Nghề của những tấm lòng biết sẻ chia

10:03, 23/03/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Công tác xã hội (CTXH) là một nghề đặc biệt, vì không thuần túy là hoạt động từ thiện, nhân đạo, mà còn là nghề giúp cho con người phát triển đầy đủ, hài hòa hơn; đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Với lẽ đó, những người làm CTXH luôn gắn bó với nghề bằng cái tâm trong sáng, sự đồng cảm và sẻ chia với cộng đồng.
[links()]
Video:
Chị Phan Thị Thanh Thủy, cán bộ Phòng Bảo trợ xã hội và giảm nghèo, Sở LĐ-TB&XH đã có 17 năm làm trong ngành CTXH. Hiểu rõ tầm quan trọng của việc hướng dẫn các chính sách trợ giúp các đối tượng yếu thế, chị Thủy luôn kiên trì tìm hiểu để trau dồi kiến thức và nắm được cốt lõi của từng chính sách mới ban hành. Từ đó, tham mưu lãnh đạo Sở chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách kịp thời và đúng đối tượng.
 
Bước vào nghề và va vấp với thực tế, chị nhận thấy rằng, những khó khăn ở ngoài đời còn hơn cả những gì được học ở trong trường. Nhưng với cái tâm của một người làm CTXH, chị Thủy luôn làm tốt vai trò là cán bộ hướng dẫn chính sách trợ giúp xã hội.
Chị Thủy gắn bó với nghề CTXH bằng cả cái tâm để tìm hiểu, hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng các chính sách bảo trợ xã hội.
Chị Thủy gắn bó với nghề CTXH bằng cả cái tâm và trách nhiệm.
Chị Thủy chia sẻ, khi một chính sách mới ban hành thì mình phải tranh thủ thời gian tìm hiểu và kịp thời triển khai để các địa phương triển khai áp dụng cho đúng đối tượng. Nếu hiểu sai, triển khai sai một chính sách thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả hệ thống từ tỉnh đến cơ sở và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân thụ hưởng chính sách, nên chị luôn đọc, tìm hiểu và lên mạng tham khảo.
 
Để đối tượng yếu thế được hưởng đúng, đủ và kịp thời các chính sách trợ giúp, ngoài vai trò của những cán bộ hướng dẫn, thì luôn cần đội ngũ trực tiếp làm CTXH ở cộng đồng. Trợ giúp các trường hợp trẻ em khuyết tật, bị bệnh, có hoàn cảnh khó khăn… là công việc mỗi ngày của anh Trương Quang Hiền đang công tác tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh trong gần 20 năm qua. Được ví là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, bởi thời gian anh kết nối với cộng đồng để giúp đỡ các hoàn cảnh trẻ khó khăn còn nhiều hơn thời gian anh ở bên gia đình, nhưng anh luôn vui công việc này.
 
Từng hoàn cảnh anh Hiền gặp là những bài học sinh động mà cuộc sống mang lại. Bởi lẽ càng tiếp xúc với những đối tượng được trợ giúp, anh càng thêm đồng cảm với những khó khăn trong cuộc sống của họ để vững tâm gắn bó với nghề CTXH và giúp đỡ thêm nhiều mảnh đời bất hạnh khác.
Anh Trương Quang Hiền (áo trắng) tìm thấy niềm vui, hạnh phúc khi làm nhân viên CTXH để kết nối trợ giúp nhiều hoàn cảnh trẻ em bất hạnh.
Anh Trương Quang Hiền (áo trắng) cảm thấy hạnh phúc khi làm nhân viên CTXH.
Anh Hiền cho biết, trong quá trình tiếp xúc với các trẻ em bị bệnh, khuyết tật, anh từng gặp một số gia đình phản đối việc chữa bệnh, phẫu thuật cho con em. Song, anh vẫn luôn kiên trì thuyết phục, tư vấn và động viên để trẻ được khám, chữa bệnh và trở lại là những đứa trẻ khỏe mạnh bình thường. Làm nghề này thực sự rất vất vả, nhưng càng khó thì mình lại càng muốn vượt qua để mang lại hạnh phúc, nụ cười cho nhiều trẻ em. Đó cũng là niềm hạnh phúc của nhân viên CTXH.
 
Đối tượng của nghề CTXH là nhóm người thiệt thòi, yếu thế, các hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật, những cá nhân, gia đình gặp rủi ro, bất hạnh... Những năm qua, Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều chính sách để trợ giúp cho hàng trăm nghìn trường hợp yếu thế, cần sự giúp đỡ. Trong đó, đối tượng trẻ em luôn được quan tâm. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh là một trong những cơ quan thực hiện tốt các chính sách, hoạt động hỗ trợ cho trẻ khuyết tật, bị tim bẩm sinh và có hoàn cảnh khó khăn. Riêng năm 2021, Quỹ đã huy động kinh phí gần 18 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 20 nghìn trường hợp trẻ cần giúp đỡ.
 
Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đinh Duy Long chia sẻ, trong ngành CTXH, Quỹ là đơn vị chịu trách nhiệm giúp đỡ các hoàn cảnh trẻ em yếu thế trong cộng đồng. Trong năm 2022, Quỹ sẽ tiếp tục thực hiện chương trình phẫu thuật cho trẻ bị tim bẩm sinh, trẻ sứt môi, hở hàm ếch và hỗ trợ học bổng cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Công tác chăm sóc, dạy dỗ trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam/Dioxin ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa).
Chăm sóc, dạy dỗ trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam/Dioxin ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa).

“Đẩy mạnh công tác truyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa, vai trò của nghề CTXH, định hướng cho các em học sinh đăng ký thi tuyển vào ngành nghề này, nhằm đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu phát triển nghề trong thời gian tới”.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi NGUYỄN HỮU DŨNG

Nghề CTXH không thuần túy là hoạt động từ thiện, nhân đạo, mà là sự giúp đỡ mang động cơ nghề nghiệp, là trách nhiệm của ngành CTXH, nhằm giúp đối tượng hoàn chỉnh bản thân hơn để hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, đòi hỏi đội ngũ làm CTXH phải có phẩm chất đạo đức tốt và giỏi kỹ năng nghiệp vụ; không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng và cả đạo đức nghề nghiệp. Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ làm CTXH để đóng góp hiệu quả cho công tác an sinh xã hội tại Quảng Ngãi là vấn đề cấp thiết cần làm.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi Nguyễn Hữu Dũng cho biết, sở sẽ rà soát số lượng và chất lượng của đội ngũ làm CTXH. Từ đó, lên kế hoạch tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai đào tạo, tập huấn bài bản cho những người làm CTXH ở địa phương. Đồng thời, tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ làm CTXH ở các cơ sở bảo trợ xã hội, đơn vị, địa phương.
 
Đến với nghề bằng cái tâm và tấm lòng yêu thương, những người làm nghề CTXH đang đồng hành, giúp đỡ các cá nhân, gia đình bất hạnh vươn lên và hòa nhập cộng đồng. Với những quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, nghề CTXH ngày càng được coi trọng. Những hoàn cảnh yếu thế ngày càng có nhiều cơ hội được quan tâm, chăm sóc, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và bồi đắp thêm truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam.
 
Thực hiện: T.PHƯƠNG – Đ.TƯƠI