Ngôi làng dưới chân núi Cà Đam

09:12, 27/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi đến thăm ngôi làng của đồng bào Cor ở thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng). Ngôi làng lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng Cà Đam, quanh năm sương mù bao phủ. Đây là một ngôi làng đặc biệt bởi nhiều lẽ, nhưng quý hơn cả là tình người, là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 
[links()]
 
Giúp nhau trong “vượt cạn”
 
Đồng hành cùng chúng tôi trên đường đến thôn Quế có Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bùi Hồ Ngọc Ninh. Thôn Quế cách trung tâm xã Trà Bùi 25km. Tuyến đường nay đã được bê tông kiên cố. Xe chạy bon bon trên cung đường giữa núi rừng xanh thẳm. Ngày trước, để đến được thôn Quế, phải là những tay lái lụa bởi đường sá đi lại rất khó khăn, còn không thì cuốc bộ. Ông Hồ Ngọc Ninh cho biết, toàn thôn có 84 hộ dân, đều là người Cor. Là thôn đặc biệt khó khăn, nên người dân ở thôn Quế được Nhà nước quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt, cuộc sống của người dân được cải thiện hơn trước rất nhiều. Ngôi làng dưới chân núi Cà Đam nay đã có điện thắp sáng. Hai phòng học mẫu giáo cũng vừa được đầu tư xây dựng khang trang, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường... 
 
Thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng) dưới chân núi Cà Đam.   Ảnh: N.VIÊN
Thôn Quế, xã Trà Bùi (Trà Bồng) dưới chân núi Cà Đam. Ảnh: N.VIÊN
Điều chúng tôi ghi lại được ở ngôi làng này là câu chuyện giúp nhau "vượt cạn". Đây là câu chuyện tình người, nhưng cũng có lẽ là điều trăn trở mà các cấp, các ngành cần quan tâm. Hầu như phụ nữ ở đây đều sinh đẻ tại nhà, mà không đến cơ sở y tế, dù rằng trong những lần chị em “vượt cạn” luôn có sự sẻ chia, giúp đỡ của người dân trong làng. Chúng tôi đã gặp anh Hồ Văn Liên (35 tuổi), có thâm niên gần 13 năm gắn bó với công tác y tế ở thôn Quế. Nhờ có anh Liên mà nhiều sản phụ "vượt cạn" thành công, những đứa trẻ ở thôn Quế chào đời khỏe mạnh. Ở thôn Quế, ngoài anh Liên, còn có 3 bà mụ lớn tuổi thuần thục đỡ đẻ. Anh Liên bảo, hằng ngày những bà mụ lên núi làm nương rẫy, khi nghe tin báo trong làng có người sắp sinh cần hỗ trợ là họ băng rừng đến nhà sản phụ. 
 
Khi chúng tôi hỏi: "Mỗi lần đỡ đẻ thành công như vậy thì anh có được trả chi phí không?". Anh Liên bảo: "Có gì đâu mà trả công, vì tất cả người dân ở đây ai cũng nghèo. Họ xem giúp nhau là việc nên làm". Anh Liên nhiều lần được cử xuống huyện tập huấn nghiệp vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân để nâng cao tay nghề. Anh thường xuyên vận động người dân xuống cơ sở y tế xã, huyện để sinh đẻ. Song, vì thói quen từ đời này qua đời khác, nên hầu như phụ nữ ở thôn Quế đều sinh đẻ tại nhà. Mỗi lần trong thôn có phụ nữ sắp chuyển dạ, để đảm bảo an toàn cho họ, anh Liên đều có mặt kịp thời. Gặp ca khó, anh Liên làm các bước sơ cứu, rồi gọi xe cấp cứu, xe ôtô đến nhà đưa thai phụ xuống Trung tâm Y tế huyện. Anh Liên kể, khoảng 5 năm trở lại đây, đường về thôn Quế đã bê tông nên xe ôtô còn lên xuống được. Chứ hồi trước đường đất, khi có ca sinh khó, người dân phải dùng võng khiêng thai phụ ra đường liên huyện, rồi mới chở đến trạm y tế xã, hoặc trung tâm y tế huyện, vậy nên khó tránh khỏi những chuyện không hay xảy ra.
 
“Hiện còn khoảng 2km đường về tổ 8, thôn Quế chưa được bê tông nên việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Huyện đã đưa công trình này vào kế hoạch đầu tư trung hạn với số vốn khoảng 2 tỷ đồng. Thôn Quế cũng có 4 người dân trồng sâm bảy lá rất thành công, như trưởng thôn Hồ Văn Tạo, là hộ thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế từ cây sâm bảy lá. Huyện đang định hướng, hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế từ loại cây này, từng bước giúp người dân thôn Quế thoát nghèo bền vững".
 
Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bùi
HỒ NGỌC NINH

“Phụ nữ mang thai vẫn đi làm nương rẫy như người bình thường. Đến khi sắp sinh họ mới chịu ở nhà. Dù những năm gần đây việc sinh đẻ của người dân an toàn hơn trước, nhưng về lâu dài phải vận động để người dân thay đổi suy nghĩ, phải đến cơ sở y tế sinh đẻ cho đảm bảo an toàn", anh Liên bày tỏ. 

 
Con chữ của yêu thương  
 
Chuyện học ở thôn Quế tuy chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn khó khăn lắm.  Thầy Châu Ngọc Thành là giáo viên (GV) "cắm bản" ở tổ 7, thôn Quế. Trong 6 GV "cắm bản" ở đây, thầy Thành là GV nam duy nhất. Nhà công vụ dành cho GV chật hẹp, tạm bợ, mỗi lần mưa lớn nước dột ướt hết sàn nhà. Một căn phòng chưa đầy 30m2, nhưng các GV nam và nữ ngăn vách ra để ở. Thầy Thành bảo, thời tiết trên này rất lạnh. Mùa đông nhiệt độ khoảng 13 - 14°C. Các thầy, cô giáo đều mong muốn có được phòng ở kiên cố để an tâm giảng dạy.
 
Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng các thầy, cô giáo vẫn luân phiên "cắm bản" ở điểm trường thôn Quế để dạy chữ cho con em đồng bào Cor. Thông thường mỗi GV dạy ở đây khoảng 5 - 6 năm thì được luân chuyển đi nơi khác. Cô Đoàn Thị Tài đã 25 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở vùng cao. Riêng điểm trường thôn Quế, cô Tài đã dạy 6 năm. Ở trường dưới chân ngọn núi Cà Đam tuy còn nhiều thiếu thốn, nhưng cái duy nhất không thiếu là tình yêu thương của thầy, cô giáo dành cho học trò.
 
Cô giáo chăm lo bữa ăn cho học sinh ở thôn Quế.                                    Ảnh: N.VIÊN
Cô giáo chăm lo bữa ăn cho học sinh ở thôn Quế. Ảnh: N.VIÊN
Chuyện học hành của con em thôn Quế thì phụ huynh “khoán trắng” cho GV. Mỗi dịp bước vào năm học mới học sinh (HS) đến trường không cặp sách, không bút vở. Trang phục đi học của HS là những bộ quần áo mặc ở nhà. Thương học trò nên GV đã trích đồng lương ít ỏi của mình để mua dụng cụ học tập cho các em. “Vào năm học mới, phụ huynh thường nhờ GV mua sắm đồ dùng học tập cho con em mình và bảo cuối năm nhận được tiền hỗ trợ cho HS thì họ trả lại. Nói vậy chứ có nhiều người nghèo quá không có tiền trả, mình cũng không nỡ đòi. Chỉ mong các em đi học đầy đủ để chúng tôi khỏi băng rừng vượt núi đến vận động ra lớp là vui lắm rồi!”, cô Tài chia sẻ.
 
Điều kiện ăn ở của thầy, cô giáo và HS ở thôn Quế vốn khó khăn từ nhiều năm nay. Thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn của thầy và trò ở thôn Quế, những năm qua, ngành giáo dục huyện Trà Bồng đã có nhiều hỗ trợ. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Đinh Thị Thu Hương cho biết, trong năm 2022, ngành giáo dục sẽ bố trí kinh phí để xây dựng nhà công vụ cho các GV "cắm bản" ở thôn Quế, giúp các thầy cô có điều kiện ăn ở, sinh hoạt tốt hơn...
 
Trò chuyện với người dân ở thôn Quế, chúng tôi bắt gặp những nụ cười cùng với niềm tin là cuộc sống sẽ ngày càng khá hơn. Những khó khăn rồi từng bước sẽ được giải quyết, cũng giống như trước đây để đến được thôn Quế thì trầy trật lắm vì đường đi đầy sỏi đá, giờ thì có đường bê tông sạch đẹp, và ánh điện cũng đã bừng sáng ở mỗi nóc nhà...
 
Bộ chiêng là tài sản quý  
 
Tuy nghèo, nhưng bao đời nay người dân thôn Quế vẫn gìn giữ những nét đẹp văn hóa. Hầu như gia đình nào có người lớn tuổi đều có bộ cồng chiêng quý, được mang ra đánh vào mỗi dịp tết Ngã rạ, lễ ăn trâu… Định cư dưới chân ngọn núi cao nhất Quảng Ngãi, đường sá xa xôi cách trở, thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống của người dân nhiều lúc túng bấn, nhiều người dưới xuôi thấy người thôn Quế có chiêng quý nên thường xuyên dạm hỏi mua. Nhưng người thôn Quế không bán, bởi họ xem cồng chiêng là hồn cốt của gia đình, của dân tộc mình.  
 
Ngọc Viên
 
 

.