(Baoquangngai.vn)- Thời gian qua, nhiều vụ án mạng thương tâm đã xảy ra mà hung thủ lại là người mắc bệnh tâm thần. Chăm sóc cho những người bệnh đặc biệt này cần sự nhận thức nghiêm túc về tình trạng bệnh, diễn biến của bệnh, vì bệnh này có nguy cơ tái phát nếu không được chăm sóc chu đáo của người thân trong gia đình và sự kỳ thị của cộng đồng.
Đến tháng 9.2018 toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 5.713 người bị bệnh tâm thần phân liệt, động kinh đang điều trị, có hồ sơ bệnh án quản lý tại các cơ sở y tế. Trong đó quản lý tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh là gần 900 trường hợp, còn tại các cơ sở xã, phường là trên 4.800 trường hợp.
Theo ghi nhận từ các địa phương, việc theo dõi, quản lý, chăm sóc cho các đối tượng mắc bệnh tâm thần đang điều trị ở cộng đồng hiện vẫn còn nhiều “nút thắt”, lắm khó khăn và gian nan. Một thực tế hiện nay, đa phần người chăm sóc người bệnh tâm thần ở cộng đồng đều chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để chăm sóc người bệnh.
Trong vài năm trở lại đây, không chỉ riêng ở Quảng Ngãi, tình trạng người bệnh tâm thần gây án ngày càng có chiều hướng gia tăng. Điều đó cho thấy ở góc độ nào đó, sự quan tâm của gia đình, xã hội cũng chưa cao, nhiều bệnh nhân tâm thần còn bị bỏ rơi và đã gây ra những hậu quả đáng lo ngại.
Theo các chuyên gia tâm lý, bên cạnh sự quan tâm của mạng lưới y tế các cấp, những người điều trị bệnh tâm thần ở cộng đồng rất cần sự quan tâm, yêu thương, tôn trọng, đồng hành từ chính người thân trong gia đình, người dân nơi mình sinh sống. Cần phải lưu ý những sang chấn tâm lý, tìm hiểu các kỹ năng cần thiết để giúp họ vượt qua những mặc cảm, điều trị bệnh một cách hiệu quả hơn.
Bất cứ ai trong chúng ta đều có nguy cơ rối loạn tâm thần sau những mất mát, chia ly và dễ rơi vào lo âu, trầm cảm nếu không được hỗ trợ kịp thời. Chăm sóc cho những người bệnh đặc biệt này cần sự nhận thức nghiêm túc về tình trạng bệnh và sự đồng hành sát sao của người thân trong gia đình để giúp họ chữa bệnh hiệu quả, đừng biến họ trở thành một mối họa tiềm ẩn trong cộng đồng.
T/h: Thiên Hậu