Nghèo mà đi xin để... cho lại

03:03, 08/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bà là người chẳng dư dả gì, nhưng suốt 10 năm qua vẫn miệt mài đi xin rồi... cho lại người khó khăn hơn mình, chỉ với suy nghĩ "Lá rách ít đùm lá rách nhiều". Bà là cựu chiến binh Dương Thị Thế Thanh, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi).
 
Chuyện về cựu chiến binh Dương Thị Thế Thanh, người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, mang đến hơi ấm tình người, để cuộc đời ý nghĩa, tươi đẹp hơn. 
 
Ngọt ngào hai tiếng “sẻ chia”
 
Bà Thanh lấy cuốn sổ xem lại khoản tiền mà các tấm lòng hảo tâm đã hỗ trợ, rồi bảo: "Bấy nhiêu đủ để mai nấu cơm phát cho bệnh nhân nghèo". Nói rồi bà đưa đôi tay co quắp xoa gương mặt của mình, cười hiền: “Những ngày giáp Tết, người nghèo mà đến bệnh viện thì khó khăn thêm, nên họ cần giúp đỡ!". 
 
Cắt nghĩa vì sao đến với việc làm từ thiện, bà Thanh chia sẻ: “Có gì đâu! Năm 17 tuổi, tôi theo cách mạng, làm giao liên. Trong lần chống địch đi càn, bom xăng làm cháy cả tóc, mặt, tay co quắp... Còn sống là may mắn lắm rồi. Nghĩ thế mà tôi cố gắng làm việc nghĩa ở đời".  
 
Bà Dương Thị Thế Thanh hỗ trợ phụ nữ ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) giỏ xách nhựa để đi chợ.
Bà Dương Thị Thế Thanh hỗ trợ phụ nữ ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) giỏ xách nhựa để đi chợ.
 
Sau ngày quê hương giải phóng, bà Thanh lập gia đình, rồi sinh con. Vết thương thời chiến khi trái gió trở trời lại tái phát, khó thở, bà Thanh nằm viện liên tục. Chồng thì công tác tận TP.Quy Nhơn (Bình Định), bà một mình cáng đáng mọi việc. Bệnh tình và cuộc sống túng thiếu, cơ thể bị suy nhược nên bà Thanh cân nặng chỉ còn 36kg, sau đó lại bị tai biến...
 
Những ngày nằm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh, sau những cơn đau, bà tận mắt chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của những bệnh nhân nghèo. Có người bệnh tật đưa đến bệnh viện nhưng không có tiền, đành ăn cơm với muối trắng. Biết bao giọt nước mắt của người nghèo lăn tròn trên má vì thiếu tiền chữa bệnh cho cha mẹ, con cái. Riêng bản thân bà, trong những ngày ở bệnh viện có nhiều người già thấu hiểu hoàn cảnh đã mua giúp miếng cháo, dìu đỡ đi lại... 
 
Cảm động trước sự sẻ chia của mọi người, bà Thanh tự hứa với lòng khi bớt bệnh sẽ làm một việc gì đó để giúp đỡ những người nghèo khó, ốm đau. Bà chắt chiu đồng lương ít ỏi của chồng gửi về ăn uống, thuốc thang, đôi ba tuần lại mua nguyên liệu nấu cháo mang đến bệnh viện phát cho bệnh nhân nghèo.
 
Bà Thanh kể: "Trước đây, nhìn dáng người nhỏ thó, gầy nhom của tôi mỗi khi mang cháo đến bệnh viện, có người lắc đầu bảo: "Nghèo khó, bệnh tật mà làm thế, chi cho khổ thân”. Còn bây giờ khi vận động được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ có cả trăm suất cháo cho bệnh nhân nghèo, thì người đời lại bảo: Nghèo mà cứ đi xin rồi... cho lại, làm chi cho mệt”. Bỏ ngoài tai những lời "nói ra" ấy, bà Thanh vẫn cứ làm việc mà lương tâm mình mách bảo. 
 
Từ 3 giờ sáng bà Thanh phải thức giấc để nấu cháo. Khi trời vừa sáng thì bà đã có mặt ở bệnh viện. “Những bệnh nhân cao tuổi, không có người chăm sóc, khi trao cho họ bát cháo, ánh mắt họ vui, mình thấy ấm lòng”, bà Thanh chia sẻ. 
 
“Việc làm của chị Thanh xuất phát từ tấm lòng nhân ái của người lính Cụ Hồ. Chị Thanh không chỉ giúp người nghèo, bệnh tật mà qua vận động của chị đã giúp hơn 3.000 lượt phụ nữ, với số tiền 7 tỷ đồng để làm ăn phát triển kinh tế gia đình; vận động các nhà hảo tâm xây dựng mới và sửa chữa 9 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, hàng tấn gạo và 500 bộ quần áo cho người khó khăn”. 
 
Chủ tịch Hội LHPN phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) PHẠM THỊ MINH HIẾU
Kết nối những tấm lòng
 
Bà Thanh kể, sau hơn một năm nấu cháo hỗ trợ bệnh nhân nghèo, thì bất ngờ vào một buổi sáng có người tìm đến nhà ủng hộ 50.000 đồng. Người này bảo: “Chuyện giúp đỡ bệnh nhân nghèo của chị nhiều người biết lắm. Tui cũng xin chị cho góp như thế vì cuộc sống của tui cũng nghèo”. Nghe nói vậy, bà Thanh hỏi thăm tên tuổi, địa chỉ. Người ấy cười xòa: “Không cần hỏi tên đâu chị”, vừa dứt câu thì vội vã ra về. 
 
Thấy có người chia sẻ việc làm của mình, bà Thanh vui lắm. Rồi cũng từ đó “tiếng lành đồn xa”, người tình nguyện đóng góp 50.000 đồng, người thì 100.000 đồng... Có người ở tận TP.Hồ Chí Minh chưa hề biết mặt bà mà vẫn tình nguyện đóng góp đều đặn mỗi tháng 500 nghìn đồng để cùng bà Thanh nấu cháo.
 
Bà Thanh tiếp tục câu chuyện, sáng mùa đông hôm đó, vừa phát cháo cho bệnh nhân trở về, trời lạnh run người nhưng khi nghe điện thoại reo, đầu dây bên kia giọng rất ấm tự giới thiệu là cô Vân - dược sĩ, muốn ủng hộ nồi cháo tình thương lâu dài. Thế là cũng từ đó, nồi cháo tình thương của bà Thanh có điều kiện để duy trì, đến nay đã gần 10 năm.  
Rồi chồng bà Thanh nghỉ hưu, thấy vợ mình sức khỏe yếu nên khuyên bà ngừng nấu cháo. Nhưng bà Thanh bảo với chồng rằng: "Nhiều người còn bất hạnh, mình nấu giúp bát cháo, miếng cơm thì có là bao...". Lời nói nhẹ tênh của bà Thanh khiến chồng suy nghĩ: "Thôi thì can ngăn không được thì mình càng phải cố gắng". Điều vui là theo thời gian, “tay nghề” nấu cơm, cháo từ thiện của chồng cũng nâng lên.
 
Thấy vợ chồng bàThanh làm việc nghĩa, những người hành nghề xe ôm, xe ba gác ở xóm cũng xắn tay vào việc nấu cháo, phân cơm, chở đến bệnh viện phát cho người nghèo. Vì thế nồi cơm, nồi cháo tình thương ngày càng lớn. Có ngày nấu 400- 500 suất cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo. Anh Ngô Tấn Sơn, ở cùng xóm với bà Thanh, làm nghề chạy xe ba gác chia sẻ: "Thấy chị Thanh bệnh tật, sức khỏe yếu mà còn giúp người bệnh nên tôi có chiếc xe ba gác làm thuê thu nhập chẳng nhiều gì nhưng mình cũng có nghĩa vụ giúp chị một tay”.
 
“Nay thì tôi giàu lắm!”, bà Thanh nói vui. Bây giờ, bà Thanh là địa chỉ tin cậy được nhiều người gởi gấm tấm lòng san sẻ với người nghèo. Lúc thì có người gọi điện thoại rồi chuyển khoản, lúc thì trao trực tiếp vài trăm nghìn đồng. Có người làm ăn khá giả còn gửi mấy triệu đồng. Số tiền ấy bà Thanh đều ghi chép cẩn thận, bởi "làm công tác từ thiện cần có sự rõ ràng, minh bạch". 
 
Gần một năm trở lại đây sức khỏe yếu nên bà Thanh không còn nấu cháo, nấu cơm tình thương thường xuyên như trước. Nhưng nguồn tiền từ thiện từ các nơi vẫn đến với bà. Một số doanh nhân, ca sĩ như Nguyễn Tấn Vượng, Trần Trọng Thiện... ở TP.Hồ Chí Minh vẫn hỗ trợ thường xuyên. Từ nguồn tiền này,  bà Thanh thực hiện ước mơ xóa nhà tạm cho người nghèo. Đến nay, bà đã làm cầu nối hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 9 hộ nghèo. 
 
Là người được hỗ trợ nhà ở từ nguồn kêu gọi của bà Thanh, anh Ngô Tấn Sơn tâm sự: "Tôi chạy xe ba gác, vợ bị khuyết tật, thường xuyên ốm đau nên đồng tiền chỉ đắp đổi qua ngày, làm gì có dư để làm nhà. Nhờ chị Thanh mà vợ chồng tôi mới có ngôi nhà này".
 
Tết này bà Thanh đã gần 70 tuổi. Bà cảm thấy ấm lòng vì làm được nhiều việc giúp ích cho đời và cho quê hương. “Tết sắp đến, tôi đang quyên góp quần áo, mua quà rồi lên vùng cao tặng cho người nghèo”, bà Thanh bảo. Với bà Thanh, mang niềm vui đến cho mọi người cũng là tạo niềm vui cho chính mình!
 
  Bài, ảnh: MAI HẠ   
 
 
 
 
 

.