Công tác bình ổn giá Tết nguyên đán Quý Tỵ - 2013: Nhiều việc chưa ổn!

01:02, 22/02/2013
.

(QNg)- Sau 3 năm liên tiếp tổ chức thực hiện bình ổn giá, Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần giữ vững giá cả thị trường, tạo điều kiện cho nhân dân vui Xuân, đón Tết. Tuy nhiên, để công tác này hiệu quả hơn nữa, các ngành chức năng cần thiết phải nhìn nhận lại những hạn chế, có biện pháp khắc phục khi tiếp tục thực hiện "bình ổn giá"…

TIN LIÊN QUAN


Công tác bình ổn giá dịp Tết Quý Tỵ 2013 được tổ chức bài bản hơn những năm trước, nhưng phương án thực hiện vẫn còn nhiều bất cập khiến ngành chức năng phải điều chỉnh vào những ngày cận tết khi việc bình ổn đã "khai trương". 4 đơn vị được tỉnh chọn tham gia bình ổn giá, gồm: Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn - Quảng Ngãi; Siêu thị Quảng Ngãi; Trung tâm mua sắm Hương Lúa và Công ty CP lương thực Quảng Ngãi. Trong đó, chỉ có duy nhất Công ty CP Lương thực Quảng Ngãi bình ổn một mặt hàng là gạo, còn lại 3 đơn vị đều đăng ký từ 30 - 40 mặt hàng thuộc 9 nhóm ngành hàng.

 

Người tiêu dùng chọn mua mặt hàng rau, củ, quả “bình ổn giá” bày bán tại Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi dịp Tết Quý Tỵ - 2013.
Người tiêu dùng chọn mua mặt hàng rau, củ, quả “bình ổn giá” bày bán tại Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn – Quảng Ngãi dịp Tết Quý Tỵ - 2013.


Trong phương án ban đầu của 3 đơn vị này được phê duyệt kèm theo Quyết định số 2225/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh, dù cùng một mặt hàng cùng chủng loại, mẫu mã, trọng lượng, xuất xứ, thương hiệu nhưng mỗi đơn vị lại đưa ra một giá khác nhau, chênh lệch khá cao. Chẳng hạn, thịt bò bắp loại I, giá Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn - Quảng Ngãi là 215.000 đồng/kg; Siêu thị Quảng Ngãi 150.000 đồng/kg; Trung tâm mua sắm Hương Lúa 160.000 đồng/kg. Ngay sau khi mở cửa bán hàng bình ổn giá, Sở Công thương đã yêu cầu 3 đơn vị này họp lại để thống nhất "đồng giá" đối với mặt hàng thịt bò đùi ở mức 197.000 đồng/kg.

Mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích, giò lụa, chả lụa… mặc dù cùng trọng lượng, cùng một nhà sản xuất cung ứng nhưng giá bán giữa 3 đơn vị này chênh lệch từ 500 đồng đến 2.000 đồng/đơn vị sản phẩm. Các mặt hàng rau, củ, quả cũng đều có sự chênh lệch đáng kể. Khi bắt đầu treo bảng "hàng bình ổn giá", người tiêu dùng đã phản ánh đến Sở Công thương và đã được Sở làm việc với các đơn vị này để thống nhất giá bán.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn An - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: "Sở đã phát hiện tình trạng giá hàng bình ổn không thống nhất và đã yêu cầu các đơn vị điều chỉnh kịp thời. Đây là vấn đề ngành công thương sẽ rút kinh nghiệm khi tổ chức thực hiện bình ổn giá vào năm tiếp theo".

Ngoài vấn đề "chọn nhầm hàng bình ổn giá" trong dịp Tết Quý Tỵ như mặt hàng "cá bống Sông Trà", "tỏi Lý Sơn" được chấp nhận cho phép Siêu thị Quảng Ngãi bán "bình ổn giá", thì vấn đề chọn đơn vị Trung tâm mua sắm Hương Lúa thực hiện bình ổn giá cũng được người tiêu dùng ý kiến là chưa xác đáng. Đơn vị này đã được Sở Công thương đề xuất UBND tỉnh cho mượn 4 tỷ đồng (không tính lãi trong vòng 89 ngày) để trữ hàng thực hiện bình ổn giá, gồm 36 mặt hàng thuộc 9 nhóm ngành hàng. Trong đó có cả nhóm ngành hàng thịt tươi sống, như: Thịt gà, thịt vịt, thịt bò, thịt heo. Tuy nhiên, hệ thống thiết bị kinh doanh của siêu thị chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cần thiết trong kinh doanh các mặt hàng này.

Tại Quyết định số 2225/QĐ-UBND phê duyệt phương án thực hiện bình ổn giá trong dịp Tết Quý Tỵ 2013 ngày 28/12/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Doanh nghiệp được xét tham gia chương trình bình ổn giá trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí: "Doanh nghiệp có uy tín, quy mô kinh doanh phát triển; hoạt động kinh doanh có hiệu quả, được người tiêu dùng tín nhiệm". Căn cứ vào quy định này, nhiều người tiêu dùng cho rằng Trung tâm mua sắm Hương Lúa được chọn tham gia chương trình bình ổn giá dịp Tết Quý Tỵ 2013 là chưa phù hợp. Và thực tế, trong suốt thời gian mở cửa bán hàng bình ổn giá, siêu thị rất ít người đến mua hàng. Vì thế, lượng hàng hóa tham gia bình ổn mà Trung tâm đăng ký với UBND tỉnh chắc chắn sẽ không đạt được.

Chỉ đơn cử nhóm mặt hàng thịt tươi sống, theo đăng ký với tỉnh, thì tết này Trung tâm cung ứng ra thị trường 11,5 tấn thịt heo; 5 tấn thịt bò, 500kg thịt gà thả vườn, 500kg vịt ta! Xác nhận việc này, quản lý Trung tâm mua sắm Hương Lúa bà Thùy Dương cho rằng: "Năng lực của Trung tâm đúng là còn hạn chế và khả năng cung ứng ra thị trường sẽ khó đạt được con số bán ra như đã đăng ký với tỉnh. Thế nhưng Trung tâm sẽ nỗ lực hết mình, để thực hiện những gì đã cam kết".

Ngoài ra, trong chương trình bình ổn giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ vừa qua, mặc dù tỉnh chú trọng đưa hàng hóa về vùng cao, vùng sâu, hải đảo phục vụ nhân dân mua sắm tết, nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, Trung tâm mua sắm Hương Lúa là đơn vị được tỉnh đánh giá nhiệt tình, trách nhiệm hơn cả trong việc đưa hàng hóa về miền núi và duy nhất chỉ có Công ty CP lương thực Quảng Ngãi đưa được "gạo bình ổn" đến đảo Lý Sơn.



    Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.