* Phóng sự của TRẦN ĐĂNG
(QNĐT)- Sáng ngày 8/7, Mai Phụng Lưu gọi điện cho tôi từ đảo Lý Sơn, thông báo: “Chắc tôi bỏ cuộc quá anh. 300 triệu người ta hứa cho tôi vay để mua tàu ấy, đến nay vẫn chưa lấy tiền được dù cả nhà tôi đã ký đầy đủ vào các văn bản vay mượn và cũng đã thế chấp cả sổ đỏ ngôi nhà đang ở của mình rồi. Họ bảo phải lấy giấy tờ sở hữu chiếc tàu để thế chấp thì mới vay được mà tiền thì chưa có, lấy đâu ra tàu!”. Vậy là, câu chuyện “gà có trước hay trứng có trước” đã nhập vô đời Lưu lần nữa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tôi chỉ còn biết an ủi Mai Phụng Lưu: “Cậu bình tĩnh, để tớ viết hoàn cảnh của cậu lên báo lần nữa xem sao? Biết đâu người ta lại cảm động và đặc cách cho cậu vay mà không cần “sổ đỏ con tàu” cũng nên”.
Mai Phụng Lưu giăng lưới bãi cạn quanh đảo Lý Sơn cho đỡ nhớ biển. Ảnh: T.Đ |
Từ đầu dây bên kia, giọng Lưu buồn buồn: “Mệt mỏi quá rồi anh. Tôi vay với lãi suất 14%, vay 300 triệu, mỗi năm phải trả 42 triệu. Dù biển có động, dù có bị “tàu lạ” vây đuổi không cho đánh cá ngoài Hoàng Sa thì cuối năm cũng phải trả lãi từng ấy tiền”.
Tôi nói với Lưu rằng, bữa nay các ngân hàng đã “đóng chốt” hết rồi, không cho vay nữa, nếu có vay được thì lãi suất cũng ở trên trời, cậu vay với lãi suất như vậy, cũng là “ưu tiên” lắm rồi”.
Cứ tưởng Mai Phụng Lưu sẽ “ngộ ra” câu chuyện ưu đãi mà tôi học mót từ buổi truyền hình trực tiếp từ Quy Nhơn hôm anh giao lưu với khán giả nhân buổi “Đồng hành cùng ngư dân bám biển” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 28/6, ai ngờ anh nói điều này làm tôi chưng hửng: “Tôi biết là người ta ưu đãi nhưng “ưu” kiểu đó, chắc đến mùa biển động thì mới lấy được tiền mua tàu. Mà tôi thì rất muốn ra khơi ngay trong lúc này, “nằm bờ” một ngày là người tôi như muốn rệu ra vậy”.
Cũng là do bức xúc mà “dỗi” thế thôi, ngân hàng bao giờ họ cũng nắm đàng chuôi, dù người đó có là Mai Phụng Lưu, người mà nhắc đến tên, từ lớn chí bé ở tỉnh Quảng Ngãi, thậm chí cả nước đều biết do “thành tích” 4 lần bị bắt khi đánh cá ở Hoàng Sa, giờ trắng tay và nợ đầm đìa.
“Nghiện” Hoàng Sa
Bây giờ thì tôi mới hiểu vì sao Mai Phụng Lưu lại “nghiện” Hoàng Sa đến vậy. Anh “dỗi” ngân hàng hứa cho anh vay 300 triệu, cũng là do “nghiện” Hoàng Sa mà ra. Vì lo cho xong thủ tục để vay được tiền thì mùa mưa bão đã ập đến rồi. Mà với Lưu, vùng biển Hoàng Sa mới chính là “ngôi nhà” của anh và những bạn chài ở đảo Lý Sơn.
Lưu tuổi Ngọ (1966), năm nay mới bốn lăm nhưng thuộc lòng Hoàng Sa đã 30 năm nay. “Mười lăm tuổi tôi đã theo cha đi biển rồi. Ông cũng chọn Hoàng Sa làm ngư trường quen thuộc của mình. Hồi ấy (những năm 80 của thế kỷ trước), dân Lý Sơn đi Hoàng Sa như đi chợ, có bị bắt bớ như bây giờ đâu”. Lưu hồi tưởng.
Có lẽ trong số một ngàn thợ lặn của huyện đảo Lý Sơn đang hành nghề tại Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay thì Mai Phụng Lưu là người có nhiều “duyên nợ” nhất với Hoàng Sa. Nhiều người ví Lưu là “sói biển”, riêng tôi thì chẳng thích ví anh như thế. Lang sói chi ở con người quá đỗi hiền lành này! Chính vì hiền như vậy, Lưu mới làm bạn với một cụ ông người Trung Quốc, ngay trên đảo “Cù Lao Ông Già” thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Cù Lao Ông Già là tên một hòn đảo được ngư dân Lý Sơn đặt cho cách nay đã 25 năm. Bấy giờ Mai Phụng Lưu bám biển Hoàng Sa đã được 5 năm. Anh nhớ lại: “Năm 1986, lần đầu tiên tôi ăn tết xa nhà và ở lại Hoàng Sa. Thấy trên một hòn đảo hoang vắng chỉ có mỗi một ngôi nhà, chúng tôi cho tàu ghé vào “ăn Tết”. Từ trong ngôi nhà, một cụ ông, trạc ngoài 60 tuổi bước ra đón khách. Cả hai không biết tiếng của nhau nhưng nhìn nhau thì biết đó là “người hiền”.
Chúng tôi “trò chuyện” bằng tay, biếu ông một ít mực vừa câu được, còn ông thì đãi chúng tôi thuốc lá và rượu. Khi đã ngà ngà, ông kéo tôi ra một góc đảo và chỉ vào hai nấm đất, rồi “nói” với tôi rằng “có thể người nằm dưới ngôi mộ hoang kia là dân Lý Sơn cũng nên”. Tôi cảm ơn ông và tất cả chúng tôi đều cúi đầu vái hai nấm đất. Không biết tiếng Hoa nên chúng tôi không rõ tung tích của ông già, vì sao lại giạt ra giữa hòn đảo hoang vắng này?
Chỉ biết rằng, vào những năm ấy, mỗi lần chúng tôi đi Hoàng Sa là đều tạt vô đây thăm ông, biếu một ít tỏi khô của Lý Sơn và thắp nhang lên hai nấm đất, đặt “chết” luôn cái tên hòn đảo là Cù Lao Ông Già”. Kỷ vật mà Mai Phụng Lưu mang về từ Cù Lao Ông Già là gốc của một cây phong ba lực lưỡng mà anh đang bày tại phòng khách nhà mình.
Lưu “nghiện” Hoàng Sa không hẳn là vì có kỷ niệm với Cù Lao Ông Già mà đơn giản vì đó là ngư trường quen thuộc của anh. Lưu thuộc hải trình đến mức, giờ không cần la bàn, nhắm mắt lại anh cũng chạy “trúng” Hoàng Sa! Có một thứ tình cảm gắn bó ruột rà, máu huyết giữa con người với một vùng đất nào đấy mà không thể cắt nghĩa được vì sao. Mai Phụng Lưu với vùng biển Hoàng Sa là một trường hợp như thế.
Sau những lần bị bắt bớ, đòi tiền chuộc, những tưởng Lưu “chừa” mảnh đất Hoàng Sa, nhưng không, hễ tàu nổ máy ra khỏi cảng Lý Sơn, dù đã nói với vợ là đi Trường Sa nhưng khi đã khuất tầm nhìn, Lưu lại bẻ bánh lái, trực chỉ Hoàng Sa. “Hình như ổng có vợ bé ở ngoài Hoàng Sa thì phải”. Chị Phạm Thị Lan đã lý giải cơn “nghiện” Hoàng Sa của chồng mình bằng một câu hờn ghen mát ruột như thế. Đó là nói những lần còn tàu, bây giờ thì Lưu trắng tay rồi, có “nghiện” Hoàng Sa cũng đành chịu trận.
“Tôi phải ra khơi!”
Sau buổi giao lưu với khán giả Quy Nhơn ngày 28/6, Mai Phụng Lưu vội vã trở về Lý Sơn để lo các thứ giấy tờ liên quan đến món vay 300 triệu với mong muốn sớm được ra khơi. Gặp tôi ở Quảng Ngãi, Lưu khoe ngay: “Tôi thiệt thà quá anh, họ hỏi tôi cần bao nhiêu, tôi chỉ dám nói 300 triệu, thực ra với số tiền đó, cộng với thế chấp ngôi nhà được 200 triệu nữa thì chỉ mua lại con tàu cũ thôi. Còn lưới và đồ nghề khác, chẳng biết tính sao. Nhưng dù có khó khăn đến đâu đi nữa, tôi vẫn phải ra khơi!”.
Gốc cây phong sau lưng Mai Phụng Lưu được anh mang về từ Cù Lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: T.Đ |
Quyết tâm “sắt đá” ấy của Mai Phụng Lưu đang gặp một bức tường thủ tục của ngân hàng. Nhưng tôi thì vẫn cứ tin vào sự nhiệt tâm thật lòng của các nhà tổ chức buổi giao lưu “Đồng hành cùng ngư dân bám biển” và lời hứa của ngân hàng chứ không phải đó là buổi để PR cho công việc làm ăn của họ.
Ra khơi với Mai Phụng Lưu vừa là khát vọng của một ngư phủ luôn xem biển là nhà nhưng trong thẳm sâu lòng anh, đó còn là nhiệt tâm và trách nhiệm của một công dân yêu nước. Là bởi, cánh buồm của tàu Mai Phụng Lưu cũng như của tất cả ngư dân Việt Nam đi đến đâu là Tổ quốc ta lại hiện lên tới đó.
Nhớ hôm tháng 10/2010, sau lần thứ 4 anh bị ở Hoàng Sa, Lưu về Lý Sơn cùng con tàu cũ nát nhưng là tàu thuê, người ta đã lấy lại con tàu, bỏ Lưu chơ vơ giữa đảo! Hàng ngày, để đỡ cơn khát biển, Lưu lại lấy một ít lưới ra bãi rạng của đảo Lý Sơn để giăng và bắt cá con. Từng vẫy vùng ngang dọc Hoàng Sa là thế, giờ “thất cơ lỡ vận”, Lưu đành bè bạn với cá con và bãi cạn. Chứng kiến cảnh ấy, bất cứ ai cũng cảm thấy xót lòng.
Khi tôi viết những dòng cuối cùng này thì Mai Phụng Lưu gọi điện thông báo về giải pháp ra khơi của anh: “Tôi đi vay nóng!”. Trời đang nóng 40 độ mà lại còn vay nóng nữa, chịu sao nổi Lưu ơi?