(Báo Quảng Ngãi)- Tàu cá lướt trên mặt biển xanh màu ngọc bích tựa chiến mã tung vó trên thảo nguyên bao la. Máy nổ át tiếng sóng vỗ vào thân tàu tung bọt nước trắng xóa. Chim hải âu chao lượn trong nắng xuân hanh vàng. Những gương mặt sạm đen vì nắng gió rạng ngời niềm vui với hy vọng cả năm ra khơi trời yên biển lặng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Khai chánh” đầu năm
Sớm tinh mơ trong nắng Xuân mới, lăng thờ thần Nam Hải nằm cạnh cửa biển Mỹ Á, xã Phổ Quang (Đức Phổ) nghiêm trang hơn hẳn thường ngày. Cây nêu dựng trước lăng bằng tre già, thân cao vút với cành lá trên ngọn phất phơ trong sương sớm. Quốc kỳ và cờ đuôi nheo phần phật tung bay trước gió. Những bô lão vạn chài Hải Tân cùng nhiều ngư dân thành kính dâng mâm cỗ lên bàn thờ. Hương trầm bay trong gió xuân se lạnh. Những bậc cao niên kính cẩn vái lạy giữa nghi ngút khói hương.
Giong thuyền ra khơi. |
Giọng rì rầm khấn nguyện cầu cho trời yên biển lặng, ra khơi đánh bắt được nhiều cá tôm hòa cùng tiếng sóng từ khơi xa vỗ vào bờ. Lễ “khai chánh” (cầu ngư, xuất hành đầu năm) được cư dân ven biển Mỹ Á lưu truyền hàng trăm năm qua. Lão ngư Nguyễn Thành Lin - Chủ vạn chài Hải Tân cho biết: “Bao đời, ngư dân chúng tôi luôn tôn kính Cá Ông (thần Nam Hải), ngài thường cứu giúp người đi biển trong những lúc hiểm nguy. Do vậy, việc tổ chức lễ khai chánh luôn diễn ra trang trọng để tỏ lòng thành kính đối với Ông”.
Với 15 năm đảm nhận vai trò Trưởng vạn, lão ngư Nguyễn Xết luôn tận tụy lo cúng tế, nhất là lễ cầu ngư vào dịp đầu Xuân. Sau ngày 23 tháng Chạp, ông cùng nhiều ngư dân tất bật quét dọn, trang trí chuẩn bị hành lễ vào sáng mùng 2 Tết. Ngư dân tề tựu đông đủ, ông và những thành viên trong ban vạn rất vui. Bởi vì, dịp lễ là sự gắn kết ngư dân lênh đênh trên sóng nước, giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn trong những trận cuồng phong.
Họ “thông báo qua Icom” sẻ chia đàn cá lớn rồi cùng hân hoan trở về bờ sau mẻ lưới đầy khoang. Họ sẵn lòng đóng góp những đồng tiền kiếm được từ bao hiểm nguy và nhọc nhằn giúp đỡ những ngư dân không may bị nạn. “Hằng năm, vạn chài tổ chức nhiều lễ cúng. Và lễ cúng vào sáng mùng 2 Tết thiêng liêng lắm. Vì đây là ngày lễ xuất hành, cầu mong trời yên biển lặng, làm ăn thuận lợi trong cả năm. Điều vui mừng là không chỉ có ngư dân trong vạn, những chủ tàu cá ở nơi khác cũng đến đây đóng góp và dự lễ”, ông Xết chia sẻ.
Những nén hương dần tàn trên bàn thờ, mọi người hạ mâm cỗ và chung vui trước giờ xuất bến. Chợt một bô lão chậm rãi: “Năm nay, anh em đóng góp tiền sơn sửa lại lăng Ông trước ngày cúng 21 tháng 2 âm lịch cho đàng hoàng nghen!”. Nhiều cánh tay giơ lên xin đóng góp. Chuyện râm ran dừng hẳn khi chủ vạn Nguyễn Thành Lin thông báo sắp đến giờ tàu cá xuất hành ra quân đánh bắt đầu năm. Ông đến cạnh chiếc trống lớn đặt bên ngoài lăng thờ, nhìn về hướng bến cá Mỹ Á, nơi có những tàu cá dập dềnh trên sóng nước như chiến mã nhịp chân trước giờ xung trận.
Đúng 8 giờ sáng, chiếc dùi trên tay ông Lin gõ những hồi trống giục giã. Hàng chục tàu cá tiếp nối xuất bến ra khơi với những cánh tay cổ vũ của người dân chen chúc trên bờ. Ra khỏi bến, tàu quay mũi hướng vào lăng thờ tựa động tác cung kính vái lạy thần Nam Hải của cư dân miệt biển. Ngư dân lớn tuổi đứng phía miệng lầm rầm khấn nguyện mong được bình an.
Vươn khơi trong nắng hanh vàng
Tôi bước lên tàu cá QNg-48641TS của ngư dân Nguyễn Dương cùng anh và bạn chài lướt sóng vươn khơi. Cờ Tổ quốc treo trên cây cột phía trước mũi và trên mui tàu tung bay trước gió. Anh Dương đánh tay lái khá điệu nghệ điều khiển tàu né tránh những tảng đá án ngữ nơi cửa biển Mỹ Á. Con tàu chồm lên, lướt trên mặt biển xanh màu ngọc bích, máy nổ át tiếng sóng vỗ vào mạn tàu tung bọt nước trắng xóa. Những cánh chim hải âu chao lượn trong nắng xuân hanh vàng. Tôi đưa mắt nhìn những thành viên trên tàu và nhận nụ cười tươi ngầm bảo: “Đàn cá số lượng ít, nên không buông lưới”. Tàu cá tiếp tục lướt trên sóng nước tiến về vùng biển phía nam.
Nhiều tàu cá của ngư dân ven biển Mỹ Á đang ngược xuôi trên biển dò tìm cá, tôm để buông lưới. Ngư dân đứng phía trước vẫy tay ra hiệu, anh Dương vội giảm ga, đánh mũi tàu quẹo sang phải rồi quay về hướng bắc. Chiếc thúng chai cùng một ngư dân rời tàu, bập bềnh như đang đùa giỡn trên sóng nước. Thúng chai lắc lư trở về tàu, lão ngư Lê Thanh (bạn chài trên tàu cá anh Dương) tươi cười: “Nắng đẹp quá nên nó hoa mắt, nước xanh mà nhìn ra đàn ruốc nổi trên mặt biển”. Những thành viên trên tàu cười nắc nẻ như vừa trúng mẻ cá lớn.
Ngư dân trên tàu cá anh Dương thả thúng chai dò tìm đàn ruốc. |
Sau nhiều lần ra Bắc, vào Nam vẫn không phát hiện đàn cá, anh Dương giảm ga, tàu cá quay mũi vào bờ. Lăng thờ thần Nam Hải uy nghiêm tựa vị thần dõi mắt trông theo để độ trì cho tàu cá ra khơi, vào lộng. Chủ tàu và bạn chài chia tay về nhà, hẹn sớm hôm sau tiếp tục vươn khơi. “Nhiều năm trước, vào hôm xuất hành gặp sóng lớn, tàu cá không dám ra cửa biển Mỹ Á. Năm nay may mắn là trời yên biển lặng, máy nổ giòn, chạy “ngon” như thế cũng vui rồi. Đầu năm ra khơi thuận lợi, nên chúng tôi hy vọng sẽ đánh bắt được no đủ”, anh Dương bộc bạch.
Trưa đứng bóng, nhiều người phụ nữ bận rộn với những rổ ruốc tươi vừa được vớt lên từ biển. Họ trải lưới nhựa trên mảnh sân trước Trạm Biên phòng Mỹ Á rồi rải ruốc vừa thu mua với giá mỗi ký hơn 30 nghìn đồng phơi dưới nắng. Bà Nguyễn Thị Ngãi vui vẻ trò chuyện: “Mấy ổng ra biển vài tiếng đồng hồ là quay vô bờ liền hà! Tết mà! Đánh bắt được thì càng vui, không có cũng chẳng sao, miễn cả năm làm ăn khấm khá là tốt rồi. Chị em chúng tôi cầu mong cho mấy ổng đánh bắt được nhiều để có mà mua rồi bán lại kiếm thêm đồng lời lo cho con cháu”.
Nắng hanh vàng ngập tràn những làng chài ven biển Mỹ Á. Nghìn hoa khoe sắc cho ong bướm vờn quanh. Xuân đến mang niềm vui và hy vọng no ấm cho những người mưu sinh trên sóng nước biển khơi như bao đời vẫn thế.
Xã Phổ Quang hiện có 255 tàu cá, với tổng công suất trên 107 nghìn mã lực cùng hơn 2.000 ngư dân đánh bắt trên biển. Năm 2018, ngư dân trong xã khai thác hơn 14 nghìn tấn hải sản với doanh thu gần 428 tỷ đồng. “Ngư dân trong xã luôn đồng lòng vươn khơi đánh bắt. Họ rất đoàn kết, tương trợ nhau khi hành nghề trên biển, đem lại thu nhập cao, cải thiện cuộc sống và góp phần đáng kể vào sự phát triển của địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động bà con vừa khai thác vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, sử dụng những nghề không gây thiệt hại môi trường, sinh thái biển. Xã cũng sẽ phối hợp với các cấp, ngành chức năng hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán tàu thuyền để đánh bắt xa bờ…”, Chủ tịch UBND xã Phổ Quang Võ Văn Xinh cho biết. |
Bài, ảnh: TRANG THY