(Báo Quảng Ngãi)- Đã bước qua năm thứ 7 kể từ khi hồ chứa thủy điện Đăkđrinh (Sơn Tây) tích nước làm mất con đường vào khu dân cư (KDC) Nước Đốp, thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây), nhưng những lời hứa từ chủ đầu tư và chính quyền với người dân nơi đây đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Khu dân cư Nước Đốp nằm heo hút trên quả đồi bên kia lòng hồ thủy điện Đăkđrinh. Đây là khu vực không nằm trong dự án thủy điện, nhưng người dân Nước Đốp lại bị ảnh hưởng gián tiếp từ công trình này.
Mòn mỏi chờ đường
Chúng tôi đã nhiều lần về Nước Đốp bằng nhiều con đường khác nhau. Lần đầu tiên vào ngày 31.12.2014, sau một ngày thủy điện tích nước đi vào hoạt động, để viết bài "Thủy điện Đăkđrinh tích nước: Nhốt dân trên núi cao". Lúc ấy, chúng tôi thuê ghe, vượt lòng hồ mênh mông với hơn 11 triệu m3 nước. Cả đi và về mất gần 3 tiếng đồng hồ, với giá 500 nghìn đồng.
Người dân khu dân cư Nước Đốp, thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây) tự mở “tuyến đường thủy” vượt lòng hồ thủy điện Đăkđrinh để đi lại. Ảnh: Th.Nhị |
Vào năm 2018, dự án làm tuyến đường này khởi động lại. Tổng chiều dài vẫn thế, nhưng tổng kinh phí tăng lên 30 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí của chủ đầu tư thủy điện Đăkđrinh. Cũng kể từ đây, chính quyền huyện Sơn Tây phải liên tục đi "đòi nợ" để có tiền làm đường. Vậy mà, con đường ấy giờ vẫn dở dang, thậm chí nhiều đoạn còn khó đi hơn ngày đầu tiên tôi vượt lòng hồ, men theo lối mòn để về với người dân vùng cao này.
Mới đây, chúng tôi trở lại Nước Đốp. Một con đường 7,8km giờ mới chỉ làm được khoảng 3,5km đầu tuyến. Đoạn đường quan trọng nhất dài hơn 4km ở cuối tuyến, tức là giáp khu vực dân cư ở thì vẫn ngổn ngang đá hộc, vực sâu, dốc cao. Vì quá khó khăn do không có đường để đi lại, người dân Nước Đốp đã tự lập một bến đò ngay ngã ba thôn tiếp giáp với lòng hồ thủy điện Đăkđrinh và đặt tên gọi là "Bến Ra Manh".
Chúng tôi đến bến Ra Manh, anh Đinh Văn Nghề chèo ghe tưởng khách du lịch đi phượt nên nhiệt tình mời lên ghe ra hồ đi dạo. Anh Nghề bảo: Ghe này là phương tiện đi lại của cả làng, chở keo, chở mì thu hoạch quanh lòng hồ và trên những ngọn đồi nhô lên giữa hồ thủy điện. Chủ đầu tư thủy điện chỉ thu hồi phần đất dưới chân, đỉnh đồi còn lại người dân vẫn trồng keo. Phải bơi qua lòng hồ đi phát cỏ, trồng cây rồi đi cưa, lấy ghe chở vào bờ. Chiếc ghe bé nhỏ, chất được mấy chục cây keo, chèo cả buổi mới vào đến bờ, nhưng không còn cách nào khác.
Đường về khu dân cư Nước Đốp. ẢNH: Th.Nhị |
Điện leo lắt
Bao đời nay, hơn 100 người dân KDC Nước Đốp vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Nhiều năm qua, huyện Sơn Tây đã đầu tư kinh phí để đưa điện về Nước Đốp, song vì nhiều lý do, đến nay công trình vẫn chưa đóng điện.
Người dân khu dân cư Nước Đốp thu hoạch mì, chờ đợi nhiều ngày mới có thương lái đến mua. ẢNH: Th.Nhị |
Vì kéo điện xa, tiền chi phí tự kéo điện về làng lên đến 4 - 5 triệu đồng. Có người phải đi vay nóng để lấy tiền kéo điện. Những đường điện như dây rừng loằng ngoằng mắc vào những cây trụ thực ra là ngọn keo khô đóng xuống đất, thấp lè tè, có đoạn chỉ ngang đầu gối. "Mình biết bắt điện như thế là không được phép, nhưng nhà cần điện lắm rồi mới phải làm vậy. Chỉ mong điện được mang về cho dân trên trụ lớn, dây to để người dân an tâm dùng. Có điện thì đời sống mới bớt khổ", chị Đinh Thị Un bộc bạch.
Việc kéo điện về KDC Nước Đốp khó khăn cũng vì một phần không có đường. Khi triển khai thực hiện đầu tư đường về đây, huyện đã lên kế hoạch thực hiện song song với làm đường. Thế nhưng, dự án đường cứ ì ạch và điện vì thế cũng chậm theo.
Bao giờ lời hứa thành hiện thực?
Hôm chúng tôi về Nước Đốp đúng vào ngày có một chiếc xe tải về thu mua mì cho người dân. Hàng chục hộ dân ở Nước Đốp mừng lắm. Trước Tết mưa lũ triền miên, mì bỏ mặc trên rẫy. Sau Tết, trời nắng ráo, người dân thu hoạch, đóng bao, vác xuống vệ đường, cử người xuống trung tâm huyện lỵ Sơn Tây gọi người lên mua. Hẹn 3 ngày xe mới về. Cả làng ùa ra bốc, xếp mì lên xe, cười nói râm ran. Có nhiều người đã phân chia tiền bán mì ra từng món: Trả tiền điện, mua gạo, cho con tiền xuống huyện đi học nội trú, mua keo giống về trồng... Toàn những khoản chi tiêu thiết yếu của cuộc sống. "May quá là bán được mì, chứ chưa bán được thì mình đi "bốc nóng" về lo cho gia đình chứ biết làm sao", chị Đinh Thị Xang tâm sự.
Người dân khu dân cư Nước Đốp trồng và chăm sóc cây cau. ẢNH: Th.Nhị |
Bây giờ Nước Đốp đang mùa phát rẫy trồng keo. Trên những quả đồi keo lên xanh, từng tốp 5- 10 người miệt mài phát dọn. Ở Nước Đốp người dân vẫn giữ nếp "vần công" như thời xưa. Nhà nào có việc quan trọng, trong làng ai rảnh đều đến giúp. Họ giúp nhau tận tình như thể người trong gia đình. Bởi thế, dù cuộc sống khó khăn, đường giao thông cách trở, điện mãi vẫn chưa về, nhưng không ai bỏ làng đi nơi khác. Điều đặc biệt là làng không có tệ nạn cờ bạc, trộm cắp... Và nhiều năm rồi, họ đã và đang đoàn kết, chia sẻ với mọi khó khăn của chính quyền, của chủ đầu tư thủy điện Đăkđrinh và cùng kiên nhẫn đợi chờ một lời hứa...
Hứa sẽ hoàn thành trong năm 2021
Trả lời chuyện làm đường về Nước Đốp, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tây cho hay: Ban sẽ cố gắng phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thủy điện Đăkđrinh để có nguồn kinh phí hoàn thành trong năm 2021. Còn việc kéo điện, sẽ tích cực phối hợp với ngành điện đôn đốc, khả năng sẽ đóng điện trước ngày 30.4.2021.
|
THANH NHỊ