Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định mục tiêu cao nhất của Bộ khi điều chỉnh phương án thi THPT năm 2016 là phải tổ chức một kỳ thi khách quan, trung thực, giúp các trường sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
* Xem clip nội dung buổi Tọa đàm
Sáng 8/9, Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về dự thảo phương án thi THPT và tuyển sinh năm 2017. Tham dự buổi tọa đàm có ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; TS. Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành.
Khắc phục những tồn tại của phương án thi năm 2016
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã xây dựng lộ trình đổi mới phương thức thi tuyển một cách khoa học. Bắt đầu từ năm 2015, Bộ đã áp dụng đổi mới thi với 38 cụm thi và đến năm 2016, đã có 120 cụm thi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bất cập: Tổ chức 2 cụm thi khiến dư luận băn khoăn về tính khách quan, thời gian thi kéo dài, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chưa triệt để, việc chấm thi tự luận không hoàn toàn bảo đảm khách quan. Vì vậy, kỳ thi này cần tiếp tục được cải thiện để khắc phục những bất cập, tồn tại đó.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, đề thi năm 2017 vẫn nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12; kiến thức, kỹ năng để thi không có gì khác biệt so với năm 2016, vì vậy, không có gì khó khăn với các em, kể cả thí sinh vùng khó khăn.
|
Các vị khách mời tham dự buổi tọa đàm trực tuyến về dự thảo phương án thi và tuyến sinh năm 2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Vẫn theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, phương án lý tưởng nhất là cho thí sinh thi trên máy tính, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta chưa đủ điều kiện để tổ chức theo cách thức này. Vì vậy, tại kỳ thi THPT năm 2017, các em sẽ vẫn thi trên giấy nhưng Bộ sẽ tổ chức chấm bằng máy. Về lâu dài, chúng ta sẽ chuẩn bị hạ tầng đầy đủ để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính như ĐHQGHN đang làm.
Nhận định về phương án thi năm 2017, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, phương án tổ chức 5 bài thi sẽ khắc phục được điểm yếu của kỳ thi năm 2016 và tiếp cận được xu thế của thời đại. Một trong số tồn tại đó là học 8-9 môn nhưng chỉ thi 5 môn (ở mỗi khối thi), điều này khiến thí sinh có xu hướng học lệch. Do đó, việc ra đề thi tổ hợp nhiều môn sẽ khuyến khích thí sinh học đều, đồng thời là cơ sở, bước chuẩn bị để tiến tới ra bài thi tích hợp. Thứ 2 là nếu ứng dụng CNTT tốt thì sẽ không có tiêu cực xảy ra. Do đó, các trường ĐH hoàn toàn có thể tin tưởng vào kết quả của kỳ thi năm nay.
Đồng quan điểm trên, ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN cho rằng những tiếp cận đổi mới của Bộ nằm trong xu thế chung của thế giới, đó là đánh giá theo bài thi đánh giá năng lực. Ông Hồng phân tích: “Thi bằng bài thi tổng hợp sẽ khắc phục được tình trạng học lệch, học tủ. Xu thế thế giới là sử dụng 5 bài thi tổng hợp và họ chỉ thi trong một ngày. Chúng ta tới đây thi trong 2 ngày thì sẽ nhẹ nhàng hơn. Thời lượng bài thi cũng ngắn hơn vì hình thức thi là trắc nghiệm. ĐHQGHN đã trải qua mấy năm thi đánh giá năng lực trên máy tính, kết quả rất tốt, nhưng triển khai trên bình diện cả nước thì chưa đủ hạ tầng, vì vậy việc Bộ GD&ĐT tổ chức thi đánh giá năng lực trên giấy và chấm thi trên máy trong năm 2017 là phù hợp”.
Xét tuyển ĐH: Thí sinh sẽ không bị hạn chế nguyện vọng
Về xét tuyển ĐH, ông Bùi Văn Ga cho biết, năm 2017, có 5 cách xét tuyển ĐH. Thí sinh sẽ đăng ký nhiều nguyện vọng, vì thế công nghệ lọc “ảo” sẽ phải được sử dụng tối đa.
Theo đó, nếu trong năm 2016, đợt đầu thí sinh chỉ được đăng ký 4 nguyện vọng ở 2 trường thì trong năm 2017, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng. Như vậy, tỉ lệ “ảo” sẽ còn cao hơn năm 2016.
Trước những băn khoăn về nguy cơ tái diễn thí sinh “ảo”, TS. Đỗ Văn Dũng chia sẻ, “Câu chuyện thí sinh ảo luôn tồn tại trong bất cứ kỳ tuyển sinh nào. Ngay tại Hoa Kỳ, các trường ĐH cũng chỉ tuyển được 60% chỉ tiêu. Tuy nhiên, tại kỳ thi THPT vừa qua, trong đợt 1, Đại học Sư phạm kỹ thuật THHCM đã tuyển gần đủ chỉ tiêu.
Muốn chống "ảo", cần đưa yếu tố thị trường vào trong công tác đào tạo và hướng nghiệp, người học phải là khách hàng của nhà trường. Các trường ĐH cần phân tích dữ liệu tuyển sinh trong khu vực, bảo đảm chất lượng sau khi ra trường có việc làm. Tôi cho rằng, tỉ lệ “ảo” nằm ở những trường, nguyện vọng mà các em không chọn và tỉ lệ “ảo” này chủ yếu rơi vào những ngành, những trường mà khi ra trường, sinh viên khó kiếm việc làm”.
Chuẩn bị kỹ càng sẽ hạn chế tối đa sai sót
Trước lo lắng của phụ huynh học sinh và xã hội về những điều chỉnh này, bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) khẳng định, đúng là sẽ có thay đổi trong việc dạy và học, sẽ không còn môn chính, môn phụ mà thầy cô phải dạy hết các môn, học sinh cũng phải học hết các môn. Nội dung thi chắc chắn tăng lên, vậy nên thầy cô giáo phải chủ động điều chỉnh cách dạy để học sinh biết thêm nhiều kiến thức.
Bà Thu Anh cho rằng khó có thể làm ra phương án thi tối ưu hoàn toàn. Do đó, để triển khai kỳ thi một cách tốt nhất thì ngoài sự quan tâm của phụ huynh còn cần có sự đồng hành của nhà trường, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các sở và Bộ. Với bài thi tổng hợp, tiến tới tích hợp, để chuẩn bị tốt cho các em thì tư duy giáo viên cũng phải thay đổi. Tuy nhiên, do hiện nay chương trình sách giáo khoa vẫn còn nặng về kiến thức nên cần có định hướng về nội dung để các trường có thể chuẩn bị dạy và ôn thi tốt cho các em. “Chính vì năm đầu tiên áp dụng 5 bài thi, cả giáo viên và học sinh đều chưa quen nên các bên càng phải có sự chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng”, bà Thu Anh nói.
Đồng quan điểm trên, ông Sái Công Hồng cũng cho rằng, để có thể áp dụng phương án thi trên toàn quốc thì phải tiến hành từng bước. Song song với đó là có sự chuẩn bị về con người, phương tiện máy móc, cơ sở hạ tầng, phần mềm và kho dữ liệu đề thi...
“Theo kinh nghiệm của ĐHQGHN, càng chuẩn bị kỹ càng, kỳ thi sẽ càng ít sai sót. Bộ cần một lộ trình chi tiết để tiến hành từng bước một”, ông Hồng khuyến cáo.
Về băn khoăn của thí sinh, phụ huynh về việc năm nào cũng thay đổi phương án thi và xét tuyển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, không phải năm nào cũng thay đổi hoàn toàn mà năm sau hoàn thiện phương án thi hơn năm trước, không đổi mới hoàn toàn và gây "sốc" cho thí sinh.
Trấn an các thí sinh, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM nói, kiến thức kỳ thi năm tới sẽ nhẹ nhàng hơn, nội dung thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 nên thí sinh có thể yên tâm. Môn Toán thay vì thi tự luận thì các em thi trắc nghiệm, nhưng để ra kết quả điền vào phiếu trắc nghiệm thì các em vẫn phải giải ở giấy nháp, như vậy là không có gì khác biệt.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, chậm nhất là cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ công bố chính thức phương án thi, ban hành quy chế, có hướng dẫn cụ thể và công bố đề thi minh họa, khi có đề thi minh họa thì các em sẽ hiểu rõ hơn rất nhiều. Những trường thi riêng bằng cách đánh giá năng lực cũng phải công bố đề thi minh họa cho thí sinh biết.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh có một đề thi, vì vậy đòi hỏi ngân hàng thi phải hết sức phong phú. “Nếu các trường tự tổ chức thi riêng thì phải có quá trình chuẩn bị dài hơi, thông báo cho thí sinh biết”, ông Ga nói.
Theo Chinhphu.vn