Nơi sông thao thiết, biển thầm thì

03:02, 05/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bao đời, ngư dân nơi làng chài Hải Tân, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) nằm cạnh biển, giáp sông lênh đênh trên sóng nước mưu sinh. Họ luôn sẻ chia niềm vui khi tàu cập bến cá đầy khoang và "dìu" nhau qua nguy nan ngày giông bão.
 
Chuyện từ trăm năm
 
Sớm mai, bến cá Mỹ Á, phường Phổ Quang nhộn nhịp tàu cá cập bờ bán hải sản sau chuyến vươn khơi. Trên bến dưới thuyền râm ran tiếng nói cười, ngã giá bán - mua. Lúc ngơi tay, nhiều người nhìn về phía lăng thờ thần Nam Hải cạnh cửa biển, nơi rất đỗi thiêng liêng đối với cư dân vạn chài. Những bậc cao niên tỏ vẻ tôn kính khi kể về lăng thờ. Hàng trăm năm trước, lăng được xây dựng trên đỉnh núi Một hướng ra Biển Đông đêm ngày cuộn sóng. Sự bào mòn bởi thời gian khiến lăng hư hại trước bao ánh mắt xót xa. Mọi người góp công sức và tiền của xây dựng lăng mới nằm cạnh cửa biển bốn mùa lộng gió. 
Tàu cá của ngư dân Hải Tân vươn khơi.  ẢNH: TRANG THY
Tàu cá của ngư dân Hải Tân vươn khơi. ẢNH: TRANG THY
Cạnh lăng là làng chài Hải Tân (giờ đổi thành tổ dân phố Hải Tân) với những ngư dân can trường lênh đênh trên sóng nước mưu sinh. Phía nam và đông - nam là dòng sông Thoa uốn lượn, đông - bắc là biển cả đêm ngày sóng vỗ. Sông gom nước đôi miền xuôi - ngược chảy về hạ nguồn hòa cùng dòng Trà Câu, Lò Bó và sông Trường trước khi ra biển qua cửa Mỹ Á. Triều lên, nước ngược - xuôi như thao thiết xóm làng cùng bờ bãi, dùng dằng không muốn chảy. Đêm ngày, rặng thùy dương vi vu với gió hòa cùng lời thầm thì của biển và bờ. 
 
Người già cho rằng, tổ tiên theo chân chúa Nguyễn vào khai phá đất phương Nam thuở trước. Trên hành trình Nam tiến, tiền nhân chọn nơi đây lập làng, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá tôm. Họ luôn nhắc nhở cháu con "đánh bắt phải giữ gìn để mai mốt có cá mà ăn". "Chúng tôi luôn nhắc nhở bạn chài bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không đánh bắt hủy diệt làm cạn kiệt cá tôm. Nhưng ngư dân nơi khác đánh thuốc nổ, kéo lưới giã cào nên hải sản ngày càng giảm", Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phổ Quang Võ Xuân Cẩm than thở.
 
Thuở xưa, ngư dân nơi đây làm chà cho cá chui vào trú ngụ giữa sóng nước. Họ cuốc bộ hàng chục cây số tìm mua tre đằng ngà rồi khiêng về làng. Những ngày sau, họ rong ruổi trên đường xa thăm thẳm đến vùng núi đồi phía tây cắt nhánh và lá chà là, đồng đình rồi bó tròn, gánh nặng oằn vai. Họ vượt sông Thoa sang núi Cửa cạy những tảng đá lớn rồi khiêng xuống thuyền chở về nhà. Tre to được cưa làm đôi, đục lỗ hai đầu, tre nhỏ dùng chẻ lạt rồi bện thành dây thừng khá chắc chắn. Thân và lá chà là, đồng đình mang về phơi nắng 3 ngày rồi cột thành từng chùm lớn.
 
Ngày biển lặng, họ đưa các thứ lên thuyền rồi chèo đến bãi rạn với những tảng đá to bằng căn nhà nằm cạnh nhau dưới đáy biển. Những chùm thân và lá chà là, đồng đình được cột vào dây thừng, khung chà tựa mái tháp cổ với phần đỉnh hướng vào lòng biển khi thả xuống làn nước xanh thẳm. Khối đá lớn nối với dây thừng được thả vào làn nước, nằm trong khe hở giữa bãi rạn. Đầu dây còn lại nối với hai khúc tre neo giữ khung chà khỏi trôi dạt trên biển. "Cá tôm vào chà nhiều lắm. Đêm tối ra gần đó chong đèn thì chúng bơi đến quanh tàu. Ngư dân buông lưới đánh bắt rồi vào bờ khi cá còn tươi rói. Nhiều con ở chà lâu ngày rất khôn, không bị dụ bởi ánh sáng nên khó bắt. Chính những con đó rủ rê cá tôm vào chà”, lão ngư Nguyễn Xết - Trưởng vạn chài Hải Tân hào hứng kể.
 
Sau này, việc làm chà không vất vả như thuở cha ông. Ngư dân dùng bao ni lông màu xanh thay cho thân và lá chà là, đồng đình. Thừng tre ngày trước được thay thế bằng sợi dây ni lông chắc chắn hiện diện ở chợ quê. Lão ngư Võ Xuân Cẩm cũng thả chà cho cá tôm trú ngụ và bị cuồng phong xô đẩy tả tơi. Ông cùng bạn chài làm những dàn chà đơn sơ hơn trước. Họ cột dây vào đá và thả xuống ghềnh sâu, đầu còn lại buộc với phao báo hiệu bập bềnh trên sóng. Những chùm bao ni lông, cây lá um tùm được buộc vào dây lửng lơ trong làn nước xanh biêng biếc. Rồi tàu cá kéo lưới giã cào như hung thần cuốn phăng những dàn chà bao công sức gầy dựng. "Tàu giã cào phá chà, kéo rách nát lưới của ngư dân thả trên biển. Cá tôm nhỏ xíu cũng bị họ đánh bắt. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm ngăn chặn để bảo vệ nguồn thủy sản gần bờ", ông Cẩm bày tỏ.
Hải Tân hiện có 860 hộ dân với trên 150 tàu cá. Năm 2020, ngư dân khai thác hơn 4.000 tấn hải sản. "Hầu hết dân ở đây sống phụ thuộc vào việc đánh bắt cá. Ngư dân ở đây đoàn kết, thành lập tổ, đội để giúp đỡ nhau khi hành nghề trên biển...", bà Nguyễn Thị Kim Chung - Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Hải Tân cho biết.
"Dìu" nhau qua nguy nan
 
Trên biển khơi, tàu cá tựa chiếc lá mỏng manh giữa muôn trùng sóng nước. Những ngư dân can trường nhọc nhằn buông - kéo lưới, hiểm nguy chực chờ. Bao lần, họ đối diện với cuồng phong, tàu cá ngả nghiêng giữa sóng dữ gầm gào. Giữa lúc thập tử nhất sinh, những ngư dân dạn dày sóng gió cùng tàu cá lao đến giúp người bị nạn, đưa nhau vào bờ. Nghĩa cử cao đẹp của họ dệt nên câu chuyện thấm đẫm tình người.  
Mua bán hải sản tại bến cá Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ).           ẢNH: TRANG THY
Mua bán hải sản tại bến cá Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ). ẢNH: TRANG THY
Những "hiệp sĩ" giữa đời thường bình dị như bao người ở làng chài ngày ngắm sông trôi - đêm nghe sóng vỗ. "Cứu vớt tàu bị đắm và ngư dân gặp nạn là việc bình thường ở nơi đây. Ở trên biển thì có đàn ông, còn gần bờ thì đàn bà cũng tham gia. Khi nghe tin tàu cá gặp nạn mọi người cùng chung tay giúp đỡ. Trong đó, có nhiều người hay tham gia như thằng Dương chẳng hạn. Do ráng sức bơi lặn cứu giúp mà tai trái nó điếc đặc luôn...", ông Xết cho biết.
 
"Thằng Dương" mà ông Xết nhắc đến là ngư dân Nguyễn Dương với gần 40 năm lênh đênh trên sóng nước mưu sinh. Ngày nọ, anh lai dắt tàu cá của ngư dân bị mắc cạn tại cửa biển Mỹ Á thì sóng lớn đẩy tàu anh va vào đá ngầm và nhấn chìm. Nhiều giờ liền, anh lặn ngụp dưới làn nước lạnh buốt nối dây cáp giữa tàu chìm và những tàu cứu hộ. Rồi hai tàu cá tả tơi cũng được kéo về bến. Chủ tàu cá bị nạn mang gần 50 triệu đồng đến nhà, nhưng anh nhất quyết "giúp nhau gặp xui rủi thì cùng chịu, không đền bù gì cả". "Nghe ngư dân gặp nạn là nó đến cứu giúp dù phải bỏ chuyến biển. Thương tính thật thà và hay giúp người nên ngư dân bầu nó vào Ban vạn chài Hải Tân và thành viên Ban chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang", ông Cẩm chia sẻ.
 
TRANG THY
 
 
 

.