(Báo Quảng Ngãi)- Dù biết sử dụng súng để săn bắn thú rừng là sai, nhưng nhiều người dân ở các xã vùng cao huyện Sơn Tây vẫn lén lút mua dùng. Qua công tác tuyên truyền, vận động của lực lượng công an, chính quyền địa phương, nhiều người dân, nhất là đồng bào Ca Dong đã tự nguyện giao nộp hàng trăm khẩu súng săn, vật liệu nổ nguy hiểm.
Hành trình gian nan
Một chiều đầu thu, tôi cùng Trung tá Đinh Xuân Dương, Đội trưởng Đội Cảnh sát về Quản lý hành chính và Trật tự xã hội (Công an huyện Sơn Tây) thu xếp tư trang cùng đồng đội lên xe về thôn Đăk Panh, xã Sơn Màu để vận động người dân nộp súng săn. Sau gần 1 giờ đồng hồ di chuyển, suối Nước Màu và thung lũng lúa rẫy bậc thang hiện ra, với một khung cảnh thơ mộng trong buổi chiều tà. Trung tá Đinh Xuân Dương chia sẻ: Đi ban ngày dễ hơn, nhưng đến nơi không có ai ngồi nghe mình tuyên truyền cả, vì người dân bận đi rẫy hết, nên chỉ khi đêm xuống thì tuyên truyền mới hiệu quả.
Thanh niên Ca Dong nghe lực lượng chức năng tuyên tuyền về việc giao nộp súng săn. ẢNH: LÊ ĐỨC |
Ánh đèn xe bật lên, phía xa một tấm biển chỉ đường: “Sơn Tinh 12km - Đăk Panh 3km”. Hành trình như thử thách lòng người khi nền trời tối sầm lại, mưa xối xả. Trong ánh đèn xe le lói giữa bốn bề rừng núi, anh Dương xốc tinh thần đồng đội: “Cố lên các đồng chí. Đi quãng nữa là tới thôi”. Và rồi Đăk Panh cũng hiện ra khi mọi người đã ướt sũng, dính đầy bùn đất và rệu rã vì đói.
Đợi đón đoàn ở đầu làng, anh Đinh Văn Hôn, công an viên thôn nhìn đồng hồ bảo: Chờ các anh lâu quá, biết trời mưa đường đi khó nên em nói người dân về nghỉ, sáng mai không lên rẫy mà tập trung về nhà văn hóa thôn để nghe tuyên truyền. Mọi người về nhà em ăn tạm miếng cơm, trải chiếu ra nhà sàn nghỉ lấy sức mai làm việc với bà con.
“Cùng với vận động, thuyết phục, cán bộ Công an huyện còn kiên quyết xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Khi người dân nhận thức tốt và tự nguyện giao nộp súng sẽ góp phần ổn định tình an ninh trật tự tại địa phương và sự bình yên ở vùng cao”.
Trung tá
ĐINH XUÂN DƯƠNG
|
Những chiến công thầm lặng
Sáng tinh mơ, sương mù còn bao phủ căn nhà sàn, anh Hôn đánh thức mọi người dậy. Không khí trong lành của mảnh đất vùng cao đã xua tan bao khó nhọc trên hành trình ngược núi đêm qua. Thấp thoáng trong tiếng gà gáy là tiếng kẻng từ vỏ mảnh bom còn sót lại trong chiến tranh vang lên từng hồi: “Chú thôn trưởng đánh kẻng báo hiệu để gọi bà con về họp”, anh Hôn giải thích.
Tận dụng khoảng sân nhà của một hộ dân làm nơi tuyên truyền. Sau hơn 1 giờ nghe tuyên truyền, một số thanh niên bỗng dưng đứng dậy đi thẳng ra sân rồ ga xe máy phóng đi. Chúng tôi còn chưa hiểu chuyện gì thì già làng Đinh Văn Tô bảo: Mấy thanh niên đó chắc “thấm” rồi nên về nhà lấy súng ra giao nộp.
Hơn 10 phút sau, một thanh niên chạy xe máy đến, phía sau lưng là khẩu súng hơi dài tầm 1,2m, tay lái nài theo túi nilon chứa hàng chục viên đạn. Đó là Đinh Văn Tro, ở xóm A Ghẻ. Trước ánh mắt ngơ ngác của nhiều người, anh Tro xuống xe mang khẩu súng vào trực tiếp trao tận tay cho Trung tá Đinh Xuân Dương.
Hàng chục khẩu súng săn có độ sát thương lớn được người dân tự nguyện giao nộp đang lưu giữ ở Công an huyện Sơn Tây chờ tiêu hủy. |
Trước đó, qua thông tin trên mạng, anh Tro tìm mua để phục vụ việc săn bắn thú rừng và bảo vệ rẫy hoa màu. “Do thú rừng thường phá rẫy, các biện pháp thủ công xua đuổi không hiệu quả, nên em mua súng để bảo vệ. Nghe các anh tuyên truyền, em biết việc mình sử dụng súng là sai, vì thế tình nguyện giao nộp và hứa sẽ không sử dụng súng nữa”, anh Tro cho hay.
Không chỉ anh Tro, mà sau buổi tuyên truyền, hai người dân khác ở thôn Đăk Panh cũng tự nguyện về nhà lấy súng mang đến giao nộp. Già làng Đinh Văn Tô cho biết: Người dân miền núi thường sử dụng súng để săn bắt. Mình vận động, tuyên truyền, nhưng có người vẫn lờ đi. “Sử dụng súng rất nguy hiểm, nhất là sau khi rượu vào lời ra, không làm chủ được bản thân thì dễ sinh chuyện không hay. Bà con ai đang sử dụng súng thì tự nguyện giao nộp”, già Tô nói rõ to giữa buổi tuyên truyền.
Còn tại xã Sơn Liên, sau khi được Công an huyện xuống tận thôn vận động, tuyên truyền, anh Đinh Văn Thái, ở thôn Nước Vương, đã tự giác về nhà lấy súng (được một người thân tặng cho khẩu súng để đi săn thú rừng-PV) mang ra UBND xã giao nộp. "Nhiều lúc em định mang súng đi nộp cho công an, nhưng em sợ bị bắt hay phạt hành chính nên em cất trong nhà. Hôm rồi các anh công an xuống thôn vận động, em mới hiểu chuyện. Thế nên, ai đang có ý định giao nộp súng thì mang ra công an nộp chứ không có chuyện gì cả", anh Thái nói.
Vì cuộc sống bình yên
Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền để người dân tự nguyện giao nộp vũ khí trái phép, Công an huyện Sơn Tây còn đẩy mạnh công tác đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là các trường hợp cố tình sử dụng súng trái phép, không tự nguyện giao nộp dù đã được vận động giải thích.
Anh Đinh Văn Tro tự nguyện giao nộp súng cho công an. |
Một ngày giáp tết Canh Tý, trong lúc tuần tra trên tuyến đường liên xã, lực lượng công an phát hiện một trường hợp khả nghi sử dụng súng để săn bắn. Qua kiểm tra, bên trong bao cần câu cá, một khẩu súng hơi còn mới toanh, 1 ống bơm hơi, 1 con dao và 59 viên đạn chì. Làm việc với công an, người này khai tên Đinh Văn Lý, thôn Nước Vương, xã Sơn Liên. Trước đó, để có “hàng” đi săn thú rừng, Lý lên mạng tìm hiểu và đặt mua khẩu súng hơi hiệu Airforce Aiguns, model R1201, với giá 6 triệu đồng.
Trung tá Đinh Xuân Dương cho biết: Không chỉ đấu tranh trực tiếp mà nhiều trường hợp để phá án, lực lượng công an phải bám trụ ở từng điểm nóng, nắm tình hình. Lắng nghe tâm tư của người dân và cả các câu chuyện lúc trà dư tửu hậu. Như trường hợp Đinh Văn Đoàn ở xã Sơn Tinh, qua thông tin người dân cung cấp Đoàn đang mua súng để đi săn và sau 4 tháng đã mua được 1/2 khẩu súng. Phần còn lại đang trên đường vận chuyển về... qua đường bưu điện.
“Khi bưu điện thông tin có kiện hàng được gửi về, chúng tôi bố trí trinh sát tại bưu điện. Song, mặt hàng là ống ngắm nên có đôi chút do dự, vì nếu khui ra mà không phải ống ngắm dùng cho súng mà loại ống dòm thì không ổn. Bằng nghiệp vụ chúng tôi đã buộc Đoàn khui kiện hàng và bên trong là ống ngắm, một bộ phận của khẩu súng. Qua đấu tranh Đoàn khai, đặt mua hàng qua mạng... từng bộ phận, chia làm nhiều lần gửi để qua mặt cơ quan chức năng và ống ngắm là lô hàng cuối cùng. Sau đó, Đoàn khai nơi cất giữ các bộ phận còn lại”, Trung tá Dương kể.
Với người dân vùng cao, súng săn là vật có giá trị, vì thế dù biết việc sử dụng súng là sai nhưng nhiều người không muốn giao nộp. Do đó, công tác nắm địa bàn, phối hợp giữa công an địa bàn, chính quyền xã và cán bộ thôn, già làng để vận động nhân dân được xem là giải pháp tốt nhất trong cuộc chiến “săn” súng săn. Nhờ làm tốt công tác dân vận, từ đầu năm đến nay, Công an huyện Sơn Tây đã thu hồi trên 70 vũ khí các loại.
"Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về tổng kiểm tra, mở các đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, lực lượng Công an huyện xác định việc nâng cao nhận thức, giúp bà con hiểu thấu đáo về chủ trương thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và tự nguyện giao nộp là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục", Trung tá Đinh Xuân Dương nhấn mạnh.
LÊ ĐỨC