(Báo Quảng Ngãi)- 40 tuổi, anh Võ Ni, quê ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành) được các bệnh viện lớn trong nước kết luận bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, nhưng anh vẫn lạc quan, chịu khó tìm mọi cách để chữa căn bệnh quái ác.
Anh Ni hiện đang làm việc tại Công ty TNHH GE Việt Nam, thuộc KKT Dung Quất. Vợ anh là chị Võ Thị Thủy, quê ở huyện Sơn Tịnh, hiện là giáo viên Trường Mầm non Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi). Hơn mười năm trước, anh chị cưới nhau và nay có được hai đứa con. Cuộc sống hai vợ chồng sau khi cưới khá vất vả, phải tằn tiện, chắt bóp nhiều năm mới có tiền mua đất, làm nhà. Thế nhưng, căn nhà xây lên chưa được bao lâu, niềm vui chưa trọn vẹn, thì anh Ni phát hiện mắc ung thư phổi. Từ đó, cuộc sống của vợ chồng anh lại bước vào giai đoạn đầy nỗi nhọc nhằn.
Nghị lực mạnh mẽ
Những ngày hè oi nóng, trong căn nhà vừa mới xây còn thoang thoảng mùi sơn rộn tiếng cười đùa của hai đứa trẻ. Bên góc nhà, chị Thủy bày biện, chia từng ký cam tươi cho vào bịch ni lông để chuẩn bị ship cho khách. Đây là công việc chị Thủy làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Thỉnh thoảng, chị Thủy lại đưa mắt nhìn chồng một cách trìu mến. Chồng chị là người đàn ông kiên cường, với sự giúp sức của chị đã và đang lạc quan chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.
Đầu năm 2019, anh Ni thấy trong người có dấu hiệu ho, đi khám và uống nhiều thuốc, nhưng vẫn không khỏi. Sau đó, vợ chồng anh khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh để kiểm tra. Lúc đầu, bác sĩ chẩn đoán anh bị bệnh lao phổi, rồi vợ chồng về quê điều trị theo hướng dẫn, nhưng mãi vẫn không thấy bệnh tình thuyên giảm. Anh chị lại khăn gói đi nhiều bệnh viện trong nước để khám. Kết quả là anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối.
Vợ chồng anh Ni, chị Thủy vui vẻ bên hai con của mình. |
Ngày chị Thủy nhận kết quả chính xác bệnh tình của chồng, chị nuốt nước mắt vào lòng, rồi nghĩ bụng sẽ âm thầm giấu chồng và tìm hiểu các loại thuốc để điều trị cho chồng. Ai làm mối, ai chỉ bài thuốc để chữa trị căn bệnh nan y, chị cũng lặn lội đi tìm, chỉ mong cứu được chồng, hoặc ít nhất giữ chồng ở bên mình và các con được ngày nào hay ngày đó. “Nhiều đêm, chờ chồng con ngủ, tôi làm thuốc cho ảnh mà nước mắt lưng tròng. Cứ nghĩ ảnh đang mạnh khỏe, thương vợ, thương con mà mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này, tôi không sao chịu nổi. Đau đớn, nhưng tôi tự nhủ mình phải mạnh mẽ, cứng cỏi để giúp chồng vượt qua”, chị Thủy bộc bạch.
Rồi một ngày nọ, anh Ni nói với chị rằng đã biết bệnh tình của mình từ lâu, nên không cần phải giấu. Thế là hai vợ chồng ôm nhau khóc. Những giọt nước mắt từ nỗi đau đã biến thành động lực để hai vợ chồng cố gắng chiến đấu với căn bệnh quái ác này. “Tôi hay nói với ảnh rằng, mình không may mắn như người khác, mình gặp điều chẳng lành thì phải chấp nhận. Em không yếu mềm, nên anh cũng phải mạnh mẽ. Ngày nào anh còn khỏe, chắc chắn ngày đó em sẽ đồng hành cùng anh trên con đường chống chọi với bệnh tật. Anh còn em, còn các con nên đừng nghĩ ngợi gì, hãy yên tâm chữa bệnh”, chị Thủy tâm sự.
Chị dốc hết tiền bạc, gửi con nhỏ cho ông bà chăm sóc và cùng chồng lên Đắk Lắk để chữa bệnh. Những bài thuốc nam, bài thuốc từ thảo mộc được người ta giới thiệu, chị lặn lội đi tìm. “Có những cây thuốc phải vào tận rừng sâu, nơi khe suối mới tìm được, nhưng tôi vẫn cố gắng. Nghĩ tới chồng, tới sự lạc quan hiện có của ảnh, mình nhụt chí thì sợ ảnh buồn, nên mình càng phải mạnh mẽ lên. Cũng may, ý chí ảnh kiên cường, nên mình cũng an ủi được phần nào”, chị Thủy cho biết.
“Nếu không có vợ đồng cam cộng khổ, chịu thương chịu khó vì mình, nếu không có những đứa con luôn bên cạnh, có lẽ tôi đã không còn động lực để sống. Ung thư không phải là dấu chấm hết, điều quan trọng mình phải đối diện với nó và giữ vững tinh thần lạc quan, thoải mái, thì dù có sống được bao lâu cũng cảm thấy ý nghĩa”.
Anh
VÕ NI,
xã Hành Trung (Nghĩa Hành)
|
Động lực để bước tiếp
Hơn 6 tháng vất vả, chịu khó chữa bệnh, vợ chồng anh Ni, chị Thủy trở lại bệnh viện thăm khám. Ai cũng ngỡ ngàng trước kết quả sức khỏe anh đã dần bình phục, anh đã có thể trở lại công việc thường ngày của mình. Niềm vui như vỡ òa, những căng thẳng, áp lực bấy lâu như được trút bỏ phần nào. Tinh thần vợ chồng anh chị trở nên phấn chấn và có thêm niềm tin trong việc chữa bệnh.
“Biết tôi mắc bệnh, công ty tạo mọi điều kiện và cho tôi tạm nghỉ để điều trị. Đến khi tôi đi làm trở lại, ai cũng vui mừng, lãnh đạo công ty còn tạo điều kiện rất nhiều và bố trí cho tôi công việc nhẹ hơn. Quả thực, đôi khi tôi cũng không thể tin vào những gì mình đã trải qua”, anh Ni chia sẻ.
Khi từ chối xạ trị, vợ chồng anh quyết định chữa bệnh theo các bài thuốc dân gian từ thảo mộc và giữ tinh thần thoải mái, lạc quan nhất có thể. Những ngày mới điều trị bằng thuốc, anh Ni vật lộn với nhiều cơn đau thấu tận xương tủy. Thế nhưng, nghĩ đến sự vất vả, chịu thương, chịu khó của vợ, anh cắn răng vượt qua. Một tháng, hai tháng, rồi hơn nửa năm điều trị, anh đã tự vận động, tự sinh hoạt như người bình thường.
Để kìm hãm việc di căn của căn bệnh ung thư là cả một quá trình đầy gian truân, vất vả. Nhưng đứng giữa ranh giới sinh tử, vợ chồng anh mới hiểu thêm về giá trị của cuộc sống và phải yêu thương nhau nhiều hơn, để cùng nhau bước qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.
Căn nhà khang trang vừa mới xây xong ở con hẻm đường Nguyễn Văn Linh, phường Trương Quang Trọng còn chưa kịp sắm sửa nội thất là thành quả của hơn mười năm tích cóp anh chị mới có được. Bây giờ, anh chị phải rao bán để trả nợ và lo chi phí cho những đợt điều trị sắp tới. Nghĩ tới cảnh phải ở trọ như trước, chị Thủy không đành lòng, nhưng vì chồng, vì những lời chia sẻ của con trẻ, mà chị vui vẻ chấp nhận số phận. “Hôm trước, nghe tin vợ chồng bàn nhau bán nhà, đứa con gái lớn nói với tôi rằng, hay là mẹ nói với cô Sương (chủ nhà trọ cũ), để dành cho mình một phòng, rồi mình về đó ở như trước. Mẹ để dành tiền chữa bệnh cho ba. Chỉ cần nghe có vậy, vợ chồng tôi không kìm nổi nước mắt”, chị Thủy xúc động chia sẻ.
Chi phí điều trị bệnh cho căn bệnh nan y không phải con số nhỏ, có những toa thuốc chị phải mua đến vài chục triệu đồng. Thấy hoàn cảnh gia đình anh chị khó khăn, nên bạn bè, anh em đồng nghiệp chung tay giúp đỡ. Nhờ vậy, vợ chồng anh chị có thêm động lực để tập trung chữa bệnh. Đến bây giờ, sau gần một năm chữa trị, sức khỏe của anh Ni đã được cải thiện rất nhiều. Ngày trước, những lúc bệnh chuyển biến nặng, anh hoàn toàn không thể nói chuyện được. Tất cả giao tiếp với vợ con, người thân, bạn bè đều thông qua những cử chỉ, tín hiệu bằng tay. Giờ đây, anh đã nói chuyện, giao tiếp bình thường. Nó như sự tưởng thưởng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hai vợ chồng.
Hành trình điều trị bệnh của người đàn ông mới qua tuổi 40 vẫn còn đang ở phía trước. Nhưng điều quan trọng nhất mà anh chị nhận ra, là dù có gặp khó khăn, đối mặt với cái chết, nhưng ý chí và sự lạc quan, tình yêu và nghĩa vợ chồng vẫn là liều thuốc hữu hiệu để họ cùng bước tiếp trong cuộc đời.
Bài, ảnh: HOÀI BIỆT