*TRẦN ĐĂNG
(Baoquangngai.vn)- Bên cạnh những cột mốc có ghi vĩ độ, kinh độ ở mỗi đảo trên quần đảo Trường Sa còn có những cột mốc tâm linh đã được tiền nhân khơi mạch từ những am thờ thuở đi mở cõi. Tôi muốn nói về những ngôi chùa, được ví như những cột mốc tâm linh giữa trùng khơi này.
Từ những am thờ
Trong cuộc trường chinh mở mang bờ cõi về phương Nam từ hàng trăm năm trước, mỗi khi quyết định dừng chân để định cư tại một vùng đất mới nào đó, hẳn nhiên những chủ nhân của cuộc thiên di ấy sẽ dựng lên một chiếc am thờ hoặc ngôi miếu nhỏ. Tế trời đất, vái thần linh phù hộ cho những chủ nhân của nơi ở mới là điều mà bất cứ một người Việt nào cũng phải hành xử như một lẽ đương nhiên.
Du khách tham quan chùa Song Tử Tây. Ảnh: TRẦN ĐĂNG |
Cùng với sự phát triển và phồn thịnh của làng quê nơi vùng đất mới, những chiếc am thờ hay miếu nhỏ ấy đã “lớn lên” thành những ngôi chùa. Phật giáo có một thời kỳ trở thành quốc giáo ở nước ta nên sự xuất hiện của những ngôi chùa giữa các khu dân cư là điều không lạ với bất cứ một làng quê nào của người Việt. Trường Sa cũng vậy, những ngôi chùa ở quần đảo này được xem như là sự tiếp biến từ những am thờ của các ngư phủ hoặc những chuyến hải hành xuyên đại dương của tiền nhân từ nhiều thế kỷ trước.
Hiện vật thu được từ các cuộc khai quật của những nhà khảo cổ học Việt Nam tại Trường Sa cho thấy, từ hàng trăm năm trước, đã có một dòng chảy mang tên “gốm” từ nền văn hóa Sa Huỳnh xuyên đại dương để đến với hang động Kalaynay thuộc đảo Masbate của Philippines.
Từ hơn nửa thế kỷ trước, nhà khảo cổ học người Mỹ-giáo sư W.G Solheim của Đại học Hawaii đã bất ngờ phát hiện trong hang động này những loại gốm rất giống với các lọ chum mà nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet phát hiện tại Sa Huỳnh từ năm 1909. Giáo sư W.G Solheim đặt tên cho dòng gốm này là “phức hệ gốm Sa Huỳnh-Kalanay”. Hẳn nhiên, trước khi đặt chân đến vùng đất “nghìn đảo” của Philippines, những chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh đã coi Trường Sa như một trạm dừng chân “lấy sức” để tiếp tục cuộc hải hành. Những am thờ trên quần đảo này cũng bắt đầu được tạo dựng từ những chuyến “dừng chân” như thế.
Lại nữa, bằng những chiếc thuyền nan mỏng manh nhưng cha ông ta đã để lại dấu vết của mình trên những hòn đảo giữa trùng khơi này từ rất sớm. Đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã được thành lập từ thời nhà Nguyễn từng ngang dọc khắp Biển Đông đã nói lên điều đó. Những chiếc am thờ nơi các đảo giữa đại dương này cũng được lập trong những lần ngang dọc ấy. Chính những chiếc am thờ của tiền nhân, mặc nhiên đã thành viên đá đầu tiên đặt nền móng cho những cột mốc tâm linh bây giờ. Những ngôi chùa ở Trường Sa là sự tiếp nối của một dòng chảy tâm linh xuyên suốt tự ngàn xưa chứ không phải ngẫu nhiên mà có.
Chuông chùa giữa trùng khơi
Trụ trì chùa Song Tử Tây là một đại đức trẻ tuổi. Pháp danh của ông là Thích Thánh Thành, mới ngoài ba mươi mà hành đạo gần như khắp dải đất hình chữ S. Ông cũng là vị sư duy nhất ở Trường Sa có bằng cấp “đầy mình”: cử nhân Anh văn, cử nhân Phật học, cao học tâm lý tại Ấn Độ… Với vị sư này, tiếng Anh và kinh Phật thông làu như nhau.
Chùa Sinh Tồn. Ảnh: TRẦN ĐĂNG |
Ông đã từng hành thiền cùng với sự chịu đựng khắc khổ nhất của một tu sĩ trong hẻm núi heo hút thuộc chùa Vàng tỉnh Quảng Ninh, nhưng Trường Sa vẫn là thử thách lớn trong cuộc đời hành đạo của mình. “Tôi đã tu qua nhiều ngôi chùa, kể cả chùa ở nước ngoài, nghe hàng trăm âm thanh khác nhau từ những chiếc chuông chùa nhưng âm thanh từ tiếng chuông chùa ở Song Tử Tây này mới diệu vợi làm sao! Đó không còn là tiếng chuông đơn thuần nữa mà là sự ngân vang của máu thịt”, nhà sư trẻ tuổi đã “hình ảnh” tiếng chuông chùa nơi ông trụ trì bằng một cảm thức như thế sau 6 tháng gắn bó với nơi này.
Còn thượng tọa Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa Lớn thì cụ thể hơn khi luận về tiếng chuông: “Cứ mỗi sáng, cùng với tiếng kẻng báo thức của bộ đội trên đảo là tiếng chuông chùa. Hai thứ âm thanh này không cùng “kênh” nhưng đều vang về một hướng. Đó là sự cầu mong cho quốc thái dân an”. Riêng với những sĩ quan từng gắn bó nhiều năm với đảo, ai cũng nói rằng, mỗi lần nghe tiếng chuông chùa là một lần thấy đất liền như gần lại. Các vị sư ở Trường Sa là những người “kéo đất liền gần lại với đảo xa”. Đối với các sư, chưa ở đâu mà việc đạo gắn với việc đời một cách rõ rệt như ở nơi này.
“Linh khí quốc gia”
Thượng tọa Thích Giác Nghĩa dẫn tôi đi một vòng quanh chùa Trường Sa Lớn. Cũng như đại đức Thích Thánh Thành, ông rất lo cho những cái cây được các Phật tử trồng “lưu niệm” quanh chùa. Ông nói: “Mình mà để cây chết là có lỗi với đạo hữu, có khi đó là cái cây của một vị tướng nhưng cũng có khi đó là cái cây của anh binh nhì “lưu niệm” trước khi rời đảo. Tất cả đều phải được đối xử như nhau vì ở Trường Sa này, mỗi cái cây là một linh vật”.
Rồi tiếp: “Nhưng cái này mới là linh khí quốc gia”, vừa dẫn tôi đi vào nội thất ngôi chùa, thượng tọa Thích Giác Nghĩa tiết lộ thêm. Ông chỉ vào viên đá dưới sàn nhà trước chánh điện, nói: “Nó đấy! Anh thấy có gì khác không?”. Tôi xác nhận có, vì cả gian phòng, các viên đá đều giống nhau nhưng viên đá này lại nhẵn hơn. Vị sư giải thích: “Vậy nên nó mới được gọi là “linh khí”! Ông chậm rãi: “Viên đá ấy bình thường như bao viên đá khác nhưng sự ngẫu nhiên, nhà Phật gọi là duyên, đã chọn nó nằm đúng chỗ này. Mỗi khi hành lễ, ai cũng cúi đầu lạy Phật và “đụng” hòn đá.
Với tôi, ngày nào cũng vậy, đọc một chữ trong bộ kinh này là lạy một lạy, đặt đỉnh đầu đúng ngay hòn đá. Bộ kinh có 80 ngàn chữ, tôi lạy 80 ngàn lạy. Sau 3 tháng hành đạo ở Trường Sa Lớn, cuốn kinh đầu tiên tôi đã đọc xong và hòn đá cũng đã bắt đầu khác trước. Tôi nghĩ, những ai là con dân nước Việt ra Trường Sa, ghé lại ngôi chùa này để lạy Phật, tất cả những “linh khí” sẵn có trong mỗi người đều được chuyển tải đến hòn đá này. Và dĩ nhiên, “linh khí” ấy đã giúp cho chúng ta có thêm niềm tin và sức mạnh để bảo vệ sự trường tồn cho Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió”.
Câu chuyện về hòn đá ở chùa Trường Sa Lớn của nhà sư đượm màu huyền bí nhưng tôi tin rằng, “linh khí Việt” đã bàng bạc trong mỗi cột mốc tâm linh. Đó chính là sức mạnh mà con cháu hôm nay đã thừa hưởng và tiếp nối hào khí đánh giặc giữ nước của cha ông từ thuở mang gươm đi mở đất./.