Khắc ghi trang sử bi hùng

09:04, 03/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi một đứa trẻ lớn lên trên quê hương Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) đều biết đến chuyện ba anh hùng liệt sĩ tuổi thiếu niên: Quyên, Bổng, Kẽm và những người con của quê hương hy sinh trong vụ thảm sát ở thôn 2, xã Nghĩa Lâm vào năm 1964. Đây chính là bài học của các thế hệ người dân ở Nghĩa Lâm, để từ đó họ thêm yêu quê hương mình.  
 
Những thiếu niên dũng cảm
 
Cứ đến tháng Tư hằng năm, người dân xã Nghĩa Lâm lại bùi ngùi nhớ lại ký ức đau thương của vụ thảm sát trên quê hương mình. Ông Huỳnh Quang Kích (75 tuổi), nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm, dẫn chúng tôi đến thăm di tích nơi xảy ra vụ thảm sát. Khuôn mặt đầy vết chân chim của người chiến sĩ cách mạng năm xưa không kiềm được nỗi xúc động. Ông Kích nhớ lại: Năm ấy, tôi 14 tuổi, tham gia Đội Công tác xã Nghĩa Lâm. Chị Lê Thị Quyên (15 tuổi) ở thôn 1, còn Nguyễn Bổng và Nguyễn Kẽm (cùng 14 tuổi) là bạn bè cùng thôn 3 với tôi. Ba thiếu niên Quyên, Bổng, Kẽm hằng ngày chăn trâu, thả bò, làm liên lạc cho đội công tác, làm cho địch nhiều phen bị tổn thất nặng nề.  
Mảng tường đắp nổi khắc họa sự kiện lịch sử bi hùng tại Di tích vụ thảm sát thôn 2, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa).           Ảnh: PHƯƠNG LÝ
Mảng tường đắp nổi khắc họa sự kiện lịch sử bi hùng tại Di tích vụ thảm sát thôn 2, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa). Ảnh: PHƯƠNG LÝ
Viên thiếu úy ác ôn khét tiếng, đồn trưởng ở khu vực này đã ra lệnh bắt tất cả các em thiếu niên trong xã mà chúng nghi ngờ làm cơ sở cách mạng về giam tại đồn gò Rừng Lớn ở thôn 2. Mặc cho địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn, các thiếu niên vẫn không khai báo, không khuất phục giặc. Viên thiếu úy đã ra lệnh xử bắn Quyên, Bổng, Kẽm hòng uy hiếp tinh thần của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Nghĩa Lâm. Đúng 16 giờ chiều ngày 3.4.1964, địch dồn người dân trong xã đến sân vận động xã để chứng kiến chúng xử bắn các thiếu niên. Khi địch đọc bản cáo trạng kết tội, các thiếu niên Quyên, Bổng, Kẽm dõng dạc nói: "Chúng tôi không có tội". Tên thiếu úy lệnh cho quân lính trói 3 thiếu niên vào nhau và liên tục xả súng cho đến khi các thiếu niên thịt nát xương tan.
 
Trước tội ác dã man của địch, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Lực lượng đấu tranh chính trị được tổ chức, phần lớn là phụ nữ, thiếu niên kéo lên đồn gò Rừng Lớn đấu tranh, đòi địch bồi thường sinh mạng, thả tự do cho những em còn bị giam giữ, đòi chúng không được bắt bớ người dân. Đúng 19 giờ 30 phút ngày 4.4.1964, khi đoàn biểu tình, đấu tranh chính trị kéo đến sân vận động xã thì bị 3 trung đội địch đồng loạt xả súng, bắn thẳng vào đoàn biểu tình, làm chết tại chỗ 45 người và 150 người khác bị thương.
“Khi đến sân vận động xã thì địch xả súng bắn vào đoàn người biểu tình... Máu của những người hy sinh nhuộm đỏ sân vận động, nhớ lại mà đau lòng!". 
 
Cụ LÊ LỘC (77 tuổi) ở thôn 4, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa).
Chôn chặt nỗi đau
 
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mọi thứ đã đổi thay, riêng nỗi nhớ người thân hy sinh trong vụ thảm sát ở thôn 2 thì vẫn còn mãi. Bà Lương Thị Tượng (84 tuổi), ở thôn 3, xã Nghĩa Lâm mỗi lần nhắc đến con trai nuôi Nguyễn Bổng thì nước mắt giàn giụa. Tuy là con nuôi, nhưng bà Tượng thương Bổng như con đẻ. Tay mân mê tấm bằng Tổ quốc Ghi công của liệt sĩ Nguyễn Bổng, bà Tượng bộc bạch: "Thằng Bổng không có cha mẹ, đi lang thang, tôi đem về nuôi năm nó chừng 6 tuổi. Ngày nó bị bắn, tôi như chết điếng, cứ mong sao đó chỉ là giấc mơ. Mỗi lần nhớ thằng Bổng, tôi lại ra mộ thắp hương". 
 
Bà Tượng kể: Ngày ấy, mỗi buổi sớm mai Bổng lừa bò đi ăn ở núi Đá Sơn, chiều lại trở về nhà. Mỗi lần đi, Bổng đem theo gạo và lương khô để tiếp tế cho cán bộ cách mạng ở trên núi. Gia đình làm nhiều ruộng nên có lúa, tôi bảo con cứ đem gạo cho các anh, hết thì xay tiếp. Buổi sáng hôm đó thằng Bổng chuẩn bị gạo để lừa bò vô núi thì địch ập đến bắt đi. Thằng bé gan dạ, dũng cảm lắm, bị địch dụ dỗ, tra tấn kiểu gì cũng nhất quyết không khai.    
Bà Lương Thị Tượng bùi ngùi nhớ con trai Nguyễn Bổng.               ẢNH: PHƯƠNG LÝ
Bà Lương Thị Tượng bùi ngùi nhớ con trai Nguyễn Bổng. ẢNH: PHƯƠNG LÝ
Ông Lê Đình Chiến nay đã 84 tuổi, ở thôn Canh Mo, xã Sơn Nham (Sơn Hà), cũng nhớ hoài bóng dáng của người em gái Lê Thị Quyên. Ông Chiến đi thoát ly năm 1959, tham gia Đội Công tác xã Nghĩa Lâm, hoạt động ở căn cứ Đá Sơn. Mỗi lần gặp em gái, ông vẫn luôn ngợi khen em gan dạ và dặn dò phải cẩn trọng. "Em Quyên có mái tóc dài, nước da trắng, rất xinh gái. Nó gan dạ lắm. Ngày em bị địch bắn, tôi ở núi Đá Sơn, nghe bà con có mặt ở sân vận động hôm đó kể lại là Quyên không chịu bịt mắt, dõng dạc hét vào mặt kẻ thù. Gia đình tôi rất tự hào về em ấy", ông Chiến bày tỏ. 
 
Cùng đi trong đoàn người biểu tình, đấu tranh chính trị năm ấy có ba anh em ông Lê Lộc ở thôn 4, xã Nghĩa Lâm. Với ông Lộc nay đã 77 tuổi, đau thương ngày ấy vẫn chôn chặt trong ký ức. Ông Lộc kể: Đoàn người biểu tình đi đến đâu là người dân ở đó cùng gia nhập đoàn và hô vang khẩu hiệu "Yêu cầu thả con em vô tội của chúng tôi ra"... Khi đến sân vận động xã, thì địch xả súng bắn vào đoàn người biểu tình, em gái tôi là Lê Thị Nên hy sinh ngày hôm ấy. Trong lúc chạy, tôi rớt xuống hầm, có người khác nằm đè lên người nên may mắn thoát chết. Máu của những người hy sinh nhuộm đỏ sân vận động, nhớ lại mà đau lòng! 
 
Sau vụ thảm sát, để trả nợ nước thù nhà, ông Lộc tham gia làm liên lạc cho Đội Công tác xã Nghĩa Lâm, tham gia du kích địa phương. Biến đau thương thành hành động, người dân xã Nghĩa Lâm quyết tâm tiêu diệt quân thù và Nghĩa Lâm là địa phương đầu tiên ở huyện Tư Nghĩa được giải phóng (năm 1965), trở thành căn cứ địa cách mạng của tỉnh, huyện.
 
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm Lê Văn Bảy cho hay: Địa phương đang phối hợp với đơn vị chức năng của tỉnh làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận Di tích vụ thảm sát thôn 2 là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghĩa Lâm luôn trân trọng quá khứ, biết ơn sự hy sinh của thế hệ cha anh, từ đó xác định trách nhiệm để xây dựng quê hương giàu đẹp.
 
PHƯƠNG LÝ
 

.