(QNg)- Tuổi học trò, ai cũng từng đọc qua bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre…” Và rất nhiều người muốn một lần đến với dòng sông này để ngắm xem, cảm nhận những gì mà nhà thơ nói đến trong một kiệt tác viết về sông quê. Đó là sông Trà Bồng – dòng sông lớn phát nguyên từ những ngọn núi cao hùng vĩ trên dãy Trường Sơn, qua nhiều thác ghềnh, uốn lượn xuôi về cửa Sa Cần (Bình Sơn) hòa vào Biển Đông.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sông Trà Bồng chảy dài qua huyện Bình Sơn, qua các xã Bình Mỹ, Bình Chương, Bình Long, thị trấn Châu Ổ, Bình Dương, Bình Thạnh, Bình Đông. Chúng tôi đã dong xe về làng Đông Yên, một vùng quê với cư dân nửa làm nông, nửa chài lưới của nhà thơ Tế Hanh thuộc xã Bình Dương và được nghe chuyện “cổ tích” mới bên sông. Ở địa phận Bình Dương, sông Trà Bồng chẻ ra hai nhánh nhỏ, chia địa phương này thành hai “đảo” với làng mạc, bãi bồi, đồng ruộng và sông nước kề nhau là Đông Yên, Mỹ Huệ.
Chợ Hôm (Bình Dương) bên sông Trà Bồng yên ả. Ảnh: Công Hoàng |
Nổi bật trước cảnh trù phú, tươi đẹp của làng quê nơi sông nước hạ nguồn thời phát triển là cây cầu dài mới xây bắc qua sông Trà Bồng ở kề vạn Đông Yên. Cầu cao vọi, đoạn giữa giống như khung cầu đường sắt, trông thật ấn tượng. Chiếc cầu này là “quà tặng” cho quê nhà của một người con vạn Đông Yên đang sống ở Sài Gòn. Trước khi xây cầu, “người con” này cũng đã xây cho quê hương nhà một hoa viên mi ni, một ngôi chợ, một bờ kè chống sạt lở cho đoạn sông trước chợ. “Cụ Cao Ngọc Liên xin không cho ghi tên mình lên các công trình hiến tặng cũng như không nêu giá xây dựng các công trình này. Nhưng theo ước tính của chúng tôi, các công trình mà gia đình cụ Liên tặng cho địa phương trị giá không dưới 20 tỷ đồng”, ông Huỳnh Công Lập, Phó chủ tịch UBND xã Bình Dương, nói.
Người các làng quê “cách biển nửa ngày sông” của xã Bình Dương giờ đây chỉ ngồi thuyền máy chưa đầy một giờ là đến cửa Sa Cần để ra biển. “Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông” nay không còn nhiều. Ngư dân trong xã đa phần bám biển khơi nhưng đều là “bạn” cho các chủ tàu ở các xã Bình Chánh, Bình Thạnh- những xã mạnh về đánh bắt xa bờ nằm ở đoạn cuối sông Trà Bồng. Mạnh về giao thương biển, “những chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã” của người Bình Dương đưa những thương lái địa phương ra tận khơi xa mua cá, lập nên những “chợ biển” năng động giữa trùng khơi; đồng thời tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm để giúp ngư dân ở lại khơi xa đánh bắt dài ngày hơn. Với đội ghe rỗi trên 40 chiếc vượt sông ra biển mỗi ngày, những thương lái cá Bình Dương đã tác động tích cực vào việc đánh bắt của ngư dân trong vùng ở Biển Đông.
“Làm gì cũng phải tìm cho ra cái hướng mở mới khá lên được...”, thầy giáo làng Đoàn Bé lý giải. Hướng mở, theo thầy Bé, từ 70 - 80 năm trước, bằng ghe bầu, những người ở vạn Đông Yên đã mở ra cuộc giao thương với những vùng tận Nam Trung Bộ. Cái tư duy kinh tế mở đó đã giúp những con người từ dòng sông quê “mạnh mẽ vượt trường giang”. Họ vươn ra khơi, kẻ đánh bắt, người thu mua cá, quyết phải khá giả lên từ biển, từ sông. Những chiếc lò hấp cá nhỏ bé của ông cha để lại được nâng công suất lên hàng tạ, rồi hàng tấn cá mỗi ngày. Rồi bằng xe đò, xe tải, những vạn chài bên sông này đã đưa cá biển lên tận Tây Nguyên ngay thời kinh tế thị trường vừa hé mở. Và để con cá Biển Đông cung ứng đủ cho vùng Tây Nguyên suốt bốn mùa, 5 năm nay người Bình Dương đã xây nhà kho đông lạnh thay cho chiếc tủ đá, sắm hẳn xe đông lạnh để chuyển cá đi mỗi ngày. “Xã Bình Dương hiện có 7 kho đông, 8 xe đông lạnh. Mùa nắng cũng như mùa mưa, ngày nào cũng có cá tươi hấp xuất kho đi Tây Nguyên, đi các nơi”, bà Trần Thị Dũng (55 tuổi) - chủ lò hấp và cũng là chủ kho đông, chủ xe đông lạnh ở Đông Yên, cho biết.
Ngược lên thị trấn Châu Ổ, tôi dừng lại bên đoạn sông rộng kề ngôi chợ lớn. Theo lời những cư dân lớn tuổi, đoạn sông Trà Bồng này có tên là bến Bà Thủ. Thời trước, ghe bầu – loại ghe lớn chở hàng của thương nhân từ Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) và các nơi tấp nập cập bến này mỗi ngày. Họ chở đến đây bán các loại hải sản, đá vôi và mua các hàng thổ sản đem đi. Gọi là bến nhưng đây chính là cảng thương mại trên sông Trà Bồng. Việc giao thương ở bến Bà Thủ thuận lợi, phát đạt là nhờ ghe nhỏ có thể lưu thông lên đến bến sông bên chợ Trà Bồng– thị tứ của châu (và sau trở thành huyện) Trà Bồng. Còn ngay tại bến Bà Thủ lại có một đoạn sông đào chừng vài trăm mét nối với làng gốm nổi tiếng Mỹ Thiện. “Thời ông nội tôi, nhiều ghe buôn từ bến Bà Thủ đi đến tận Hải Phòng, Trung Quốc. Các ghe buôn ở đây đưa đi các loại thổ sản đường, quế, cau, chè, đồ gốm Mỹ Thiện. Ông nội tôi với một số chủ ghe khác ở đây đưa hàng sang bán tận Trung Quốc...” - ông Lâm Dũ Xênh, một người sưu tầm cổ vật ở thị trấn Châu Ổ kể lại.
Sông Trà Bồng bắt nguồn từ những dãy núi cao ở xã Trà Hiệp (cách thị trấn Trà Xuân chừng 20 cây số), chạy song song theo đường Trà Bồng – Trà My suốt từ Trà Hiệp đến thị trấn Trà Xuân, đổ về phía hạ nguồn. Ở nơi sông- biển giao nhau, cửa Sa Cần của sông Trà Bồng hôm nay tiếp giáp với cảng mới Dung Quất. Còn con đường nối Khu kinh tế - cảng - Nhà máy lọc dầu Dung Quất nay lại đấu nối tiếp vào đường Trà My – Trà Bồng, rồi nối vào đường Nam Quảng Nam để đến cửa khẩu Bờ Y ở huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), nơi giáp giới giữa ba nước Việt Nam– Lào- Campuchia. Và đoạn đường nối Khu kinh tế Dung Quất vào đường Nam Quảng Nam được gọi là đường xuyên Á. Một số thương lái cá ở làng Đông Yên cho rằng nay họ chuyển cá đi theo đường xuyên Á, “thẳng băng” đến một số tỉnh Tây Nguyên, gần hơn so với những con đường cũ.
Những bến cảng, những con đường mới bên dòng Trà Bồng - “con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh ngày càng lớn thêm lên, vươn ra xa hơn. “Mảnh hồn làng” của những làng chài nơi cuối dòng sông Trà Bồng của Tế Hanh giờ đã to hơn, vượt xa những “cánh buồm trương” khi ngư dân quê ông nay không chỉ ra khơi xa thật xa mà còn làm cuộc “Tây tiến” thật ngoạn mục, chuyển “những con cá tươi ngon thân bạc trắng” đến những vùng đất phía tây nơi thượng nguồn, tận nơi biên ải.
Ký sự của Văn Mỹ - Hoàng Giang