(Báo Quảng Ngãi)- Một đôi vợ chồng ngư phủ gần như cả một đời gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chưa kịp mừng khi được sở hữu “con tàu 67”, thì nay nước mắt họ lại rơi ngay trên tàu cá mà họ gửi biết bao niềm kỳ vọng. Đôi vợ chồng ấy sắp sửa phải ra hầu tòa khi bị ngân hàng khởi kiện, vì để nợ quá hạn kéo dài.
Vợ chồng ngư dân kém may ấy là ông Ao Xuân Tiến và bà Nguyễn Thị Tròn, ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn). Họ là chủ nhân của “con tàu 67” mang số hiệu QNg-90599TS. Đằng sau vụ kiện tụng này là nỗi buồn chồng chất mà vợ chồng ngư dân Tiến đang phải trải qua...
Niềm vui chưa tày gang
Chiều muộn một ngày cuối tháng 10. Ngồi trên “con tàu 67” của mình đang nằm bờ ở cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), vợ chồng ngư dân Tiến lục lại đống giấy tờ của tàu mà lòng nặng trĩu âu lo. Vợ chồng ông lo vì vừa mới nhận được yêu cầu của TAND huyện Bình Sơn thông báo việc tòa đã tiếp nhận đơn khởi kiện từ ngân hàng.
Ngư dân Ao Xuân Tiến đã rơi nước mắt ngay trên “con tàu 67” của mình. |
Trong giấy thông báo khởi kiện xử lý tài sản đảm bảo là tàu cá QNg-90599TS để thu hồi toàn bộ nợ vay trước hạn và toàn bộ phần tiền lãi ngân sách nhà nước đã cấp bù từ Vietcombank Quảng Ngãi. Khoản tiền mà vợ chồng ông Tiến đang nợ (tính đến tháng 7.2018) lên đến hơn 6 tỷ 737 triệu đồng. Trong đó, nợ gốc là 6,579 tỷ đồng, tiền nợ lãi vay trên 156 triệu và lãi phạt quá hạn gần 2 triệu đồng. “Làm chủ “con tàu 67” mà vui chưa được tày gang. Không trả được nợ chắc ngân hàng lấy tàu mất thôi. Nếu như tàu tôi không bị nạn thì mọi chuyện đã khác. Cả đời bám biển đánh bắt cá có bao giờ nghĩ có ngày mình bị kiện ra tòa như vầy đâu”, ông Tiến nói mà đôi mắt đỏ hoe.
"Những ngư dân như chúng tôi chỉ có con tàu làm kế sinh nhai. Bây giờ mà tôi có được giàn lưới như xưa hoặc giàn lưới cũ chừng 300 triệu đồng thôi, là tôi tin chắc mình sẽ ra khơi đánh bắt và có tiền trả nợ cho ngân hàng".
|
Năm 2016, vợ chồng ngư dân Tiến được Vietcombank Quảng Ngãi giải ngân vốn cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Con tàu ông đóng (cả ngư lưới cụ) giá trị lên đến 10 tỷ đồng. Trong số này, Vietcombank Quảng Ngãi cho vay theo Nghị định 67 là 6,8 tỷ đồng, 3,2 tỷ đồng còn lại vợ chồng ông tích góp và chạy vay mượn nhiều nơi, bán cả đất ở để dồn hết vào con tàu tâm huyết.
Ngày hạ thủy con tàu, vợ chồng ông mừng rơi nước mắt, vì giấc mơ được sở hữu “tàu 67”, được ngang dọc trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của hai vợ chồng đã thành hiện thực. Con tàu công suất 823CV đã cùng ông và anh em bạn vươn ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa lấp lánh bao niềm hy vọng...
Ông Tiến kể: "Thời điểm đó, ra Hoàng Sa đánh bắt chuyến nào cũng có lãi, vợ chồng tôi trả nợ cho ngân hàng đều đặn. Mỗi quý trả cả tiền lãi lẫn tiền gốc trên 200 triệu đồng, không có chuyện để xảy ra nợ xấu. Hai vợ chồng mừng lắm, nhưng vui chẳng được bao lâu.
Đánh bắt yên an đến tháng 4.2018, thì trong một phiên biển ở ngư trường Hoàng Sa tàu cá của tôi không may gặp sóng to, gió lớn kéo đứt và mất gần như toàn bộ giàn lưới đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng". Nói đến đây, ông Tiến chìa tay đưa cho chúng tôi tờ giấy có xác nhận của Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ liên quan đến tai nạn này trên biển.
Kể từ ngày tàu bị mất lưới, vợ chồng ông phải cho tàu nằm bờ. Nhiều ngày ròng, ông Tiến cùng vợ chạy đôn chạy đáo khắp nơi để vay mượn tiền mua sắm lại giàn lưới mới ra khơi, nhưng không tìm được chỗ nào để vay mượn. Đất đai, nhà ở đều thế chấp cho ngân hàng. Vay nóng thì lãi suất quá cao, vợ chồng ông sợ kham không nổi. Hết cách, nợ vay của vợ chồng ông từ “con tàu 67” cũng “đội” thành nợ xấu.
Nghĩ không thể để tàu nằm bờ mãi, ông Tiến mua tạm 55 tấm lưới cũ để bỏ lên tàu, gọi thêm bạn biển trở lại với Hoàng Sa, một phần để khai thác hải sản, một phần là để có được thêm nguồn tiền hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước mà lấy đó làm “chỗ ngó” trả nợ cho ngân hàng. Nhưng càng đi thì càng lỗ, vì có vài tấm lưới thì làm gì được nhiều cá tôm trên đại dương rộng lớn. Vậy là, vợ chồng ông lại đưa tàu về lại nằm bờ. “Giá như có được giàn lưới như ngày xưa thì đâu có ra nông nỗi như bây giờ, đâu để ngân hàng kiện tôi ra tòa như hôm nay”, ông Tiến buồn bã.
Mong giữ được tàu
“Nhà nước giúp vợ chồng tôi có được “con tàu 67” như vầy thì không gì vui mừng bằng. Nếu không bị nạn, không bị mất lưới, thì giờ này chồng con tôi đang ở Hoàng Sa đánh bắt chứ đâu có lo sợ bị lấy lại tàu vì không trả được nợ cho ngân hàng như lúc này. Bao nhiêu vốn liếng và hy vọng đều dồn hết vào con tàu, giờ mà mất nó, bị ngân hàng khởi kiện xử lý tài sản con tàu thì cả nhà tôi biết dựa vào đâu để sống”, bà Tròn, vợ ngư dân Tiến, nói mà nước mắt lăn dài trên má.
Vợ chồng ngư dân Ao Xuân Tiến đang đối mặt với vụ kiện của ngân hàng. |
“Con tàu 67” được vợ chồng ngư dân Tiến đặt tên là Tài Lợi. Vậy nhưng, nó chẳng giúp được vợ chồng ông có lợi gì sau tai nạn trên biển. Nỗi lo chồng chất nỗi lo. Vợ chồng người ngư dân một đời bám biển, bám Hoàng Sa, Trường Sa mưu sinh này chỉ mong có được giàn lưới mới để có thể ra khơi gầy dựng lại nghiệp biển. Chỉ có như vậy, ước mong bám biển giữ đảo, giữ lấy “con tàu 67” mưu sinh mới thành hiện thực.
“Nhà nông thì có con trâu, con bò, cái cày để mưu sinh, còn những ngư dân như chúng tôi chỉ có con tàu làm kế sinh nhai. Bây giờ mà tôi có được giàn lưới như xưa hoặc giàn lưới cũ chừng 300 triệu đồng thôi, là tôi tin chắc mình sẽ ra khơi đánh bắt và có tiền trả nợ cho ngân hàng. Nhưng thiệt khó vì tôi đã hết cách rồi”, vừa dứt lời, ông Tiến khóc nấc trên mạn tàu.
Một ngư dân can trường bám biển Hoàng Sa, Trường Sa đã rơi nước mắt ngay trên “con tàu 67” của mình. Vợ của người ngư phủ ấy cũng cạn khô nước mắt trước nỗi lo ra tòa, mất đi phương tiện mưu sinh duy nhất của gia đình.
Giờ đây, người ngư dân khốn khổ này chỉ mong phép màu sẽ đến với gia đình ông, để ông có được giàn ngư lưới cụ như xưa vươn khơi. Khi đó, mọi khó khăn sẽ được hóa giải. Khi đó, mong ước giữ lại con tàu vươn ra Hoàng Sa, Trường Sa sẽ trở thành hiện thực. Và, người ta có thêm niềm tin rằng, những ngư dân giữ biển nơi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa như ông sẽ không đơn độc...
Bài, ảnh: UYÊN ANH