Giã biệt giã cào

09:06, 23/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những con tàu giã cào ở cảng cá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ) nằm bờ ngổn ngang, hoen gỉ khi chủ nhân của nó đã nói lời giã biệt nghề. Phía sau những con tàu tiền tỷ từng ngang dọc khắp các ngư trường nay bị bỏ phế là câu chuyện về những ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, vì làm ăn thua lỗ. Giã biệt nghề giã cào là cách tốt nhất để khơi nguồn cho một tương lai bền vững hơn với nghề biển nơi này.
“Đứt gánh” giữa đường
 
11giờ trưa, trong căn chòi nhỏ bên dòng sông Cầu Lỗ ở thôn Tân Lộc, xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ), anh Nguyễn Văn Khoa, thuyền trưởng tàu cá QNg 98126 cùng bạn tàu tất bật làm gà để giao cho khách. Ngày trước, tất cả họ đều là những ngư dân dày dạn kinh nghiệm, đánh bắt ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ, nhưng vì làm ăn bết bát, họ đã giã biệt nghề biển, quay về bờ lập đội chăn nuôi gà cung cấp cho các quán ăn, chật vật kiếm sống.
 
Đến giữa trưa, anh Khoa phóng chiếc xe máy ra cảng cá Sa Huỳnh hút nước cho cặp tàu giã cào có tổng công suất 720CV của gia đình, nằm bờ từ đầu năm đến nay. Anh Khoa bảo: Dù tàu nằm bờ, nhưng hằng ngày vẫn phải ra trông nom, hút nước, che chắn cho tàu để giảm hư hỏng. 
 
Cặp tàu cá của gia đình bà Nguyễn Thị Bảy nằm bờ từ đầu năm đến nay vì không có tiền để đi biển..
Cặp tàu cá của gia đình bà Nguyễn Thị Bảy nằm bờ từ đầu năm đến nay vì không có tiền để đi biển..
 
Chàng thuyền trưởng sức vóc dẻo dai, nổi tiếng làng chài Phổ Thạnh ngày nào giờ gầy nhom. Nét âu lo hiện rõ trong ánh mắt thâm quần của anh Khoa vì mất ngủ bởi khoản nợ ngân hàng 700 triệu đồng vẫn chưa trả được, đó là chưa kể hằng tháng phải đóng 7 triệu đồng tiền lãi.
 
Cắm cúi gỡ từng mảng sắt hoen gỉ trên máy tàu, anh Khoa buồn rầu bộc bạch: "Nợ ngập đầu nên tôi rao bán tàu, nhưng thời buổi đánh bắt hải sản gặp khó khăn, nên chưa ai mua. Tôi cũng đã nghĩ đến việc cải hoán cặp tàu này để hành nghề khác, nhưng nếu cải hoán lại cũng ngốn gần 500 triệu đồng, số tiền quá lớn, gia đình không biết lấy đâu ra. Đi biển là nghề truyền thống của gia đình, nhưng đến đời tôi thì đứt gánh giữa đường".
 
Ở cảng cá Sa Huỳnh có khoảng 40 tàu cá đang nằm bờ, hàng chục tàu cá tiền tỷ nay thành đống củi khô nằm chỏng chơ trên mặt nước vì chủ tàu làm ăn thua lỗ, không có đủ tiền để sửa chữa, cải hoán lại tàu. Chủ nhân của những chiếc tàu ấy giờ thì có người đi trốn nợ, người đi làm ăn xa...  
 
Nhiều chủ tàu giã cào phải treo biển rao bán tàu, vì làm ăn thua lỗ.
Nhiều chủ tàu giã cào phải treo biển rao bán tàu, vì làm ăn thua lỗ.
 
Hôm chúng tôi đến phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) cũng là lúc cán bộ ngành thủy sản của tỉnh đến kiểm tra hiện trường, tìm biện pháp lôi những chiếc tàu ra khỏi cảng để tạo không gian thông thoáng cho tàu cá khác ra vào cảng an toàn. Anh Khoa bảo: "Tàu cá nào cũng vậy, khoảng tầm hơn một năm không ra khơi là hỏng hóc gần như 70%". Nói rồi, anh Khoa chỉ tay vào những chiếc tàu cùng chung số phận như tàu của anh và cho biết một số chủ tàu không dám trở về quê vì nợ tín dụng đen, bị chủ nợ truy đuổi, đòi nợ gắt gao.
 
Bỏ tàu mình đi theo tàu bạn
 
Không chỉ có hàng chục tàu giã cào nằm bờ, mà ở Phổ Thạnh nhiều chủ tàu sở hữu những chiếc tàu trị giá vài tỷ đồng, hành nghề săn cá ngừ đại dương cũng không thể ra khơi. Theo ngư dân, đối với các tàu công suất lớn, mỗi chuyến ra khơi, chi phí xăng dầu, nhu yếu phẩm tiêu tốn từ 300 - 500 triệu đồng. Khoản tiền này ngày trước, các chủ tàu vay ngân hàng để vươn khơi, nhưng nay ngân hàng dừng cho ngư dân vay, khiến cuộc sống của 80% ngư dân Phổ Thạnh vốn trông chờ vào nghề đi biển bị đảo lộn.
 
Có tàu nhưng không có tiền đi biển, anh Nguyễn Văn Khoa đành ở nhà nuôi gà, xoay xở trả nợ cho ngân hàng.
Có tàu nhưng không có tiền đi biển, anh Nguyễn Văn Khoa đành ở nhà nuôi gà, xoay xở trả nợ cho ngân hàng.
 
Năm 2014, khi Nghị định 67 được triển khai với nhiều chính sách ưu đãi, nhiều ngư dân vay vốn ngân hàng để đóng tàu mới. Từ năm 2014 đến đầu năm 2020, toàn xã Phổ Thạnh có 200 tàu công suất lớn được đóng mới.
 
Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Thạnh Lê Trung Thành giải thích: Trước đây, vay ngân hàng dễ dàng nên nhiều ngư dân mạnh dạn vay số tiền lớn để đóng tàu, rồi dùng cả tiền vay để xây nhà, mua xe... với suy nghĩ tàu vươn khơi sẽ có tiền trả nợ. Nào ngờ làm ăn khó khăn, bởi vậy ngân hàng không cho vay tiền đóng tàu. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã không có tàu cá được đóng mới.
 
Bà Nguyễn Thị Bảy, ở tổ dân phố Thạch By 1, phường Phổ Thạnh, rầu rĩ cho biết: "Cặp tàu cá làm nghề đánh bắt cá ngừ đại dương của gia đình tôi nằm bờ từ đầu năm đến nay, vì chi phí cho mỗi chuyến ra khơi tốn 500 triệu đồng, nhưng ngân hàng không cho vay. Hai người con trai phải đi bạn cho các tàu cá khác để kiếm tiền trả nợ ngân hàng. Số tiền vay ngân hàng 2,9 tỷ để đóng cặp tàu có tổng công suất 750CV, giờ gia đình không biết làm sao để trả hết nợ. Riêng tiền lãi hằng tháng đóng cho ngân hàng lên đến 75 triệu đồng, khiến gia đình tôi như ngồi trên đống lửa".
 
Lúc này đang mùa khai thác hải sản cao điểm, nhưng tại cảng cá Sa Huỳnh lại khá đìu hiu. Nhiều chủ tàu đặt biển rao bán ghe tàu, song hầu như rất ít người bán được, hoặc nếu bán cũng bán đổ bán tháo. Nằm bờ kéo dài, nhiều thân tàu rách toác vì nắng nóng, máy móc hỏng hóc.
 
Lật cuốn sổ ghi chép, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Thạnh Võ Thu cho hay: Toàn xã có 1.200 tàu cá, trong đó có 800 tàu hành nghề giã cào đôi, 400 tàu hành nghề lưới. Ước tính có khoảng 200 tàu nằm bờ. Ngoài nằm bờ ở Sa Huỳnh, còn có tàu đang nằm bờ ở cảng Thọ Quang (Đà Nẵng). Trước tình hình này, đề nghị Nhà nước có chính sách để các ngân hàng khoanh nợ, giảm lãi suất cho ngư dân, chứ cứ để lãi mẹ đẻ lãi con thì chắc nhiều chủ tàu phải bán nhà trả nợ. 
 
“Giã cào phá sản là tất yếu”
 
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn, cách đây 6 năm, ngành thủy sản đã cảnh báo với ngư dân về những hệ lụy khi hành nghề giã cào. Đây là nghề tận diệt thủy sản, tàn phá môi trường. Tuy nhiên, vì thời điểm đó nghề giã cào mang lại lợi nhuận lớn, nên ngư dân ồ ạt đóng mới tàu hành nghề giã cào. Phát triển giã cào quá nóng, mà tiền đầu tư vào giã cào hầu như đi vay ngân hàng, giờ làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản. Đây là chuyện giữa chủ tàu và ngân hàng, chứ Nhà nước không thể lấy tiền ngân sách để hỗ trợ những chủ tàu bị thua lỗ. Hiện, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các tàu hành nghề giã cào, có chính sách mua lại các tàu giã cào của ngư dân làm ăn thua lỗ.
 
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 
 

.