Chuyện tố cáo tội ác ở chuồng cọp Côn Đảo

06:12, 16/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày những bức ảnh chụp ở chuồng cọp Côn Đảo được đăng trên tạp chí Life khiến cả thế giới bàng hoàng trước tội ác man rợ diễn ra ở nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, câu chuyện tố cáo tội ác ở chuồng cọp Côn Đảo được cựu tù chính trị Cao Nguyên Lợi kể lại qua những bức ảnh mà ông gìn giữ cẩn trọng mấy chục năm qua.

TIN LIÊN QUAN

Sau lần gặp ông Cao Nguyên Lợi tại Quảng Ngãi vào tháng 8.2017, chúng tôi càng thêm thấu hiểu câu chuyện “Từ trái tim đến trái tim” mà ông muốn những người trẻ như chúng tôi phải trực tiếp tìm hiểu và cảm nhận bằng chính trái tim của mình. Ông không muốn nói nhiều về bản thân, trân quý lắm mới cho chúng tôi xem những bức ảnh do những người bạn Mỹ gửi tặng, họ là những người đấu tranh vì hòa bình, phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.   

Từ những bức ảnh trên tạp chí Life…

Câu chuyện được ông Cao Nguyên Lợi mở đầu từ việc đưa cho chúng tôi xem bài báo cùng với những hình ảnh đăng trên tạp chí Life ngày 17.7.1970. Đó là những hình ảnh do Tom Harkin chụp ở chuồng cọp Côn Đảo. Lúc bấy giờ, cả thế giới sửng sốt trước một bí mật khủng khiếp mà trước đó không thể hình dung những thủ đoạn man rợ đến cùng cực lại được sử dụng để tra tấn người tù. Bí mật về “nhà tù trong nhà tù” được chính quyền Sài Gòn giấu kín suốt một thời gian dài, có rất ít người tù sống sót trở về một khi bị giam cầm, đày đọa ở chuồng cọp.  

Cựu tù chính trị Cao Nguyên Lợi (bên trái) kể chuyện về các thành viên trong đoàn nghị sĩ Mỹ khi phát hiện ra chuồng cọp ở Côn Đảo.                                                                                                                                                                                                                                          ảnh: PL
Cựu tù chính trị Cao Nguyên Lợi (bên trái) kể chuyện về các thành viên trong đoàn nghị sĩ Mỹ khi phát hiện ra chuồng cọp ở Côn Đảo. ảnh: PL


Những bức ảnh ở chuồng cọp Côn Đảo sau đó được hàng chục tờ báo lớn ở 33 nước đăng lại, phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam cũng từ đó lan rộng trên toàn thế giới. Làm sao chụp được những bức ảnh này là một câu chuyện dài, đầy mạo hiểm và đáng trân trọng, bởi những con người có trái tim nồng ấm, yêu chuộng hòa bình.

Cuối năm 1969 đến đầu 1970, ở Sài Gòn liên tiếp diễn ra những cuộc biểu tình yêu cầu trả tự do cho các sinh viên đang bị giam ở Côn Đảo. Vào ngày 25.5.1970 nhà cầm quyền buộc phải trả tự do cho một số sinh viên bị giam ở Côn Đảo, trong đó có ông Cao Nguyên Lợi. Là một người thông minh, chỉ hai lần chú ý quan sát đường đi từ chuồng cọp ra ngoài (một lần cai ngục dẫn giải từ chuồng cọp ra ngoài thăm mẹ và một lần đưa ra ngoài để trả tự do), ông đã vẽ trong đầu sơ đồ vào chuồng cọp.

Sau khi thoát khỏi ngục tù, ông Cao Nguyên Lợi đấu tranh tố cáo tội ác man rợ của nhà cầm quyền ở chuồng cọp Côn Đảo. Và, ông đã gặp được Don Luce, Tom Harkin, cũng từ đây sự thật về chuồng cọp ở Côn Đảo được phơi bày, bài báo cùng những hình ảnh ở chuồng cọp Côn Đảo đi vào lịch sử trên tạp chí Life, làm chấn động dư luận trên thế giới.

Hành động của lương tri  

Chỉ cho chúng tôi đâu là Don Luce và Tom Harkin trong bức ảnh năm xưa, ông Cao Nguyên Lợi nói: “Họ tin mình nên mới đi ra Côn Đảo. Nguy hiểm biết chừng nào nếu ra Côn Đảo mà không tìm được chuồng cọp...”. Don Luce khi đó dạy ở Trường Đại học Canh Nông (Sài Gòn), ông phục vụ 13 năm ở Việt Nam như một nhà thiện nguyện.

Biết được câu chuyện ở chuồng cọp qua lời kể của Cao Nguyên Lợi, Don Luce giới thiệu Cao Nguyên Lợi gặp Tom Harkin (khi đó là trợ lý của Quốc hội Mỹ, đi cùng đoàn nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu tình hình cuộc chiến). Tom Harkin tin lời của Cao Nguyên Lợi rằng, chuồng cọp ở Côn Đảo là có thật và ông đã thuyết phục được nghị sĩ Augustus Hawkins và nghị sĩ William Anderson đồng ý ra điều tra về chuồng cọp ở Côn Đảo. Don Luce được mời đi cùng trong vai phiên dịch.

Khi vừa đặt chân đến phi trường Côn Sơn, các thành viên trong đoàn nghe tên cố vấn trưởng về nhà tù của chính quyền Sài Gòn “rót” vào tai những thông tin, rằng chuồng cọp Côn Đảo chỉ là ám ảnh từ thời thực dân Pháp, Côn Đảo là “nhà tù của thế giới tự do”...

Đúng như dự đoán của Cao Nguyên Lợi, tên chúa đảo Nguyễn Văn Vệ dẫn đoàn đi lòng vòng hòng kéo dài thời gian, tránh không phát hiện ra chuồng cọp. Lúc gần hết thời gian, Tom Harkin yêu cầu dẫn đến Trại IV-trại cải huấn Côn Sơn. Lần theo bản đồ dẫn đến chuồng cọp Cao Nguyên Lợi đã vẽ, đoàn nghị sĩ bước qua cánh cổng thứ nhất rồi rẽ bên phải, đi đến một bức tường chắn ngang có một cánh cửa nhỏ đóng kín, trước cánh cửa là vạt rau lang mới trồng để ngụy trang.

 Một trong những bức ảnh người tù bị giam cầm ở chuồng cọp do Tom Harkin chụp.
Một trong những bức ảnh người tù bị giam cầm ở chuồng cọp do Tom Harkin chụp.


Khi Tom Harkin yêu cầu mở cửa ở bức tường chắn ngang, chúa đảo Nguyễn Văn Vệ ngụy biện rằng, bên kia cánh cửa là một trại giam bình thường, muốn đến trại giam đó phải đi vòng lối khác; cánh cửa này đã khóa nên trong không mở được. Vừa nói, theo thói quen Vệ gõ ba toong vào cánh cửa, ở phía bên kia tên cai ngục tưởng rằng chúa đảo yêu cầu mở cửa nên đã lập tức mở cánh cửa dẫn vào chuồng cọp. Đoàn nghị sĩ bước vào chuồng cọp trong sự sửng sốt và xúc động khi tận mắt chứng kiến “địa ngục trần gian” với hình ảnh người tù bị cùm xiềng, đày đọa với những thủ đoạn mất nhân tính của chính quyền Sài Gòn.

Những người tù bị giam cầm ở chuồng cọp đã tố cáo tội ác của nhà cầm quyền lên đoàn nghị sĩ Mỹ. Tom Harkin chụp hình, ghi âm; Don Luce phiên dịch và hai nghị sĩ Augustus Hawkins, William Anderson đã quan sát, lắng nghe. Trong số những bức ảnh Tom Harkin chụp có hình bà Sáu (60 tuổi) bị mù cả hai mắt do bị tạt vôi bột và hình của Đại đức Thích Hành Tuệ bị đày đọa vì đấu tranh cho hòa bình...

Những bức ảnh này chính là lời tố cáo tội ác ghê rợn của chính quyền Sài Gòn ở chuồng cọp Côn Đảo. Khi trở về Mỹ, Tom Harkin đã lập tức đăng những bức ảnh ở chuồng cọp Côn Đảo trên tạp chí Life, làm chấn động dư luận thế giới. Don Luce cũng viết nhiều bài báo tố cáo tội ác của nhà cầm quyền ở chuồng cọp Côn Đảo. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa buộc phải ra lệnh dỡ bỏ chuồng cọp Côn Đảo.
                                                             
Trở lại với câu chuyện “Từ trái tim đến trái tim”, qua những bức ảnh mà cựu tù chính trị Cao Nguyên Lợi gợi mở, chúng tôi hiểu được rằng, đó là sự gắn kết của những trái tim biết yêu thương đồng loại, luôn sống vì công lý và yêu chuộng hòa bình. Có lẽ cũng vì thế mà ông Cao Nguyên Lợi, Tom Harkin và Don Lauce đã bất chấp mọi nguy hiểm để tìm cho ra sự thật về chuồng cọp Côn Đảo, tố cáo tội ác của chính quyền Sài Gòn ra toàn thế giới. Họ là những sứ giả đấu tranh cho hòa bình từ hai chiến tuyến.

PHƯƠNG LÝ-BẢO HÒA


 


CÁC TIN KHÁC
.