Xây giấc mơ trên "cổng trời"

10:12, 22/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những ngôi trường mới khang trang mọc lên giữa bốn bề rừng núi huyện Tây Trà. Thầy trò cần mẫn dạy và học mà không phải lo chạy mưa, trốn nắng. Niềm vui ngập tràn trên những khuôn mặt rạng ngời của các cô cậu học trò người Cor đã nói lên tất cả tấm lòng của những “người lạ” ở tận nơi xa mang đến vùng đất vẫn được mệnh danh là “cổng trời” này.
Ngôi trường bề thế trên "đỉnh trời"
 
Đứng trên đỉnh Eo Chim mùa này tưởng như chỉ cần với tay là... chạm trời. Từ Tỉnh lộ 622B, nhìn ngược về đỉnh Cà Đam, một ngôi trường mới khang trang không thua kém bất kỳ điểm trường ở đồng bằng nào. Cổng Trường Tiểu học Trà Lãnh tựa như ngọn hải đăng hiện ra giữa rừng núi hoang vu. 
 
Trường Tiểu học Trà Lãnh (Tây Trà) được đầu tư kiên cố từ nguồn hỗ trợ của Techcombank đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Trường Tiểu học Trà Lãnh (Tây Trà) được đầu tư kiên cố từ nguồn hỗ trợ của Techcombank đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Trước đây, thầy và trò Trường Tiểu học Trà Lãnh phải học ké với Trường THCS Trà Lãnh. Do phòng không đủ nên chuyện học luôn khiến thầy cô lo lắng, bởi điều kiện khó khăn nên học sinh thường học giã gạo. Biết chuyện khó khăn của thầy cô giáo nơi đây, cán bộ, nhân viên Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã "mở lòng".
 
Chỉ sau thời gian ngắn, một ngôi trường kiên cố, hoành tráng bậc nhất ở các huyện miền núi đã hoàn thành, với 8 phòng học, 9 phòng làm việc và 12 phòng ở cho học sinh, cùng nhà vệ sinh sạch sẽ. 
 
“Khi còn “ở ké” với Trường THCS Trà Lãnh, chưa khi nào nhà trường nghĩ có một ngày thầy và trò được dạy và học dưới một ngôi trường khang trang, bề thế như vậy. Từ ngày có trường mới, số điểm trường lẻ chỉ còn ba điểm ở các khu dân cư quá xa trung tâm xã dành cho học sinh lớp 1 và 2. Trước đây, trường lớp tạm bợ nên các điểm lẻ dạy luôn các bậc học từ lớp 1 đến lớp 5, còn hiện nay học sinh bước vào lớp 3 là tập trung hết về trường chính để học và nuôi dạy gần như nội trú.
 
Chất lượng dạy và học nâng lên từng ngày. Ngay năm đầu tiên “về nhà mới”, số lượng học sinh ở lại lớp giảm đáng kể, học sinh và giáo viên nhà trường tham dự các kỳ thi học sinh giỏi, dạy giỏi đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh. Tấm lòng của tập thể cán bộ, nhân viên Techcombank mang lại sự thay đổi gần như toàn diện trong công tác dạy và học của nhà trường”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Lãnh Đỗ Minh Định bày tỏ.
 
Facebook “chở” ngôi trường mới về Hà Riềng
 
Nắng chiều vàng vọt luồn qua từng tán rừng đang dần tắt, đưa màn đêm đến sớm hơn. Con đường từ Tỉnh lộ 622B dẫn về thôn Hà Riềng, xã Trà Phong (Tây Trà) bùn đất nhầy nhụa sau những trận mưa dầm dề. Mất gần một giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Trà Phong. Ngôi trường khang trang nằm bên con suối chảy róc rách, lặng lẽ dưới chân núi. Từ xa, vọng lại tiếng con trẻ đánh vần, tiếng các cô giáo ân cần “luyện giọng” cho học trò. 
 
Góc học tập ngoài trời tại Trường Tiểu học Trà Phong (Tây Trà) được xây dựng từ nguồn huy động xã hội hóa.
Góc học tập ngoài trời tại Trường Tiểu học Trà Phong (Tây Trà) được xây dựng từ nguồn huy động xã hội hóa.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Phong Nguyễn Trí Dũng nở nụ cười mãn nguyện nhìn về phía các phụ huynh đang đứng chờ đón con. Những nông dân chân lấm tay bùn ấy đáp lại thầy Dũng bằng lời chào trân trọng.
 
Thầy Dũng bảo, nếu niềm vui trong thầy cô giáo nhân đôi, thì với các bậc phụ huynh niềm vui ấy càng nhân lên gấp bội. Bởi chừng này năm trước, các cháu học sinh còn phải học dưới mái trường tạm bợ, mưa xuống thì ướt sũng, còn giờ phòng học kiên cố, bàn ghế đúng chuẩn.
 
Trước đây, điểm trường Hà Riềng tạm bợ, tranh tre nứa lá. Ban Giám hiệu nhà trường nhiều lần kiến nghị xây dựng cơ sở mới để đảm bảo việc dạy và học, nhưng kinh phí khó khăn nên phải chờ. Trong các giờ dạy, lúc các em học sinh làm bài, các cô giáo lấy điện thoại ghi lại hình ảnh các em đang học dưới mái trường ẩm thấp rồi đăng lên các mạng xã hội để... tìm những lời động viên làm động lực "trồng người".
 
Thời gian trôi qua, cứ ngỡ những bức ảnh ấy sẽ không còn ai nhớ đến thì bất ngờ một hôm, điện thoại thầy Dũng vang lên. Đầu dây bên kia nói về những bức ảnh, nói về điểm trường Hà Riềng và kèm theo đề nghị hỗ trợ xây trường. Dù ngôi trường mới đã xây xong và đưa vào sử dụng, thầy và trò nơi đây đã yên vị học tập, nhưng với thầy Dũng thì cuộc điện thoại ngày hôm đó như thể mới hôm qua.
 
Thầy Dũng kể: Sau khi những bức ảnh được các cô giáo đăng lên Facebook vô tình được nhiều người chia sẻ và một trong những lượt chia sẻ đó đã được các bạn trẻ người Việt đang công tác, học tập tại Hàn Quốc nhìn thấy. Ngay sau đó, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức quyên góp và thành lập quỹ ủng hộ để xây điểm trường Hà Riềng.
 
“Các cô giáo chụp hình đăng cũng không ngờ Facebook đã “chở” những bức ảnh đó... trôi đến xứ sở Kim Chi, làm lay động trái tim những người con Việt Nam đang công tác và học tập tại đây. Sau cuộc gọi đó là các cuộc gặp trực tiếp và rồi mấy tháng sau thì một ngôi trường khang trang ra đời. Nhờ đó, mà bên lòng hồ Nước Trong mới có một điểm trường lẻ khang trang như hôm nay”, thầy Dũng tâm sự.
 
Viết tiếp những giấc mơ
 
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà Phạm Sơn cười hạnh phúc khi trò chuyện với chúng tôi về việc huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng trường lớp. Chính ông Sơn cũng không hình dung được ở một nơi xa xôi như huyện Tây Trà lại được các "mạnh thường quân" quan tâm, tặng hàng chục tỷ đồng để xây dựng trường học. 
 
Cô và trò điểm trường Hà Riềng (Trường Tiểu học Trà Phong) trong ngôi trường xây dựng khang trang.
Cô và trò điểm trường Hà Riềng (Trường Tiểu học Trà Phong) trong ngôi trường xây dựng khang trang.
 
Bên tách trà nóng ngày đông, thầy Sơn kể rành mạch từng điểm trường được xây dựng từ nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa như: Điểm trường Tiểu học thôn Đông, xã Trà Khê, 2 phòng, với số tiền trên 800 triệu đồng; điểm Trường Tiểu học xã Trà Thanh 2 phòng học, trị giá hơn 800 triệu đồng; Trà Nham có hai điểm hỗ trợ xây dựng hơn 300 triệu đồng; Trà Xinh 3 phòng học; rồi 3 tỷ đồng xây điểm trường tiểu học ở xã Trà Quân... "Tổng nguồn vốn xã hội hóa xây trường của huyện đã lên đến 25 tỷ đồng. Con số lớn như một... giấc mơ vậy!", thầy Sơn bộc bạch.
 
Toàn huyện Tây Trà hiện có 30 trường, với 115 điểm trường, hiện có trên 5.800 học sinh của 4 bậc học từ mầm non đến THCS theo học và 475 cán bộ, giáo viên. Trước đây, vì nguồn kinh phí từ ngân sách huyện eo hẹp nên chỉ tập trung duy tu, bảo dưỡng là chính. Thầy Sơn cho biết, cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn huyện có được như ngày hôm nay là nhờ nguồn hỗ trợ xã hội hóa rất lớn.
 
“Trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều điểm trường lẻ chưa được kiên cố, nhưng đó là con số... chấp nhận được. Nếu “theo quy trình” đầu tư bằng tiền ngân sách thì có lẽ 10 năm tới huyện Tây Trà vẫn khó mà có được cơ sở vật chất cho giáo dục được như hôm nay. Những ngôi trường mới mọc lên như chắp thêm đôi cánh, tạo động lực để thầy và trò cùng viết tiếp những giấc mơ vươn xa bằng tri thức nơi rẻo cao còn nhiều gian khó này”, thầy Sơn chia sẻ.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC  

.