"Giữ hồn" cho Tết Trung thu

06:09, 11/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung thu đến cũng là dịp các đoàn lân biểu diễn sôi động phố phường. Ít ai biết, đằng sau tiếng trống lân rộn ràng, giục giã cùng những con lân đầy sắc màu uyển chuyển trong các bài múa là nghiệp diễn đầy đam mê của những người đã “trót” gắn bó với nghề chơi lắm công phu này...

TIN LIÊN QUAN

Ký ức một thời

Quảng Ngãi hiện có khoảng 7 đoàn lân sư rồng, được xem là những đoàn lân lớn trong tỉnh. Đây là những đoàn lân có sự đầu tư về trang phục, dụng cụ và tập luyện các bài diễn, bộ gõ. Trong đó, Đoàn Nghệ thuật lân sư rồng Hoa Sen là đoàn lân hoạt động lâu đời nhất, mà những người thành lập và gắn bó với “nghiệp diễn” này nay đều trên dưới 50 tuổi.

Múa lân là phong tục dân gian đặc sắc thu hút nhiều người xem.
Múa lân là phong tục dân gian đặc sắc thu hút nhiều người xem.


Nhắc về ký ức một thời, ông Võ Tấn Long, ở phường Nguyễn Nghiêm (TP. Quảng Ngãi) cho hay, đoàn lân Hoa Sen thành lập năm 1987, lúc đó ông là học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Quốc Tuấn. Như một sự thuận duyên và quyết tâm, nhóm bạn ông Long mua lại đầu lân cũ của đoàn lân xóm Chùa Hội Phước (phường Nghĩa Lộ), với giá 15.000 đồng, một số tiền khá lớn thời đó. Lúc đó, ông Long hay vào chùa Tĩnh Hội để học bài, nên địa điểm được chọn thành lập đoàn lân là chùa Tĩnh Hội (nay là chùa Pháp Hóa, trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi). Vì lẽ đó, mọi người hay gọi đoàn lân Hoa Sen là lân Chùa.

Ở thị xã Quảng Ngãi lúc ấy có một đoàn lân lớn và đẹp là đoàn lân do một số gia đình ở đường Duy Tân và Ngô Quyền thành lập. Năm 1988, ông Nguyễn Ngọc Trung và Võ Tấn Long đến mượn mẫu đầu lân của đoàn lân này về mua nguyên liệu và tự làm đầu lân.

Cuối năm 1989, Thượng tọa Thích Nguyên Minh ở chùa Tĩnh Hội đặt ba chữ cho đoàn lân Chùa là Tứ - Phúc - Sứ, in lên bộ trang phục mới của đoàn lân. Tứ - Phúc - Sứ nghĩa là đoàn lân là sứ giả của bốn phương mang đến may mắn cho gia chủ. Đoàn lân Chùa hoạt động rất sôi nổi, biểu diễn khắp các tuyến đường trong thị xã, thu hút và kết nạp thêm nhiều thành viên ở các đoàn lân nhỏ lẻ khác.

“Ngày 14, 15.8 âm lịch hằng năm, các đoàn lân diễn ở các tuyến đường trung tâm thị xã. Trong số các đoàn lân, lân Chùa được nhiều người yêu thích. Diễn từ đầu đến cuối đường đã gần 2 giờ sáng, nhưng nhiều nhà vẫn mở cửa để chờ đoàn lân Chùa vào. Thù lao tùy theo từng nhà, nhưng chủ yếu vui là chính”, ông Võ Tấn Long nhớ lại.

Những năm trước, đêm 15.8 âm lịch, không hẹn mà gặp, các đoàn lân lớn nhỏ đều tập trung về đường Duy Tân. Đêm Trung thu được xem như “hội thi không chính thức” để các đoàn lân thể hiện sự đầu tư và biểu diễn các bài múa của mình. Sau này, phần lớn người Hoa ở đây chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống nên các đoàn lân không còn tập trung về đây mà trải ra các tuyến đường... Tính đến nay, đoàn lân Chùa đã hoạt động gần 30 năm. Từ đây, nhiều người đã tách riêng thành lập các đoàn lân như Hội quán Triều Châu, Phước Quá Đường, Sen Lạc Hội... góp phần tạo nên sự sôi nổi của phong trào múa lân trong tỉnh.

Nghề chơi tốn kém

“Đầu tư bài bản về trang phục, dụng cụ, bộ gõ gồm trống hội, xập xả, cái chiêng cho đoàn lân phải tốn tầm 100 triệu, ít nhất là từ 50 - 60 triệu. Đầu lân đẹp phải mua từ TP. Hồ Chí Minh hoặc nhập từ Malaysia, Singapore giá khoảng 15 - 20 triệu đồng/cái mới đảm bảo chất lượng. Cộng các chi phí hậu cần, thuê xe, nên sau một mùa biểu diễn Trung thu, số tiền thu về... lỗ là chính dù có ngày chạy “show” liên tục theo hợp đồng đến nửa đêm mới về. Vậy mà chỉ cần nghỉ một mùa không biểu diễn là cảm thấy thiếu vắng rồi. Cho nên ai đã gắn bó với nghiệp diễn này đều không tính toán đến số tiền đầu tư”.
 Ông LÊ MINH TRIẾT - Trưởng đoàn lân sư rồng Sen Lạc Hội cho hay.

Nhọc nhằn tập luyện

Đa phần những đoàn lân lớn ở Quảng Ngãi đều thành lập khoảng 5, 6 năm trở lại, do những người từng gắn bó với môn “nghệ thuật đường phố”, vì đam mê nên sau này có điều kiện đầu tư thành lập. Mỗi đoàn lân thường có từ 50 - 60 thành viên chủ yếu từ 17 - 20 tuổi. Điều khá đặc biệt đó là, các thành viên trong đoàn lân đều có tính kỷ luật cao, người nhỏ lễ phép với người lớn.

Hằng năm, trước mùa Trung thu, các đoàn lân phải tập luyện trước vài tháng để các thành viên biểu diễn thuần thục và chuẩn bị sức khỏe cho những ngày diễn kín lịch. “Mỗi bài diễn từ 45 - 60 phút. Mỗi năm, các đoàn lân thường sáng tạo bài diễn và bộ gõ theo mức độ khó hơn để tạo nét đổi mới, thú vị cho người xem. Để tham gia đoàn lân, những thành viên còn nhỏ tuổi phải được sự đồng ý của gia đình, hoặc người phụ trách đoàn lân gọi điện đến phụ huynh để hỏi ý kiến khi có người muốn gia nhập”, ông Trần Trung Anh, trưởng đoàn Nghệ thuật lân sư rồng Hồng Lạc (TP.Quảng Ngãi) cho hay.

Vất vả, thậm chí là đuối sức, đó là cảm nhận của những thành viên trong các đoàn lân khi nhớ về những ngày đầu tiên tập tành và tham gia biểu diễn. Những bài múa rất công phu cần nhiều sự đầu tư, kỹ thuật và thời gian tập luyện mà không phải ai cũng thực hiện được. Người tham gia phải có năng khiếu và sức khỏe. Nhưng điều thật lạ, đó là hầu như với những người đã gắn bó với múa lân đều rất khó bỏ.

Dù mỗi người làm mỗi nghề, ở các nơi khác nhau nhưng trước Trung thu đều tập trung về tập luyện. Võ Tấn Triều ở phường Nghĩa Lộ, thành viên đoàn lân sư rồng Sen Lạc Hội là người được nhận xét có trình độ biểu diễn múa lân cho hay: “Theo nghiệp diễn múa lân chủ yếu cần phải có sự đam mê. Người đã đam mê rồi thì... khổ lắm, bởi luôn hăng say tập luyện để thực hiện thành công động tác”.

“Kỹ thuật múa lân mỏ dỉnh và lân mỏ tròn khác nhau. Cụ thể lân mỏ tròn múa nhẹ nhàng, uyển chuyển thiên về nghệ thuật; còn lân mỏ dỉnh múa công phu, mạnh mẽ thiên về võ thuật nhiều hơn. Hiện nay, các đoàn lân sáng tạo thêm các bài múa và bài trống nhưng vẫn dựa trên các bài cơ bản. Trong các bài múa như Mai Hoa Thung, Địa bửu, Tứ quý... thì Mai Hoa Thung khó thực hiện nhất và ở Quảng Ngãi chưa có đoàn nào thực hiện được”, ông Lê Minh Triết, trưởng đoàn lân sư rồng Sen Lạc Hội chia sẻ.

Biểu diễn “không đồng”

Mỗi đoàn lân đều mang tên gửi gắm nhiều ý nghĩa, trong đó ý nghĩa lớn nhất là múa lân nhằm mang đến niềm vui tinh thần, may mắn và phát đạt cho mọi người. Ngoài biểu diễn, nhiều đoàn lân còn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động từ thiện như diễn miễn phí, mua gạo và quà tặng cho những người khó khăn ở chợ và bệnh viện...

Trong quá trình hoạt động của mình, các thành viên của đoàn Nghệ thuật lân sư rồng Hồng Lạc nhớ mãi kỷ niệm biểu diễn từ thiện tại chương trình Trung thu cho trẻ em ở vùng cao Trà Nham (Tây Trà) năm 2015. Đoàn di chuyển đến cả ba xe để chở gần 50 thành viên lên núi, xuất phát từ TP.Quảng Ngãi lúc 8 giờ đến 14 giờ mới đến Trà Nham, sau đó phải theo xe tải chở keo mới đến được điểm tổ chức.

Chặng đường dài, quanh co khiến nhiều thành viên lần đầu lên núi ê ẩm. “Nhiều em nhỏ đi bộ vượt đường núi, chế mì tôm ăn trưa để chờ được xem lân. Có những em mắt tròn xoe, ngơ ngác vì lần đầu tiên nhìn thấy lân nên háo hức xem đến hết, khiến ai cũng cảm động, biểu diễn hăng say, dù đó là buổi diễn “không đồng”, Đặng Trần Hiếu ở Tịnh Phong (Sơn Tịnh), đoàn lân Hồng Lạc tâm sự.

Hay như có những đoàn lân biểu diễn trong các hoạt động lớn của tỉnh, mà đối với họ đó không chỉ là niềm đam mê mà còn là niềm tự hào khi đóng góp vào các phong trào. Trong Lễ khao Lề thế lính Hoàng Sa, đoàn Sen Lạc Hội biểu diễn tại huyện đảo Lý Sơn mang đến nhiều trải nghiệm cho các thành viên trong đoàn. Những niềm vui của múa lân và tràng pháo tay của người xem chính là động lực để nhiều người mang lân lên rừng xuống biển phục vụ khắp nơi...

Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


CÁC TIN KHÁC
.