(Báo Quảng Ngãi)- Không có nơi nào trong cả nước mà giữa mênh mông trời biển của một hòn đảo lại có một "trường đua thuyền" truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm như ở Lý Sơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lễ hội đua thuyền đầu xuân ở Lý Sơn đến nay có tuổi đời trên 200 năm. Ấy cũng là cách để người dân nơi đây tri ân những tiền hiền ra sinh cơ, lập nghiệp trên đảo; tưởng nhớ những hùng binh Hoàng Sa vượt biển ra đo đạc thuỷ trình, cắm mốc, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nét văn hóa riêng ở miền biển
Tiết trời sang xuân, từ mũi Ba Làng An, xã Bình Châu (Bình Sơn) dong tầm mắt về phía xa là thấy đảo Lý Sơn. Nhìn từ trên cao, hòn đảo đẹp như một bức tranh thủy mặc. Nơi ấy có rất nhiều di tích, thắng cảnh và lễ hội đặc sắc thu hút rất đông du khách đến tham quan, thưởng ngoạn. Trong đó, lễ hội đua thuyền truyền thống là một trong những “đặc sản” của huyện đảo tiền tiêu này.
Đội thuyền tứ linh thực hiện nghi thức chào khán giả và bái lạy các vị tiền hiền ở đền An Vĩnh ngay trên trường đua trước khi bước vào cuộc đua. |
Theo các bậc cao niên ở đảo, lễ hội đua thuyền truyền thống của người dân huyện đảo Lý Sơn có những nét tương đồng, nhưng đồng thời cũng có những nét dị biệt so với lễ hội đua thuyền ở Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi). Lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn có quy mô và quy cũ hơn; thời gian diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng hằng năm. Ngoài ra, vào rằm tháng bảy, cúng tế các vị tiền hiền hoặc trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa người dân cũng tổ chức đua thuyền, nhưng quy mô nhỏ hơn.
Ông Phạm Thoại Truyền, người được xem là một “pho sử" về Hoàng Sa cho biết, Tết năm nào cũng vậy, khi lễ hội đua thuyền khai mạc thì không khí Tết mới thực sự đến. Từ mùng 4 đến mùng 7 tháng giêng, đua thuyền diễn ra tại 2 xã An Vĩnh và An Hải, với bốn đội thuyền đua đại diện cho 4 xóm của mỗi xã. Đến ngày mùng 8, tám đội thuyền đua sẽ tề tựu đông đủ tại trường đua. Cả tám đội phải bốc thăm ngẫu nhiên hoa tiêu xuất phát của mình. Sau lượt đua đầu tiên, 4 đội đứng đầu sẽ bước vào lượt đua thứ 2 mà người dân địa phương còn gọi là “đua chung cuộc”.
“Mỗi đội đua, dù ở xóm nào, trước khi đua phải vái lạy dinh miễu xóm và trên đường di chuyển ra trường đua đều quay mũi ghe vào vái ba cái khi đi ngang qua chỗ thờ bất kỳ của tộc họ nào rồi mới đi tiếp. Người dân nơi đây tin rằng, nếu thuyền mình giành chiến thắng ở ngày đua đầu tiên (mùng 4 Tết), thì năm đó cả xóm sẽ làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào. Người dân Lý Sơn quan niệm Tết mà không có đua thuyền thì coi như không có... Tết, nên nhiều người đi làm ăn xa dù công việc gấp đến đâu thì họ đều nán lại xem đua thuyền xong rồi mới khăn gói lên đường”, ông Truyền tâm sự.
Mỗi đội đua thiết kế và trang trí thuyền đua sao cho đẹp nhất, thể hiện thần thái của linh vật lên thuyền của đội mình trong ngày hội. Do đó, người được giao làm và vẽ thuyền đua tứ linh đòi hỏi phải là thợ có tay nghề cao và hết sức tỉ mỉ trong cách trang trí. Những chi tiết, họa tiết trên thuyền có sự uyển chuyển, phối hợp ăn ý giữa các sắc màu, tạo nên “thần thái” cho chiếc thuyền.
Trường đua thuyền đặc biệt
Theo các bậc cao niên trên đảo Lý Sơn, tên “lễ hội đua thuyền tứ linh” xuất phát từ việc phân bổ đơn vị hành chính của huyện đảo trước đây gồm có Lý Vĩnh, Lý Hải và phân chia mỗi đơn vị 4 thuyền, đủ bộ “tứ linh” gồm: Long, ly, quy, phụng. Các thuyền được đặt ở nơi am miếu để thờ cúng. Ở xã An Vĩnh, thuyền long thờ tại miếu Hoà Lân, thuyền phụng tại lăng Cồn, thuyền ly tại dinh Chàm, thuyền quy ở lăng Nghĩa Tự. Ở xã Lý Hải, thuyền long thờ ở lăng Cồn, thuyền ly đặt ở Trung Hoà, thuyền quy ở Trung Yên, thuyền phụng đặt ở dinh Tam Toà.
Đua thuyền tứ linh vào dịp đầu năm đã trở thành đặc sản du lịch của huyện đảo thu hút hàng nghìn lượt người khắp nơi hội tụ xem và cổ vũ, tạo nên không khí Tết đặc sắc. |
Ông Bùi Thanh Hên, người có hơn 30 năm chuyên đi chỉ đạo đóng thuyền cũng như trang trí cho các thuyền đua cho biết: Trước kia thuyền đua được làm bằng khung gỗ, mê tre và trát dầu rái chống thấm nước. Sau này, mê tre được thay bằng mê nhôm hoặc đuya-ra, vừa bảo quản được lâu, vừa đỡ được sức cản của nước hơn. Trên thuyền các phần được trang trí công phu hơn ở những nét chạm khắc, chứ không chỉ vẽ như ở Tịnh Long.
“Khi thuyền được đưa đi hạ thuỷ, người ta cũng tổ chức cầu cúng vào đêm trước hoặc sáng sớm trước khi đua và sau khi đua, để tạ ơn tổ tiên và các vị thần linh. Mỗi thuyền đua có từ 18 đến 20 người. Mỗi thuyền đua đều có một đồng phục riêng và các vận động viên đội chít khăn đỏ trên đầu”, ông Hên cho hay.
Không ai biết chính xác lễ hội đua thuyền tứ linh ở huyện đảo Lý Sơn có từ khi nào. Ngay cả những bậc cao niên cả đời gắn bó với đảo Lý Sơn cũng chỉ biết rằng khi họ sinh ra thì lễ hội đã có rồi. Hằng năm lễ hội tổ chức tại khu vực từ cảng Bến Đình đến mỏm đá đen có Sở Âm Hồn thuộc gành thôn Đông, xã An Vĩnh, với chiều dài khoảng 2,5km. Riêng đường đua dài từ 800 - 1.000m. Tùy theo con nước mà vị trí cắm phao tiêu có thể xê dịch ít nhiều, nhưng không rời khỏi khuôn viên của trường đua tổ tiên để lại.
Dọc theo chiều dài trường đua là hàng loạt những di tích lịch sử, đặc biệt là đình làng An Vĩnh và nhà tiền hiền - di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nơi xuất phát của những hùng binh đi Hoàng Sa thuở nào.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho biết: Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh ở đảo Lý Sơn là một nét văn hóa độc đáo có từ xa xưa của người dân đất đảo. Đặc thù của lễ hội đua thuyền tứ linh từ thời tổ tiên trao truyền cho biết bao thế hệ đời nay.
Ngày xưa là “cạnh độ tứ linh”, là lễ thức dâng cúng thần linh và các bậc nhân thần có công với dân với nước trong 4 ngày xuân, chúc mừng năm mới trước tiên dâng lễ, sau là hội. Nơi tổ chức đua thuyền cũng là “cửa ngõ” mà hàng trăm năm trước các vị tiền hiền vâng lệnh triều đình "cưỡi sóng" ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền. Hằng năm, vào mùa lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, thì trường đua thuyền là nơi người dân tổ chức nghi thức thả những chiếc thuyền giấy đặt hình nộm giả những phu binh Hoàng Sa xuống biển trong một nghi thức trang trọng và linh thiêng sau lễ cúng tế.
Đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết, địa phương đang phối hợp cùng Sở VHTT&DL tổ chức sưu tầm, bổ sung đầy đủ tư liệu về lễ hội đua thuyền thể hiện đặc trưng văn hóa riêng biệt và liên quan đến những giá trị nhân văn sâu sắc về chủ quyền biển đảo quốc gia để đảm bảo lập hồ sơ khoa học trình lên các cấp để xin công nhận Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. |
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC