(Báo Quảng Ngãi)- Anh ấy là người Quảng Ngãi, người mà tôi và nhiều người khác luôn nể phục. Trong những ngày ở TP.Hồ Chí Minh dịch Covid-19 hoành hành, anh đã đến và chia sẻ với nhiều mảnh đời gặp khó khăn giữa tâm dịch bệnh. Anh là Phạm Văn Dũng (46 tuổi), quê ở thôn Vùng 5, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ). Với anh “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”...
Đi về phía hiểm nguy
Đúng 0 giờ ngày 9/7/2021, TP.Hồ Chí Minh chính thức áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Người dân được yêu cầu ở yên trong nhà. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 trở thành cuộc chiến cam go. Anh Phạm Văn Dũng cũng không nằm ngoài cuộc chiến ấy, nhưng anh còn có một công việc quan trọng khác, đó là hỗ trợ cho người dân nghèo đang bị Covid-19 bủa vây. Một tháng trước ngày TP.Hồ Chí Minh “giới nghiêm”, anh đã âm thầm lao vào cuộc chiến của riêng anh. Trên chiếc xe máy cà tàng, ngày nào anh cũng chở lỉnh kỉnh gạo, rau, củ, quả, bánh mì, sữa... hướng về từng ngõ hẻm chật chội tiếp tế cho người dân nghèo từ khắp các miền quê bị kẹt lại TP.Hồ Chí Minh.
- Tại sao anh lại làm thế?
- Đó là việc làm mà trái tim mình mách bảo!
- Anh không sợ lây nhiễm Covid-19 à?
- Sợ nhưng mình phải làm để giúp cho người dân được chút nào hay chút ấy. Thấy nhiều người khổ vì dịch bệnh thương lắm, không chịu được!
|
Anh Phạm Văn Dũng trao hỗ trợ cho hai mẹ con đang nhiễm Covid-19. ẢNH: PV |
Anh Dũng nói đậm chất tình. Chất tình ấy dường như đã ăn trong máu những người con Quảng Ngãi đi làm ăn xa như anh. Hơn 4 tháng ròng anh đã chọn cho mình một con đường đi, một kiểu chống dịch rất riêng biệt.
Ngày chưa có dịch Covid-19, vợ chồng anh Dũng mưu sinh bằng nghề bán trái cây. Dịch đến, buôn bán bị đình trệ, vợ chồng anh thất nghiệp phải ở nhà chờ dịch qua. Rồi anh nghĩ, không lẽ ngồi hoài trong nhà, phải làm gì đó để chung tay chống dịch, để thành phố sớm trở lại nhịp sống bình thường. Vậy là anh lại chọn cách mà anh đã từng làm như hàng chục năm qua để giúp người nghèo.
Không có của thì có công, anh liền kêu gọi bạn bè mỗi người một ít để cùng với anh mua mắm, gạo, cá, rau, củ, quả để trao “túi an sinh” cho người dân nghèo đang lâm cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Anh rất vui mừng vì được nhiều anh em, bạn bè, rồi có cả những người không quen biết cùng chung tay, tiếp sức.
Một ngày đối với anh khá dài. Trước 7 giờ sáng, trên chiếc xe máy cũ mèm của anh chất 500 ổ bánh mì. Anh chạy vòng quanh cả chục con hẻm ở huyện Bình Chánh, quận Tân Bình để hỗ trợ bánh mì cho người dân kịp ăn sáng. Xong chuyến bánh mì, anh lại quay ngược về nhà húp vội tô mì rồi lại chất chuyến hàng thứ 2, rồi lại thứ 3, thứ 4 lên xe. Đều đặn như thế, mỗi ngày anh chạy xoay vòng cả trăm cây số để vận chuyển 6 chuyến hàng cứu đói cho người dân nghèo.
Hơn 4 tháng tình nguyện ở vùng dịch, anh Phạm Văn Dũng đã vận chuyển bằng xe máy 40 tấn gạo, hàng chục tấn rau, củ, quả, dầu ăn, mắm, muối, cá tươi... do anh kêu gọi từ vạn tấm lòng để trao “túi an sinh” cho người nghèo. Chiếc xe máy của anh đã mòn cả lốp nhưng lòng anh vẫn chưa “mòn”, đôi chân vẫn chưa mỏi. Anh vẫn tiếp đi về nơi người nghèo bằng tất cả cái tình của người Quảng Ngãi đã hun đúc tự bao giờ. |
Tôi và anh, chị, em trên kênh Youtube "Cuộc sống diệu kỳ" cũng quyết định góp sức vì TP.Hồ Chí Minh thông qua anh. Một cuộc nhắn tin trên Facebook và tôi chuyển cho anh 31 triệu đồng để nhờ anh trao cho người dân gặp khó khăn. Chưa đầy 20 phút sau, anh gửi hình ảnh là nguyên xấp bì thư ghi tên: Cuộc sống diệu kỳ. “Anh đã chuẩn bị đầy đủ, tiền đã bỏ vào trong bì thư hết rồi em. Trưa nay anh đi trao luôn. Mừng lắm”, anh nói.
Một ngày trung tuần tháng 10/2021, anh gửi vào Zalo tôi một đoạn video dài 8 phút ghi lại cảnh anh vào nhà gia đình F0 để trao suất hỗ trợ. Anh mặc trang phục bảo hộ kín mít. Đó là ngôi nhà của 2 mẹ con chàng trai khuyết tật bán vé số, có cha vừa qua đời vì Covid-19 ở huyện Bình Chánh. Hai mẹ con cũng đang là F0 điều trị tại nhà.
“Trời! Nguy hiểm vậy anh!”, tôi nhắn tin cho anh. Anh Dũng cười bảo: “Em yên tâm, anh bảo hộ kỹ lắm và giữ khoảng cách. Mình vào thì mới trao hỗ trợ cho họ được, chứ mình sợ dịch thì họ càng sợ đói. Rồi họ sống sao!”. Cũng bởi suy nghĩ mình vì mọi người, nên anh Dũng đã đi về phía hiểm nguy để thắp sáng niềm tin đẩy lùi dịch bệnh.
Cứ thế, ngày nối ngày anh Dũng tìm đến những nơi “giăng dây”, những ngôi nhà treo biển “có người cách ly” để làm công việc mà trái tim anh mách bảo.
Dũng Quảng Ngãi...
Nhiều người gọi anh với tên gọi thân thương là "Dũng Quảng Ngãi".
- Bà con ai ăn bánh mì ra lấy bánh mì nha!
- Bà con ra nhận rau, củ, quả nha! Mỗi người một phần. Lấy vừa đủ còn dành cho người khác.
- Nhà có bé nhỏ không chị? Chị lấy thêm sữa, kẹo cho các bé.
|
Anh Phạm Văn Dũng luôn có mặt kịp thời để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. ẢNH: PV |
Mỗi ngày anh đi khắp các con hẻm để hỏi thăm và trao nhu yếu phẩm cho người nghèo. Giọng anh nhẹ nhàng, ấm áp. Suốt 4 tháng ròng rã anh đã làm công việc thiện nguyện vào thời khắc mà cuộc sống khó khăn, bí bách và túng quẫn nhất của biết bao phận đời tha phương bị kẹt lại tại các khu trọ.
- Đi hoài vợ cũng nhằng dữ lắm. Nhưng đi riết bả hết nói nổi luôn. Có hôm mưa to quá không đi được, bả lại hỏi “Hôm nay sao ông không đi trao quà?”.
- Đó là khi tôi biết bà vợ bả cũng ủng hộ tôi. Anh Dũng nói với giọng đầy hào sảng.
“Tôi rất quý anh Dũng. May có những người như anh ấy mà những gia đình khốn khổ vì dịch như chúng tôi mới có thể gắng gượng qua dịch. Cảm ơn sự dũng cảm của anh khi đã tìm đến chúng tôi trong lúc khó khăn và đói khổ nhất”, anh Huỳnh Văn Ri, quê Bến Tre - người từng được anh Dũng tìm đến tận nhà trọ giúp đỡ đã chia sẻ như thế.
Chị Cao Thị Thu Kiều, quê xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) vào TP.Hồ Chí Minh mưu sinh. Dịch Covid-19 ập đến đã cướp mất chồng chị. Cuộc sống của chị và 3 đứa con thơ rơi vào cảnh bế tắc. Khi hay tin, anh Dũng tìm đến rồi kêu gọi giúp đỡ. Mẹ con chị Kiều nhận được số tiền hỗ trợ kha khá từ anh, đủ để ổn định dần cuộc sống sau biến cố. “Tiệm photo hồi giờ là nguồn sống của gia đình. Chồng mất, 4 mẹ con không biết bấu víu vào đâu. Không có anh Dũng đồng hương giúp đỡ thì mẹ con tôi không biết bấu víu vào đâu. Cảm ơn anh”, chị Kiều nghẹn ngào nói.
Tôi ấn tượng với câu nói của anh Dũng khi tôi gửi anh 31 triệu đồng. Tôi bỏ tiền túi 1 triệu đồng bảo anh dùng để đổ xăng khi đi trao hỗ trợ cho người dân. Vậy mà vừa nghe thì anh chen ngang: Anh đủ ăn rồi, để anh trao cho mọi người luôn!
Trong bài viết “Có ai tên Quảng Ngãi” của nhà thơ Thanh Thảo có một câu kết khá ấn tượng: “Lòng nhân ái bao giờ cũng là vốn quý giá nhất của con người”. Với anh Dũng - một người con Quảng Ngãi - cũng vậy. Lòng nhân ái của anh đã để lại sự trân quý cho mọi người ở các xóm trọ không chỉ cho riêng anh, mà cho cả người Quảng Ngãi trong những ngày đại dịch bủa vây toàn thành phố. Ở xóm trọ, người dân cả 3 miền Bắc, Trung, Nam không quên “túi an sinh” của anh và mãi nhắc về Dũng người Quảng Ngãi!
Anh Dũng khoe, cuối tuần này xuống Hậu Giang xây nhà mới cho cô Tư. Ấy là khi tôi biết, bước chân hướng thiện của anh vẫn chưa dừng lại. Hơn 20 năm, anh đã xem TP.Hồ Chí Minh như quê hương thứ 2 của mình. Hạnh phúc là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình. Và anh Dũng đã cho đi rất nhiều thứ mà anh đang có, để tìm lại nụ cười cho những phận đời nghèo.
Hôm nay, đường phố ở TP.Hồ Chí Minh dòng người tấp nập. Nụ cười đã thấp thoáng trên khuôn mặt bao phận người buôn thúng bán bưng.
Hôm nay, vợ chồng anh Dũng cũng đang rao bán trái cây trên một con đường...
VÕ MINH HUY