Tháng Giêng miền tây Trà Bồng

09:03, 02/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Giêng này, tròn 1 năm Tây Trà sáp nhập vào huyện Trà Bồng. Song bao khó khăn vẫn "nằm lại" cùng hơn hai vạn dân phía mặt trời lặn này...
[links()]
Gian nan "hạt gạo tháng Giêng"
 
Tết cổ truyền đầu tiên khi nhập huyện của người dân miền tây Trà Bồng là cái Tết đơn giản. Vào ngày cận Tết, người dân ở từng cụm khu dân cư góp thực phẩm nấu một nồi bánh tét chung, rồi phá cỗ với nhau từ chiều đến nửa đêm. Rồi, Tết cũng đi qua... 
 
Bây giờ, ở Trà Phong đang mùa lúa nước lên xanh, thỉnh thoảng đâu đó vẫn còn những thửa ruộng giờ mới bắt đầu cấy. Cuộc mưu sinh lại bắt đầu.  
Đường lên miền tây Trà Bồng thưa vắng người.                     Ảnh: Th.Nhị
Đường lên miền tây Trà Bồng thưa vắng người. Ảnh: Th.Nhị
Chúng tôi về vùng tái định cư hồ chứa nước Nước Trong thuộc thôn Hà Riềng, xã Trà Phong. Trưa mùng 10 tháng Giêng, trai tráng tụ họp dưới gốc cây ké đầu làng hỏi thăm nhau khi nào công trình thủy điện Trà Phong mới ra quân đầu năm để xin vào làm. Phụ nữ làng này xưa làm nhân viên phục vụ quán ăn, khi nhập huyện, quán dời về Trà Bồng, họ mất việc, giờ làm đủ nghề, từ phát keo, hái rau rừng, bắt ốc... nhưng thu nhập vẫn không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Chị Hồ Thị Đang, ở thôn Hà Riềng, than thở: “Nhà mình có mấy mảnh ruộng thì bị thu hồi làm hồ chứa nước Nước Trong gần hết. Số diện tích còn lại nay nước hồ dâng cao đã ngập úng hết rồi. Nước dâng ngập chết hết cả lồ ô. Mọi năm, giờ này bán lồ ô được vài chục triệu đồng, đủ trang trải đến khi lúa chín. Còn nay, không còn ruộng, không có lồ ô, không có ai kêu đi làm, chưa biết lấy gạo đâu mà ăn". Ở Hà Riềng, gần 100 hộ dân có hoàn cảnh giống chị Đang. 
 
Tháng Giêng, miền tây Trà Bồng đang vào mùa thu hoạch đót. Khắp các nẻo đường, trong sân trường học, khu đất trống, dưới triền sông, đót phơi la liệt. Đót được mùa, nhưng giá lại chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Rừng đang mất dần, vì thế người làng phải vào tận rừng xa mới hái được đót. Từ sáng sớm đến chiều tối, người giỏi lắm cũng chỉ hái được khoảng vài chục ký, thu nhập 100.000 - 200.000 đồng. Vì thế, những đứa trẻ lại miệt mài theo cha mẹ đi hái đót quên cả đến trường. Ngày đầu tiên ra lớp sau Tết, Trường Tiểu học Trà Phong vắng 45 em, còn các trường tiểu học ở Sơn Trà, Hương Trà, Trà Tây bình quân vắng từ 20 - 40 em.
 
Hai cây chủ lực của người dân miền tây Trà Bồng là lô ô và keo, hiện nay thương lái vẫn chưa lên thu mua. Dọc các ngả đường về xã Sơn Trà (xã Trà Quân và Trà Khê cũ), lồ ô được người dân thu hoạch, chất thành từng đống. "Mình lên rẫy chặt lồ ô 3 ngày nay, vác xuống đường, chất sẵn, nhưng chưa thấy có người đến mua. Giờ này mấy năm trước, họ đi hỏi mua lồ ô nhiều lắm, giá đến 10 nghìn đồng mỗi cây. Mấy hôm nay phải mua gạo thiếu nợ rồi", anh Hồ Văn Quây, ở thôn Trà Suông, xã Sơn Trà cho biết. Còn keo, hiện nay, giá thu mua chỉ 700 nghìn đồng/tấn, nhưng nếu keo đổ ngã do bão số 9 năm 2020 mà còn non và khô thì hầu như không bán được.
 
Trụ sở bắt đầu xuống cấp
 
Khi sáp nhập huyện Tây Trà về Trà Bồng, toàn bộ trụ sở của cơ quan cấp huyện, kể cả nhà công vụ, trung tâm văn hóa huyện đến nay mặc dù đã có kế hoạch bàn giao cho các đơn vị mới tiếp quản, sử dụng, nhưng thực tế vẫn không sử dụng hết. Trụ sở Huyện ủy Tây Trà cũ bàn giao cho xã Trà Phong, nhưng các phòng ban ở xã ít hơn, nên nhiều phòng không sử dụng. Hiện tại, trụ sở xã Trà Phong đã được giao cho Trường Tiểu học Trà Phong, nhưng xét về công năng dùng cho trường học thì lại vừa thừa, vừa thiếu. Trụ sở Công an huyện Tây Trà cũ giao cho cơ quan quân sự, công an xã Trà Phong, nhưng với phòng rộng thênh thang, mà biên chế của hai cơ quan mới tiếp nhận này thì quá ít ỏi. Hơn nữa, đặc thù quân sự, công an lại hay đi cơ sở, nên hầu hết các phòng vẫn đóng cửa im ỉm.
“Đảng, chính quyền, cấp trên cần tiếp tục quan tâm đến đời sống người dân nơi đây; chỉ bảo, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế để thoát nghèo. Mọi việc dở dang cứ tiếp tục làm, nhất là các công trình làm đường, cầu, chuyện học hành của con trẻ".
Già làng HỒ VĂN BÊNH, ở Làng Gấm, thôn Trà Ong, xã Sơn Trà.
Sau khi nhập huyện, nhiều xã ở huyện Tây Trà cũ cũng sáp nhập. Hai xã Trà Lãnh và Trà Nham nhập thành Hương Trà; Trà Thọ và Trà Trung thành Trà Tây; Trà Quân và Trà Khê thành Sơn Trà. Vì thế, lại có thêm 3 trung tâm hành chính xã cũ thừa ra là Trà Quân, Trà Nham và Trà Trung. Ngoài thừa trụ sở, tại huyện Tây Trà cũ hiện còn có nhiều điểm trường mầm non mới xây dựng, nhưng không sử dụng do không có học sinh theo học. Đơn cử như ở xã Sơn Trà, có 2 điểm trường mầm non đóng cửa là ở tổ 5 thôn Trà Suông và tổ 9 thôn Trà Ong; xã Trà Tây 2 điểm và Hương Trà 1 điểm.
 
Đêm, chúng tôi ở lại trung tâm xã Trà Phong. Dọc tuyến đường chỉ có hàng đèn điện chiếu sáng. Khu nhà công vụ một thuở là nơi chúng tôi ở trong những chuyến công tác về Tây Trà không một ánh đèn hắt ra. Cửa và các bức vách bắt đầu rệu rã, vì thiếu vắng hơi người đã tròn năm. Sau bữa cơm tối, anh Thanh - người từ huyện Ba Tơ lên Trà Phong buôn bán 6 năm, giờ chưa thể trở về quê được vì con gái đang học lớp 12 ở Trường THPT Tây Trà, phải chờ đến khi con gái tốt nghiệp. Anh Thanh bảo đang rao bán mảnh đất và căn nhà tạm hồi mua 160 triệu đồng, giờ bán 60 triệu đồng mà chưa có ai mua.
 
Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ
 
Huyện Tây Trà thành lập vào tháng 1.2004 và 16 năm sau, vào tháng 1.2020, huyện này lại có quyết định sáp nhập vào huyện Trà Bồng. Chặng đường dài 16 năm ấy, người dân nơi đây đã quen với việc đến trung tâm huyện lỵ giải quyết các thủ tục hành chính, đến bệnh viện huyện để khám, điều trị bệnh. Bây giờ, dẫu có tổ công tác tiếp nhận thủ tục để mang về huyện Trà Bồng giải quyết, có cán bộ y tế trực đón tiếp người bệnh tại bệnh viện... nhưng thực tế vẫn khác rất nhiều so với ngày chưa sáp nhập.  
Trẻ em xã Sơn Trà đi học phải mang theo cặp lồng cơm.                               Ảnh: Th.Nhị
Trẻ em xã Sơn Trà đi học phải mang theo cặp lồng cơm. Ảnh: Th.Nhị
Từ ngày nhập về Trà Bồng, người dân đến khám bệnh ở phòng khám đặt tại xã Trà Phong chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không phải vì người dân ở đây đã giảm bớt bệnh tật mà bởi một lý do khác. "Mình ở tận thôn Đông, xã Sơn Trà, về đến phòng khám ở Trà Phong đi xe máy mất cả buổi. Cán bộ y tế khám bảo mình về tận Trà Bồng, mình đi không nổi đâu. Mình quay về trạm y tế xã để xin thuốc uống cũng được", bà Hồ Thị Lai phân trần.
 
Theo người dân miền tây Trà Bồng, từ ngày nhập huyện, nhiều công trình, dự án thi công dở dang cũng dừng lại. Nhiều con đường đào ra rồi để đấy, nhiều tháng trời không làm gì cả. Chúng tôi được anh Hồ Văn Định, ở thôn Trà Liên, xã Hương Trà đưa đến công trường thi công cầu dầm Trà Lãnh, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình triển khai từ năm 2019, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trước ngày 15.3.2021. Tuy nhiên, hiện công trình mới chỉ hạ độ cao, thi công một số hạng mục phụ. Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Thái cho biết: Do mưa bão nên thi công chậm, sẽ gia hạn thời gian hoàn thành vào 30.5.2021. Tương tự, công trình nâng cấp, mở rộng đường giao thông từ trung tâm Trà Quân cũ đi Làng Gấm, nhiều tháng qua thi công cầm chừng, sau Tết vẫn chưa thi công trở lại...
 
THANH NHỊ
 
 
 
 
 

.