(Baoquangngai.vn)-
Qua nhiều đợt thiên tai, gió bão, “lá phổi xanh” trên địa bàn huyện Lý Sơn bị tổn thương nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, phải mất từ 5-7 năm, huyện Lý Sơn mới khôi phục được hệ cây xanh quanh đảo.
[links()]
Sau bão, hàng nghìn cây xanh trên đảo Lý Sơn bị bật gốc, trơ cành. Nhiều cây cổ thụ, được lập hồ sơ xếp hạng di sản cũng bị xơ xác, tiêu điều.
Bão số 9 mang theo nước biển phủ trắng toàn bộ diện tích địa bàn huyện đảo, làm cây rụng lá, chết khô.
Sinh sống ở đầu sóng, ngọn gió chưa bao giờ người dân phải chứng kiến tình cảnh Lý Sơn không còn cây xanh che bóng mát.
"Sóng biển dâng cao kèm theo gió mang hơi nước mặn vào sâu trong đảo khiến hầu hết cây xanh trên đảo bị rụng lá, trong đó có nhiều cây bị chết khô. Muốn khôi phục lại cây xanh trên đảo tôi nghĩ phải mất từ 5-7 năm nữa”- ông Trương Văn Cửu ở thôn Đông, An Hải chia sẻ.
Những cây xanh trên đảo trơ trọi sau khi mưa bão quét qua |
Dọc theo các tuyến đường quanh đảo và trung tâm lỵ huyện Lý Sơn, hầu hết cây xanh đều có hiện tượng rụng lá, trong đó có những cây chết khô. Nhiều diện tích cây ăn quả lâu năm của người dân bị gãy đổ, hoặc bị trụi lá, trơ cành và chết dần, chết mòn vì nhiễm mặn.
Nguồn cây, trái phục vụ cho người dân đảo, giờ chỉ còn biết trông nhờ vào đất liền. Phải mất nhiều năm nữa, họ mới khôi phục lại thiệt hại như ban đầu.
Cây phong ba trên đảo Bé cũng bị gió bão quật ngã |
Rừng phòng hộ, nơi che chắn, bao bọc xóm làng, nhà cửa và cây nông sản của nhân dân cũng bị ngã đổ la liệt, quang cảnh cháy khô.
Không chỉ tác tác động xấu đến môi trường, những loại cây nông nghiệp như hành, tỏi, rau màu cũng mất đi chỗ dựa che chắn mỗi khi thời tiết diễn biến xấu.
Người dân huyện đảo nuối tiếc khi những thấy những cây xanh hàng trăm tuổi xơ xác, tiêu điều sau bão |
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan tiếp tục chằng chống những cây xanh còn lại; đồng thời, cũng đã có văn bản báo cáo và tờ trình xin nguồn hỗ trợ của cấp trên, tiếp tục đầu tư trồng cây xanh và trồng rừng trên đảo.
Cây xanh có vai trò quan trọng với người dân đảo, giúp hạn chế thiệt hại do thiên tai, gió bão; hạn chế tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa nắng nóng.
Mất hệ sinh thái cây xanh, người dân đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức trước biến đổi tiêu cực của khí hậu.
Thực hiện: H.P- K.Toàn