(Báo Quảng Ngãi)- Tàu cá ngả nghiêng trên sóng nước giữa cuồng phong. Những ngư dân chấp chới. Họ cầu trời khấn Phật độ trì vượt qua bão tố cho tàu yên bình trở về bến. Trong mắt họ hiện lên cảnh gia đình sum họp dưới mái nhà đơn sơ khi Tết đến, Xuân về.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tết đoàn viên
Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Minh, ở xã Phổ Khánh (Đức Phổ) rộn ràng tiếng cười vui những ngày Tết. Con của ông bà về quê đón xuân cùng cha mẹ sau cả năm tha hương mưu sinh. Hai người con trai là Nguyễn Dân Phụng và Nguyễn Dân Kỳ an lành trở về sau cả năm lênh đênh trên biển phương Nam. Vợ chồng ông niềm nở đón tiếp bà con đến thăm hỏi, chúc mừng năm mới.
"Ở quê cuộc sống khó khăn, nên con tôi phải đi làm ăn phương xa. Tết là dịp sum họp gia đình nên tôi rất vui", ông Minh tâm sự. "Cha mẹ nào mà chẳng muốn ở gần con cháu, nhưng vì ở quê không có việc làm ổn định nên các con phải đi xa. Lúc rỗi việc, lòng dạ nhớ thương chúng nó lắm lúc phải ráng chịu chứ biết làm sao được! Tết sum họp gia đình như thế này tôi vui lắm. Giá mà Tết dài ngày hơn thì càng vui...", bà Dương Thị Bản, vợ ông Minh, cười tươi.
Anh Phụng (bên phải) cùng em trai dâng nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên. |
Nắng trải vàng trên biển xanh báo hiệu xuân đang về sau những ngày rong ruổi chốn xa. Anh Nguyễn Dân Phụng điều khiển tàu vào bờ, cập bến cảng cá thị xã La Gi (Bình Thuận) giữa cảnh náo nhiệt ngã giá bán- mua. Anh cùng em trai và bạn chài vội bán hải sản, sắp xếp ngư cụ, tìm nơi neo đậu tàu cá rồi trở về căn nhà nhỏ giữa phố phường vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Người vợ trẻ cùng hai con thơ đón anh với gương mặt rạng ngời niềm vui sau những ngày dài đợi chờ xen lẫn âu lo. Anh cùng vợ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm các thứ chuẩn bị đón Tết. Sau đó, anh cùng em trai đón xe khách về quê khi mùa xuân chạm ngõ, cánh mai vàng rung rinh trước gió. Những ngày Tết, anh cùng cha mẹ sửa soạn mâm cỗ dâng cúng tổ tiên, thăm hỏi người thân với lời chúc gặp nhiều may mắn trong năm mới.
"Tết năm nay bận việc nên vợ con không thể về cùng, chỉ có tôi và em trai. Dẫu đi lại vất vả, nhưng tôi vẫn cố gắng về quê để được gặp cha mẹ cùng các em, thắp hương viếng ông bà và đến thăm hỏi bà con họ hàng. Sau Tết, hai anh em tôi lại vào trong đó để tiếp tục ra khơi đánh bắt", anh Phụng cho hay.
Hơn 20 năm mưu sinh trên vùng biển phương Nam, ngư dân Bạch Nhiên Mà cứ mong đến Tết để trở về quê hương. Sau ngày Mùng 10 tháng Chạp, anh cảm thấy lòng dạ nôn nao, "tâm trí luôn nghĩ đến việc đón xe về quê" kẻo trễ hẹn với lòng. "Nhớ quê và người thân lắm chứ, nhưng ngày thường phải ra biển đánh bắt để kiếm tiền lo cho cuộc sống chứ đâu rảnh rỗi mà về! Vậy nên, cứ mong đến Tết để được về nhà, chung vui cùng gia đình và anh em bạn bè", anh Mà bộc bạch.
Lênh đênh sóng nước phương Nam
Ông Minh từng là ngư phủ hơn 20 năm ngang dọc trên các vùng biển của Tổ quốc với bao hiểm nguy chực chờ. Giữa biển khơi bao la, chiếc tàu tựa chiếc lá mỏng manh trôi trên dòng nước. Nhiều trận cuồng phong như muốn nhấn chìm tàu cá bé nhỏ cùng những ngư dân đang lạnh run xuống đáy đại dương. Ông và thuyền trưởng cùng bạn chài ra sức chống đỡ, đưa tàu vượt qua sóng dữ. Trong mắt ông, hiện lên bóng dáng người vợ trẻ cùng 5 đứa con bé bỏng chờ đợi nơi quê nhà.
Thuở hành nghề câu mực trên vùng biển Trường Sa, ông cùng chiếc thúng chai bập bềnh trên sóng nước trong đêm tối mịt mùng. Nỗi buồn xâm chiếm cõi lòng những lúc chơi vơi giữa biển cả, hiểm nguy cận kề. Một người bạn của ông không may gặp nạn khi đang hành nghề trên biển đêm. Sau nhiều ngày tìm kiếm trong vô vọng, ông cùng bạn chài gạt nước mắt quay vào bờ, lòng quặn đau bởi tiếng khóc than của gia đình người tử nạn.
"Biết đi biển khổ cực và hiểm nguy lắm, nhưng ở vùng quê cát trắng bạc màu thì lấy gì mà sống! Vậy nên, khi các con bám biển mưu sinh vợ chồng tôi lo lắng lắm! Mong cho trời yên biển lặng, anh em ngư dân được bình an và đánh bắt nhiều cá tôm để đến Tết trở về chung vui bên gia đình", ông Minh chia sẻ.
Tiếp bước cha, anh Phụng lên tàu cá cùng bạn chài mưu sinh trên sóng nước khi vừa tròn 16 tuổi. Sau nhiều năm nhọc nhằn, anh dành dụm khoản tiền kha khá hùn vốn với ngư dân ở tỉnh Bình Thuận mua tàu cá công suất lớn vươn ra khơi xa. Người em trai là Nguyễn Dân Kỳ tiếp nối cha anh dấn thân vào đời ngư phủ. Thường ngày, anh Phụng ôm vô lăng điều khiển con tàu rẽ sóng, dò tìm luồng cá lượn lờ trong làn nước thẳm sâu.
Anh Kỳ cùng bạn chài buông - kéo lưới, phân loại hải sản rồi đưa vào khoang ướp lạnh trước khi chuyển vào bờ. Những ngư dân can trường với đôi tay rắn chắc hối hả làm việc bất kể đêm ngày. Chuyến trở về với tôm cá đầy khoang, gương mặt sạm đen vì nắng gió nở nụ cười mãn nguyện sau chuỗi ngày lao động vất vả. Tàu vào bến sau những mẻ lưới vơi cá tôm, nỗi buồn lặn sâu vào lòng và nhen lên niềm hy vọng chuyến ra khơi kế tiếp.
Ông Minh (ngồi giữa) cùng hai con trai sum họp trong ngày Tết. |
Gần 20 năm hành nghề trên biển, anh Phụng không nhớ hết bao lần đối mặt với bão giông. "Nghề biển hiểm nguy lắm vì chỉ cách sóng nước qua lớp ván gỗ thôi mà! Công việc ngày càng khó khăn vì tôm cá dần suy kiệt, dầu và nhiên liệu tăng cao, bạn chài khó kiếm hơn trước. Nhưng chúng tôi vẫn bám biển bởi vì trước giờ quen rồi, giờ tìm việc làm khác để có tiền trang trải cuộc sống gia đình đâu phải dễ", anh Kỳ tâm sự.
Ngày nọ, anh Mà cùng thuyền viên trên tàu chuẩn bị buông lưới thì trời tối sầm, biển nổi sóng dữ dội. Chiếc tàu ngả nghiêng giữa sóng nước. Những con sóng ầm ào liên tiếp bổ mạnh vào thân tàu trước sự lo lắng của mọi người. Các anh vội thả lưới xuống biển nhằm giảm sức xô đẩy của sóng dữ.
Sau ba ngày đêm, biển dần lặng sóng gió, con tàu vội quay mũi đưa các anh vào bờ trước niềm vui của người thân đang đón đợi. Sau khi nghỉ ngơi lấy sức, các anh mua nhiên liệu rồi tiếp tục ra khơi. "Báo chí nói đi biển là nghề nguy hiểm nhất và quả thật đúng như vậy. Không chỉ sóng gió bất thường mà còn gặp nhiều điều bất trắc khi đánh bắt trên biển. Dẫu vậy, khi sóng yên biển lặng là chúng tôi tiếp tục ra khơi", anh nói.
Xã Phổ Khánh nằm ở vùng bãi ngang ven biển phía nam huyện Đức Phổ. Những bãi cát đẹp mơ màng bên rặng thùy dương vi vu như lời tự tình với gió từ khơi xa thổi vào bờ. Nhưng nơi đây chỉ "đủ sức chứa" những chiếc ghe câu hay thuyền nhỏ, không có cảng cá cho tàu công suất lớn vào ra và neo trú. Mớ cá tôm đánh bắt gần bờ chế biến thức ăn trong bữa cơm gia đình hay hiện diện nơi chợ quê, thu nhập chẳng đáng là bao.
Nhiều ngư dân nơi đây phải rời quê vào các tỉnh ven biển phương Nam tìm kế mưu sinh. Họ kiên trì bám biển để có cuộc sống được đủ đầy, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ở phương xa, họ luôn ngóng về quê nhà, nơi có những người thân yêu đang ngóng đợi. Rồi khi nắng xuân trải vàng khắp đất trời, họ tất bật thu xếp trở về đón Tết cùng gia đình, dâng nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên cho thỏa nỗi nhớ mong.
Bài, ảnh: TRANG THY