn Thành. ảnh: TV |
Nhận thấy rong biển được bán cho các thương lái với giá thấp, gây thiệt thòi cho bà con đất đảo, cô gái trẻ quê Lý Sơn đã tự mày mò, nghiên cứu tạo ra sản phẩm rong biển lên men, sấy khô. Trong lần sản xuất đầu tiên, cô gái quê Lý Sơn Lê Thị Thanh Thanh sản xuất 400 hộp rong biển lên men, được tiêu thụ nhanh chóng. Chọn cho mình hướng đi này, Thanh dễ dàng kêu gọi được nhà đầu tư tài trợ số tiền 450 triệu đồng để xây dựng mô hình hoạt động thương hiệu Vinarongbien.
“Sau sản phẩm rong biển lên men, sấy khô, mình sẽ tiếp tục đẩy mạnh đa đạng các sản phẩm rong biển như nước uống thảo dược, trà rong biển, mặt nạ... Nguyện vọng của em là vừa giúp người dân quê mình sống tốt với nghề hái rong biển, vừa tự mình xây dựng được thương hiệu cho đặc sản Lý Sơn”, Thanh Thanh quả quyết.
Cũng mong muốn đưa sản vật độc đáo của đất đảo thành thương hiệu nổi tiếng đi xa, “Vua tỏi” Nguyễn Văn Định chọn hướng sản xuất tỏi, hành theo phương pháp hữu cơ. “Sạch là tiêu chí cốt yếu trong chiến lược của mình để giữ vững thương hiệu và phát triển mạnh hơn. Không chỉ cung ứng trong nước mà hướng đi phải nâng giá trị sản phẩm theo chuẩn quốc tế để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”, Nguyễn Văn Định cho biết.
THIÊN VƯƠNG