(Baoquangngai.vn)- Từ ý tưởng ban đầu nuôi ốc mượn hồn với mục đích bảo tồn và làm cảnh. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh Mai Tấn Thanh, ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn nhận thấy việc nuôi ốc mượn hồn rất dễ, ít tốn công lại có nhiều người tìm mua chơi nên anh mạnh dạn nuôi với số lượng hàng nghìn con để bán.
Tận dụng mảnh đất khoảng 100 mét vuông sát bên nhà, anh Mai Tấn Thanh, ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn đã đầu tư hơn 10 triệu đồng xây tường, kéo lưới xung quanh làm nơi nuôi hàng ngàn con ốc mượn hồn. Cùng với tự tìm bắt, anh Thanh còn đặt mua của một số người dân trên đảo để thả nuôi.
Hiện tại, anh Thanh đang thả nuôi khoảng 3.000 con ốc mượn hồn với đủ loại kích cỡ. “Thị trường tiêu thụ ốc mượn hồn chủ yếu là ở các tỉnh, thành lớn trong nước, họ mua về nuôi làm cảnh, đặc biệt là giới trẻ. Thời gian nuôi từ nhỏ đến khi xuất bán khoảng 5-6 tháng, với giá 500.000 đồng/kg (khoảng 100 con/kg)”- anh Thanh cho biết.
Ngoài nuôi để tạo thêm nguồn thu nhập, anh Thanh còn chia sẻ thời gian gần đây, nhiều khu vực bờ biển ở Lý Sơn nơi ốc mượn hồn sinh sống bị bê tông hóa nên số lượng ốc giảm đi rất nhanh. Vì vậy, việc nuôi cũng là góp phần bảo tồn loài ốc này.
|
Ốc mượn hồn thường dùng vỏ ốc để làm nơi trú ngụ |
Ốc mượn hồn còn có những tên gọi khác thường như: "Cua ẩn sĩ", "ốc phù thủy". Động vật này có bụng mềm không đối xứng, đó là một loại tôm hoặc cua với những cái chân và càng dài lêu nghêu. Đặc biệt, bụng của loại tôm này rất dễ bị tổn thương nên chúng phải tìm một cái vỏ bọc để bảo vệ. "Tấm áo giáp" ấy có thể là lớp vỏ sò rỗng, đá có lỗ rỗng nhưng loại ưa thích nhất của chúng là vỏ ốc biển.
Theo anh Thanh nuôi ốc mượn hồn rất dễ, không tốn tiền mua thức ăn như một số con vật khác. Cái khó là ốc mượn hồn không thể tự tạo được vỏ, vì vậy mà nó thường xuyên phải thay tấm áo giáp. Khi kích cỡ cơ thể của nó lớn dần thì nó sẽ phải tìm một vỏ lớn hơn và bỏ cái vỏ cũ. Vì vậy, người nuôi phải thường xuyên tìm những vỏ ốc phù hợp, mang về để cho chúng thay vỏ.
H.P