Quay quắt Phổ Cường

06:08, 13/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những cánh đồng khô hạn phơi mình dưới nắng chói chang. Hàng trăm giếng nước cạn trơ đáy khiến người dân "đứng ngồi không yên". Xóm làng vắng vẻ, vì nhiều người rời quê mưu sinh phương xa. Nỗi nhớ quay quắt hiện lên trên gương mặt, ẩn chứa trong tiếng thở dài nghe não lòng...
Giếng cạn, đồng khô
 
Những ngày này, xóm làng ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) chìm trong nắng chói chang. Nóng như nung giữa trưa, dù đang là những ngày cuối mùa hè. Đàn gà choai nằm dưới bóng râm há mỏ thở dốc. Nhiều người tụ tập bên giếng khoan công cộng ở khu dân cư 8, thôn Mỹ Trang, chờ đến lượt lấy nước mang về sinh hoạt trong gia đình.
 
Quệt tay áo lau mồ hôi trên trán, bà Võ Thị Xuân than thở: "Nhà chỉ còn hai vợ chồng già, nhưng mỗi bữa phải cưỡi xe đạp chở bốn bận được chừng 60 lít nước. Bấy nhiêu đó dùng dè sẻn chứ không dám lấy thêm, vì phải để dành cho người khác. Ở xóm đây có trăm mấy nhà thiếu nước uống, chỉ trông chờ vào cái giếng này. Nhiều người ở nơi khác đến đây lấy nước, chứ giếng nhà họ cũng cạn trơ đáy. Mong sao Nhà nước xây dựng nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho người dân chúng tôi bớt khổ". 
 
Ruộng đồng ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) bỏ hoang vì không có nước tưới.
Ruộng đồng ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ) bỏ hoang vì không có nước tưới.
 
Năm nào cũng vậy, cứ mùa khô đến là hàng trăm hộ dân ở nơi đây "đứng ngồi không yên", vì giếng nước cạn khô. Họ phải đến nơi khác xin từng xô nước về dùng hằng ngày. Năm 2019, chính quyền xã Phổ Cường đầu tư 35 triệu đồng khoan giếng nước trong niềm hân hoan của bao người. Xóm làng chung sức đóng góp kinh phí lắp đặt giá đỡ và mua bồn chứa gắn trên cao để thuận tiện lấy nước. Nhờ vậy, họ đỡ phải đi xa như trước.
 
"Từ ngày có giếng ở đây người dân chúng tôi đỡ cực chứ lúc trước vất vả lắm. Người dân đến đây lấy nước rồi còn chở đến cho những người già neo đơn trong xóm. Mong trời mưa xuống, chứ nắng miết sợ giếng  cũng đứt mạch nước luôn...", ông Trịnh Bờ tâm sự.
 
Phổ Cường được ví là "rốn hạn" của TX.Đức Phổ. Đến thời điểm này, tất thảy có hơn 400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, vì giếng cạn trơ đáy. Số hộ thiếu nước đang tăng dần, trong khi nắng nóng chưa có dấu hiệu dừng lại. Chính quyền xã đề nghị cấp trên bơm nước từ các hồ chứa về địa bàn cho người dân có nước dùng hằng ngày. Nhưng lượng nước quá ít vì nhiều hồ đã cạn khô, nên "chẳng thấm vào đâu".
 
Nhiều người thuê thợ khoan giếng với mức giá hàng chục triệu đồng. "Thôn Bàn Thạch chỉ có 280 hộ dân, nhưng có đến 22 người thuê khoan giếng với giá từ 30 triệu đồng trở lên, còn khoan vài triệu thì nhiều lắm, không nhớ hết. Cuộc sống khó khăn, nhưng không có nước đành phải bỏ tiền khoan giếng chứ biết sao được!", Trưởng thôn Bàn Thạch Lê Đình Trứ thông tin. 
 
Ông Võ Cương trên thửa ruộng nứt nẻ vì thiếu nước.
Ông Võ Cương trên thửa ruộng nứt nẻ vì thiếu nước.
 
Phổ Cường với những cánh đồng rộng mênh mông, nhưng do khô hạn, nên vụ hè  thu 2020 gần 800ha ruộng phải bỏ hoang vì không có nước tưới.  Nhiều cánh đồng phơi mình dưới nắng chói chang. Cỏ dại héo khô trên nền ruộng bạc màu. Nông dân thở dài ngao ngán. Hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh khó khăn vì không thể sản xuất.
 
"Gặp vụ thuận lợi thì 10 sào ruộng tôi thu được hơn 70 bao lúa. Giờ không có nước đành bỏ hoang. Con gái tôi vào Sài Gòn mưu sinh chứ ở quê biết làm gì ra tiền để sinh sống!", ông Phạm Trĩ tâm sự. "Vụ này, nông dân trong xã chỉ gieo sạ hơn 70 ha lúa nên cuộc sống hết sức khó khăn. Nhưng điều đáng ngại nhất là thiếu nước sinh hoạt và nước uống cho đàn gia súc, gia cầm. Chúng tôi đang khảo sát và đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí khoan thêm 7 giếng nước cung cấp cho nhân dân...", Chủ tịch UBND xã Phổ Cường Võ Cương cho biết.
 
Làng quê vắng người trẻ
 
Phổ Cường có gần 7.400 người rời quê, chiếm non nửa dân số của xã, để tìm kế mưu sinh với việc bán hủ tiếu gõ, làm thuê, bán vé số... ở chốn thị thành. Số người rời làng tăng dần khi nắng hạn kéo dài. Trong đó, hầu hết là những người trong độ tuổi lao động. Làng quê bị "rỗng ruột" với nhiều căn nhà vắng chủ, cỏ dại mọc đầy vườn. Khi có người qua đời, phải dăm ba xóm mới đủ người khỏe mạnh ghé vai khiêng quan tài ra nghĩa trang. Vậy nên, nơi đây được mệnh danh là vùng quê tha hương.
 
"Ở quê mùa vụ bấp bênh, nên nhiều người phải ra đi với hy vọng thoát nghèo. Những đồng tiền kiếm được từ sự nhọc nhằn mưu sinh phương xa giúp họ có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, lo cho con em đến trường và góp phần xây dựng quê hương", ông Cương cho hay. 
 
Hằng ngày, ông Trịnh Bờ phải đi lấy nước ở giếng khoan do xã đầu tư, để chở về nhà sử dụng.
Hằng ngày, ông Trịnh Bờ phải đi lấy nước ở giếng khoan do xã đầu tư, để chở về nhà sử dụng.

 

Ở vùng "rốn hạn" này có vợ chồng ông Nguyễn Mười nhiều năm mòn mỏi ngóng trông con. Cả 4 người con của ông đang mưu sinh tại những tỉnh, thành phía Nam với việc bán hủ tiếu và thợ điện dân dụng. Thỉnh thoảng, con của ông bà về quê đưa cha mẹ vào thành phố khám bệnh và thăm con cháu cho đỡ nhớ. 

"Tụi nó phải vào trong đó kiếm tiền chứ ở quê không có việc làm. Nhà chỉ có vài sào ruộng, nhưng không có nước đành bỏ hoang. Nhớ con, nhớ cháu lắm, nhưng đành chịu chứ biết làm sao bây giờ!", ông Mười tâm sự mà đôi mắt đượm buồn nhìn ra ngõ, nơi chỉ còn vài bụi cây héo rũ trong nắng chói chang.

 

Nỗi lòng tha hương
 
Mưa chiều dịu mát đất trời sau những ngày nắng oi ả. Vắng khách ăn hủ tiếu, anh Trần Ngọc Giàu thẫn thờ nhìn mưa rơi, lòng dậy lên nỗi nhớ nhà da diết. Quê anh ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, cách nơi mưu sinh hàng nghìn cây số.
 
Cứ tầm 4 giờ sáng, anh cưỡi xe máy đến chợ cách phòng trọ hơn 4km để mua thực phẩm rồi về nấu nướng bán cho khách buổi sớm mai. Khoảng 9 giờ anh lại đến chợ rồi trở về bận rộn chế biến để bán đến 11 giờ đêm. Vợ anh cũng khá vất vả khi chăm sóc con nhỏ và phụ giúp chồng những việc lặt vặt.
 
Thấy đôi vợ chồng trẻ vất vả nhưng luôn tươi cười, nhiều người ở xã An Sơn (TX.Thuận An, Bình Dương) rất quý mến, đến ăn hủ tiếu và động viên anh chị vượt qua khó khăn.
 
"Lúc đông khách dẫu có mệt, nhưng mà vui. Vắng khách buồn lắm, đầu óc nghĩ ngợi lung tung. Khi ấy nhớ nhà nhưng không về được. Ở quê cuộc sống khó khăn nên vợ chồng tôi cùng cha mẹ, anh em đều phải vào trong này kiếm sống...", người đàn ông mang tên Giàu nhưng cuộc sống còn lắm nỗi nhọc nhằn thổ lộ.
 
Bài, ảnh: TRANG THY
 
 

.