Mua cá trên biển

10:09, 17/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đợi chờ, nôn nao, cuối cùng tôi cũng được đặt chân lên con tàu gỗ 60 CV cùng những người dân Bình Châu nhổ neo ra khơi mua cá. Một đêm trắng đồng hành cùng họ mới hiểu được cực nhọc của nghề này so với đánh bắt cá thật ra chẳng khác nhau là mấy.

TIN LIÊN QUAN

* Chiều ra khơi

12 giờ trưa, đang chuẩn bị rời khỏi cơ quan, tôi nhận được cuộc điện thoại của ông chủ cơ sở chế biến cá khô xuất khẩu Võ Văn Pháp ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn), rủ tham gia chuyến mua cá ban đêm trên biển. Dù chưa một lần lênh đênh qua đêm trên tàu cá giữa biển, nhưng tôi háo hức trả lời chắc nụi “dạ, có” và lao về nhà mặc vội bộ quần áo hợp với “nghề biển” nhất rồi chạy xe máy gần 30 cây số xuống Bình Châu.

Biển Bình Châu – vùng Châu Thuận Biển – nơi có nhiều con tàu cổ vừa được khai quật đỏ ngầu trong ráng chiều, bình yên đến lạ. Sóng lăn tăn xô bờ. Từ mép cát, tôi cùng 4 cha con ông Pháp chèo thúng ra tàu và bắt đầu nhổ neo. Tiếng máy phành phạch nhả khói đen ngòm. Trên tàu, la liệt thùng nhựa dùng để chứa cá. Một hầm 80 cây đá chật ních; nhiều loại thực phẩm cũng được mang theo để chuẩn bị sẵn sàng cho bữa tối.

 

Đưa cá đã mua lên tàu.
Đưa cá đã mua lên tàu.


Tàu chạy được độ 4 hải lý, ngọn gió nam ập đến khiến tàu tròng trành chao đảo. Cảm giác lo sợ bỗng ùa về trong tôi. Cậu út nhà ông Pháp tên Tâm đoán được ý của “khách”, trèo lên boong tàu lấy chiếc áo  phao màu cam và bảo tôi mặc vào. Chiếc áo hơi chật, khó cử động nhưng mặc nó tôi lại cảm giác yên tâm hơn. Tôi leo lên khoang lái ngồi cùng thuyền trưởng Tuấn – con trai trưởng của ông Pháp. Tuấn đã từng là ngư dân có hàng ngàn đêm trên biển dọc ngang đánh cá, mua cá. Đi riết rồi thành quen, đêm nào không lênh đênh trên biển là nhớ!

Biển vào đêm, không khí tĩnh mịch, gió thổi ràn rạt. Bữa tối dọn ra ngay trong khoang lái. Vừa ăn, ông Pháp vừa kể cho tôi nghe “đời ngư phủ” của mình với những ngày dài trên biển, nhiều phen tàu chết máy, trôi lênh đênh vô định. Nhưng tất cả chuyện ấy giờ đã xa rồi. “Đi biển bây giờ hiện đại lắm, đủ máy móc thiết bị hỗ trợ. Đấy cô thấy không, điện thoại di động mạng nào cũng ngút sóng, có gì liên lạc với anh em tàu cá khác” – ông Pháp cười khà rồi bảo con trai đưa tàu vào vũng Việt Thanh độ sâu tới 42 mét neo chờ cá…

Vì là nữ nên tôi được cha con ông Pháp ưu tiên bố trí hẳn căn buồng 3 mét vuông để nghỉ ngơi. Trời khuya, vũng Việt Thanh sáng rực bởi ánh điện lung linh phản chiếu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tôi cảm thấy mình lại có thêm một may mắn nữa là được trải nghiệm cảm giác tự hào ngắm nhìn nhà máy số 1 Việt Nam trên vùng biển đêm quê mình.

* Khuya mua cá

22 giờ, màn hình điện thoại ông Pháp hiện lên số máy của ông Sỏi – chủ tàu cá hơn 200CV  QNg 90252TS. “A lô, có” – ông Pháp trả lời cụt ngủn rồi bảo con dò tọa độ trên máy, tìm hướng tiếp cận tàu ngay. Tàu tăng hết ga, 24 giờ 45 phút, tàu của chúng tôi đã cặp mạn tàu cá QNg 90252TS. Những tấm lưới mùng xanh nặng trĩu được hơn 10 ngư dân dốc lực kéo lên. Mặc cho sóng đánh lắc lư như muốn lật úp chiếc tàu công suất nhỏ hơn 3 lần so với tàu đánh cá, 3 người con trai của ông Pháp nhảy phắt sang tàu cá, đón hàng.

 

Chọn mua cá lúc nửa đêm trên biển.
Chọn mua cá lúc nửa đêm trên biển.


Tôi cố leo sang theo họ. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cá biển vẫy vùng như thế, tiếng rào rào của hàng triệu con cá cơm, nhiều đến ngợp mắt. Ông Sỏi chủ tàu ra giá: “270 nhé! Cá cơm rặt!”. Chẳng một lời mặc cả, cá được lường bằng khay nhựa, chứ không cân như mua cá trên bờ. 15 người đàn ông trong chốc lát đã đưa toàn bộ mẻ cá vớt được từ tàu đánh cá sang tàu thu mua, đập đá, đưa vào hầm chứa. Kết thúc mẻ cá “mở hàng” của cha con ông Pháp đêm nay.

Tàu ông Sỏi rú ga mang theo hơn “20 đồng” (tức hơn 20 triệu tiền bán cá theo cách gọi của người dân biển Bình Châu) tiếp tục cuộc hành trình dò, thả lưới và kéo cá. Trước khi rời vị trí, ông Sỏi đã ném xuống tàu tặng cha con ông Pháp hơn 10 con mực ống mắt trong veo để… ăn khuya. Cậu út Tâm bắc nồi, luộc mực và dọn ra. Chưa kịp thưởng thức món mực tươi nhất mà tôi từng thấy thì ông Pháp lại nhận được điện thoại của chủ tàu cá Bình Định BĐ 52013 TS cách chúng tôi 10 hải lý. Thuyền trưởng Tuấn kéo hết ga, 2 giờ rưỡi sáng ngày hôm sau chúng tôi mới tiếp cận được tàu cá này. Lưới kéo lên xanh rì cá nục, giãy đành đạch, đánh đuôi sáng rực cả mặt nước. Thêm một chiếc tàu mua cá nữa xuất hiện. Cá được chia làm hai, mỗi tàu mua một nửa. Tiền mua cá được trả sòng phẳng ngay trên mặt biển.

3 giờ sáng, biển đen ngòm. Bốn bề là nước, ông Pháp bảo là tàu đã đến địa phận Quảng Nam. Các “ông rỗi trên” – tức là những người đã mua cá trước ông Pháp gọi điện để “sang” lại hàng. Tàu tắt máy neo chờ bạn hàng Quảng Nam. Khoảng 20 phút sau, tàu bạn đến. Trên tàu la liệt cá cơm. Những con cá cơm cước trong veo, nhỏ bằng cọng lưới. Ông Pháp mừng rơn vì vớ được mẻ “hàng đặc sản xuất khẩu”. 500 ngàn một khay, gần gấp đôi cá cơm thường. Những thùng nhựa xanh đặc quánh cá cơm cước đã làm “vơi” đi gần 50 triệu đồng trong túi của ông Pháp.

* Sáng vào lò

Khác với lúc ra khơi, tàu của ông Pháp trở về với tâm trạng “căng như dây đàn”. “Vào nhanh chứ không là cá ươn, chế biến không ngon, không đạt chất lượng xuất khẩu”  - ông Pháp nói mà mắt đăm đắm nhìn vào màn hình máy định vị giúp con điều chỉnh tay lái theo con đường gần nhất để vào bờ. Ngồi bên những thùng phi nhựa toàn là cá, tôi cảm giác như mình đang lạc giữa phiên chợ cá thu nhỏ, khiến quên mất mình đã qua một đêm trắng…

Tàu cặp bờ là lúc bình minh dâng lên, hàng chục người làm việc cho cơ sở chế biến cá cơm của ông Pháp đã chờ sẵn trên bến. Cá nhanh chóng được đưa vào nồi luộc chín, đổ ra sắp lên mành đem phơi. Mùi thơm của cá cơm tươi nực cả một góc biển. Tính ra từ lúc cá được vớt lên từ lòng biển đến khi chế biến đem phơi chỉ mất độ 8 tiếng đồng hồ. Thế nhưng quãng thời gian ấy lại diễn ra ngay trong đêm. Lúc mà mọi người ngon giấc nơi đất liền thì nghiệp mua cá lênh đênh trên biển quả là một thách thức không mấy ai vượt qua.

Ra giữa biển mua cá còn giúp cho những tàu đánh cá không phải chịu nhiều hao tổn xăng dầu trở vào bờ bán cá và đá lạnh bảo quản cá, tạo điều kiện để tàu cá an tâm bám biển dài ngày. Đối với cơ sở chế biến cá khô xuất khẩu của ông Pháp, nhờ tận tâm, uy tín nên nổi tiếng cả một vùng Bình Sơn. Bạn hàng từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản tìm đến ông để “dùng con cá cơm tươi ngon”, đã giúp ông thêm khá giả.

Chia tay cha con ông Pháp, tôi mang theo dư vị mặn của muối biển, mùi thơm của cá hấp cùng những cực nhọc của nghề mua cá giữa biển đêm mênh mông. Đó không chỉ đơn thuần là nghề mà còn là một “cuộc đua đầy áp lực” đòi hỏi người trong nghề như ông Pháp phải thực sự bản lĩnh mới mong vượt qua, trụ vững. Phần thưởng nhiều năm liền cơ sở chế biến cá khô Võ Văn Pháp được công nhận là một trong 5 sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của huyện Bình Sơn, âu cũng là xứng đáng.


Thanh Nhị
 


CÁC TIN KHÁC
.