(Baoquangngai.vn)- Từ khi phong trào chơi lan rừng rộ lên, lan rừng trở nên có giá, nhiều người dân ở miền núi cũng bén duyên với nghề "săn" lan rừng từ đó. Lan rừng mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình, nhưng ít người biết rằng, để tìm được những nhánh hoa lan rừng, người "săn" lan phải đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, rủi ro...
Theo chân "thợ săn”
Sau mấy lần lỡ hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng đã nhận được sự đồng ý, cho tham gia cùng của một nhóm chuyên "săn" lan rừng ở huyện miền núi Sơn Hà. Nhóm có 5 người, đồ đạc phục vụ cho chuyến đi "săn" lan rừng rất đơn giản. Ngoài chiếc xe máy không thể thiếu, hành trang mang theo là một ba lô con cóc (ba lô bộ đội), trong đó dao, kéo để cắt lan, cơm, một số đồ ăn nhanh và nước uống.
7 giờ sáng, cả nhóm bắt đầu lên đường trên 4 chiếc xe máy chạy dọc tuyến đường Di Lăng- Trà Trung hướng từ Sơn Hà về phía huyện Tây Trà. Khi đến khu rừng tại địa phận xã Trà Trung (Tây Trà), cả nhóm quyết định dừng lại, để xe ở khu vực bìa rừng, lấy đồ nghề để chuẩn bị cuốc bộ vào rừng.
Men theo con đường rừng, len lỏi qua khe, suối và những đoạn dốc cao, chúng tôi đi sâu vào rừng. Vừa đi anh Đinh Văn Nhít ở xã Sơn Bao- một thành viên trong nhóm vừa chỉ tay về phía những tán rừng già có nhiều cây cổ thủ ở phía xa nói: Lan rừng bây giờ hiếm, không nhiều đâu. Trước đây chỉ cần đi một đoạn là có thể tìm được, nhưng giờ nhiều người đi hái lan nên muốn có phải đi thật sâu vào nơi những cánh rừng già.
|
Để hái được lan, người hái phải trèo lên những cây cao hàng chục mét. |
Sau hơn 1 giờ đồng hồ cắt rừng, chúng tôi đã đến khu vực có những tán rừng cổ thụ. Thật may, khi vừa đến nơi, nhóm chúng tôi đã phát hiện những nhánh lan thủy tiên, lan quế đang bám chặt trên những cây gỗ ké cao chót vót. Ngồi nghỉ một lát, các thành viên trong nhóm bắt đầu công việc hái lan.
Anh Đinh Văn Xa- thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm được giao nhiệm vụ thực hiện công việc hái lan. “Trẻ nhưng có khả năng leo trèo và hái lan giỏi nhất nhóm đấy” - anh Nhít vỗ vai anh Xa giới thiệu với chúng tôi. Không một chút do dự, anh Xa nhanh tay bám lấy thân cây leo lên một mạch lên gần ngọn cây cao khoảng gần 20m. Lên đến nơi, anh Xa khéo léo đu người ra những cành cây có lan rừng mọc dùng dao nhanh tay cắt lấy những nhánh lan rồi ném xuống đất. Bên dưới, anh Nhít cùng 2 người nữa đã đợi sẵn để nhặt những nhánh lan phân loại ra từng nhóm và bó chúng lại từng bó.
Nhìn anh Xa lơ lửng trên cao chúng tôi không khỏi lo lắng, chỉ biết nín thở dõi theo. Anh Đinh Văn Một- một người trong nhóm phân trần: “Bọn tui làm nghề này, leo trèo như thế quen rồi”.
|
Lan rừng được phân loại, bó thành từng bó khác nhau |
Hơn 40 mươi phút lơ lửng trên ngọn cây, vừa xuống đất, người đầm đìa mồ hôi nhưng không tỏ ra mệt mỏi, trái lại anh Xa còn tỏ ra phấn khích với chiến lợi phẩm mình vừa lấy được. “Thời điểm này, thị trường tiêu thụ lan rừng khá mạnh, chỉ cần tìm được lan rừng, số lượng bao nhiêu các thương lái cũng thu mua với giá từ 60 ngàn/kg trở lên tùy từng loại. Ước chừng bấy nhiêu cũng gần 20kg rồi đấy. Nghỉ một lát rồi mình đi kiếm tiếp”- vừa cầm chai nước chè xanh uống anh Xa vừa nói với chúng tôi.
Khi mọi người trong nhóm bó lan xong, cả nhóm lại tiếp tục di chuyển sang khu vực khác. Đi được một đoạn, chúng tôi lại phát hiện thêm địa điểm lan mọc trên những cành cây cổ thụ cao. Cũng với công đoạn tương tự, khoảng gần 1 tiếng sau, hơn hai chục ký lan rừng các loại cũng được nhóm "thợ săn" phân loại, bó gọn thành từng bó.
Sau khi lập được “chiến công” với khoảng hơn bốn chục ký lan chỉ trong vòng nửa ngày trời, cả nhóm quyết định dừng chân dưới bóng cổ thụ cạnh một con suối nhỏ để nghỉ ngơi và ăn cơm trưa.
Chuyện nghề
Nghề “săn” lan rừng hầu như diễn ra quanh năm, trừ những tháng mùa mưa. Thường mỗi nhóm đi từ 3-4 người (chủ yếu là anh em họ hàng). Những năm gần đây, khi thú chơi lan rừng ngày càng được nhiều người ưa thích, vào rừng kiếm lan rừng để bán dần trở thành một nghề tăng thêm thu nhập cho không ít bà con đồng bào vùng cao.
“Nghề này cũng thất thường lắm! Có nhiều hôm, chúng tôi phải mất mấy tiếng đồng hồ mới tìm được lan. Cũng có khi phải bạt rừng tìm kiếm cả buổi mà đành tay trắng trở về. Khi may mắn thì đi là gặp" - anh Nhít bắt đầu kể chuyện nghề với chúng tôi trong lúc ngồi nghỉ ngơi.
Với vẻ mặt trầm ngâm, anh Nhít chia sẻ, nghề này ngó vậy mà nhọc nhằn lắm. Để có được những nhành lan rừng đem về là một quá trình vất vả, đầy mồ hôi và cả máu của người làm “nghề”. Chỉ những người có "gan lớn" và đặc biệt là leo trèo giỏi mới làm được nghề này thôi. Bởi, càng ngày rừng càng bị thu hẹp, các loại hoa lan càng ít và hiếm nên người hái lan phải đi vào rừng sâu hơn, xa hơn, treo mình trên những ngọn cây cao hơn mới có thể tìm thấy lan rừng, cùng theo đó thời gian mỗi lần đi hái lan lại dài hơn, vất vả hơn.
|
Đằng sau những nhánh lan rừng là những vất vả, nguy hiểm của những người hái lan |
Tiếp câu chuyện giữa anh Nhít với chúng tôi, anh Một ngồi gần đấy cũng trải lòng. Hơn 3 năm gắn bó với cái nghề “đánh bạc" với rừng này, nếm trải qua bao khó khăn, vất vả, anh Một cho biết, tìm được địa điểm lan mọc đã khó, việc lấy được lan cũng không hề đơn giản.
Phần lớn các loại lan rừng đều sống ký sinh trên những thân, cành cây đã khô và mục, hoặc những cây cao ở rừng sâu… nên để lấy được chúng họ phải leo lên cây. Công việc này hết sức nguy hiểm. Người “săn” lan đeo bám trên những cây cao hàng chục mét, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ cũng đủ biết hậu quả xảy ra như thế nào. Thế nên chuyện nhiều người đi hái lan bị trầy xước, vắt cắn… là chuyện “thường ngày ở huyện” của cánh “thợ săn” lan rừng.
Dù đầu ra thời điểm này khá ổn định và giá thu mua cao, song với những người hành nghề “săn” lan rừng thì nghề này 50- 50. Bởi không phải lúc nào cũng có thu nhập cao. Nhiều người chỉ xem đây là công việc tạm thời, vì miếng cơm manh áo, vì kế sinh nhai của cả nhà.
“Thu nhập thất thường lắm, có hôm kiếm được nhiều loại lan đẹp thì bán giá cao, chia cho anh em mỗi người cũng được vài trăm nghìn đồng hoặc cả tiền triệu, những cũng có hôm tiền bán lan không đủ chi phí, thậm chí có hôm về tay trắng. Nhưng được cái vui vì trong những lúc rảnh rỗi kiếm được đồng tiền, dù ít nhiều cũng thấy quý hơn ở nhà không có việc làm”- anh Nhít tâm sự.
Trò chuyện với chúng tôi xong, đồng hồ cũng đã chỉ sang 1 giờ chiều, cả nhóm lại tiếp tục hành trình lên đường. Dù buổi chiều nay, cả nhóm không may mắn như buổi sáng, nhưng anh em trong trong nhóm cũng khá hài lòng và tạm rời rừng trở về nhà với chiến lợi phẩm là hơn 50kg lan rừng các loại. Sáng sớm mai, số lan rừng này sẽ được thương lái đến tận nhà thu mua. Bán lan xong, họ lại tiếp tục lên đường vượt rừng núi để mưu sinh.
Một ngày theo chân nhóm “thợ săn” lan mới thấy cái nghề này cũng gian truân, không phải khi nào cũng có những thành quả ngọt ngào. Trong câu chuyện dài của nghề “săn” lan rừng, mới hiểu hết sự hiểm nguy của nghề như người ta nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.
Không thể phủ nhận rằng lan rừng là nguồn thu nhập của một bộ phận người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống. Mặt khác chơi lan còn là thú vui tao nhã của không ít người. Song, bên cạnh việc khai thác nguồn lợi từ rừng, thì người dân cũng cần có ý thức bảo vệ. Bởi để có nhiều lan rừng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, nếu người dân cứ khai thác theo kiểu ồ ạt như hiện nay, thì chắc chắn trong tương lai nguồn gen lan rừng sẽ cạn kiệt. |
Bảo Ngọc