(Baoquangngai.vn)- Chỉ trong phút chốc, 55 người đàn ông trai tráng trong làng đã nằm lại biển khơi sau một trận cuồng phong. Sự ra đi đột ngột ấy đã để lại trong lòng những người mẹ, người vợ của họ nỗi đau tột cùng, cùng những gian nan, vất vả vô bờ bến. Vượt qua đau thương, mất mát, họ đã sống, vượt qua nỗi đau, đã kiên cường bất khuất như cây phong ba trên đảo Trường Sa.
[links(38058)]
Chúng tôi về làng chài xóm Cù Lao, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh huyện Bình Sơn đúng ngày 23 tháng 11 âm lịch. Đây là ngày cả thôn nhộn nhịp, nhà nào cũng làm giỗ tưởng nhớ những người đàn ông đã chết vì biển giả. Đó là ngày cách đây 23 năm về trước, 55 người đàn ông xấu số đã vĩnh viễn nằm lại với biển cả chỉ sau một lần biển nổi giận.
Cả làng tràn ngập trong cảnh tan thương. Chỉ trong phút chốc, mấy chục phụ nữ trong làng trở thành góa phụ. Sự ra đi đột ngột ấy đã để lại trong lòng những người phụ nữ đang tuổi xuân thì cùng những đứa con thơ nỗi bất hạnh vô bờ và hụt hẫng.
Cụ Huỳnh Thị Bường đã mất 7 người thân, 4 người con trai, chồng, cháu ngoại và con rể. Đã 23 năm nhưng nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng bà. Dẫu đã già yếu nhưng vài hôm bà lại ra mộ thắp nén hương cầu mong cho những người thân của mình siêu thoát nơi chín suối, có hôm bà lại ra biển mắt dõi về xa xăm. Trong lòng bà lúc nào cũng thầm mong có một phép màu cho một ngày nào đó những người đàn ông ấy trở về bằng da bằng thịt trước mắt bà.
Sau những tháng ngày vật vả vì nỗi đau, với bản chất can trường của người phụ nữ vùng biển, bà đã đứng dậy đối diện với hiện tại. Thức khuya dậy sớm mua gánh bán bưng, từ miền xuôi đến miền ngược để nuôi sống bản thân và ba con gái. Giờ đây khi các con gái của bà đã lập gia đình và có cuộc sống riêng tư bà lại lủi thủi thân già sống một mình trong căn nhà mà vợ chồng và các con bà đã sống mấy mươi năm về trước.
Không cam chịu sống tựa vào con cái, bà vẫn gắn bó với công việc quét và thu gom rác ở chợ để kiếm kế sinh nhai. Cứ ba hôm lại tới lượt bà, mỗi ngày như thế bà kiếm được 20 chục nghìn đồng từ công việc này để trang trải cuộc sống tuổi già.
Cũng như cụ Bường, chị Bùi Thị Vân cũng có chồng nằm lại ở lòng biển sâu trong thời khắc ấy. Một ngày, hai ngày, rồi hai tháng trôi qua trôi qua, chị cùng những phụ nữ trong làng lập bàn thờ, xây mộ gió.
Sau những ngày tháng vật vã vì nỗi đau, gánh nặng mưu sinh cùng hai con thơ dại đã giúp chị tỉnh ngộ. Nuốt nước mắt vào trong chị đã bắt đầu những ngày làm vừa làm cha vừa làm mẹ, vừa phụng dưỡng mẹ chồng và mẹ ruột của mình. Thấu hiểu cho những gian khổ của mẹ, hai con của chị Vân đều học rất giỏi và ngoan ngoãn, đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.
23 năm kể từ ngày 55 người đàn ông của làng chài Mỹ Tân nằm lại với biển, những người phụ nữ ở tuổi xuân thì giờ có người đã lên chức bà nội, bà ngoại. Những người con của họ giờ đã trưởng thành, nhiều người được học hành tử tế và có địa vị trong xã hội. Nhiều người nối nghiệp cha ông kiên cường bám biển giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Họ đã kiên cường bất khuất như cây phong ba trên đảo Trường Sa.
Thực hiện: Ái Kiều - Th.Hậu